Myanmar: Tu sĩ đòi Cởi áo Cà sa khoác chiến bào

01/01/2016 09:28
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tôi mạnh dạn tuyên bố rằng, tôi có thể cởi áo Cà sa và cầm súng", tu sĩ U Pamaukka nói trước đám đông người biểu tình ở Tamwe, Yangon.
Tu sĩ U Pamaukka thuộc tổ chức Ma Ba Tha được cho là có màu sắc chính trị dân tộc cực đoan ở Myanmar, ảnh: Stever Tickner/Nikkei Asian Review.
Tu sĩ U Pamaukka thuộc tổ chức Ma Ba Tha được cho là có màu sắc chính trị dân tộc cực đoan ở Myanmar, ảnh: Stever Tickner/Nikkei Asian Review.

Nikkei Asian Review ngày 31/12/2015 đưa tin, một tu sĩ Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc hàng đầu Myanmar, U Pamaukka đã gây sửng sốt dư luận khi tuyên bố trước hàng trăm người biểu tình hôm 29/12 phản đối phán quyết của tòa án Thái Lan tuyên án tử hình 2 công dân Myanmar vì tội hiếp dâm, giết người đối với 2 du khách người Anh ở Thái Lan.

"Tôi mạnh dạn tuyên bố rằng, tôi có thể cởi áo Cà sa và cầm súng", tu sĩ U Pamaukka nói trước đám đông người biểu tình ở Tamwe, Yangon. Ông sẽ hoàn tục và gia nhập quân đội nếu đó là những gì có thể làm để bảo vệ tính mạng cho 2 công dân Myanmar nhập cư và vừa bị kết án tử hình tại Thái Lan.

Zaw Lin và Win Zaw Htun, hai công dân Myanmar nhập cư sang Thái Lan bị cáo buộc hãm hiếp và giết hại 2 khách du lịch người Anh trên đảo Koh Tao, Thái Lan năm 2014 và vừa bị tòa án Thái Lan tuyên án hôm Thứ Năm vừa qua. Động thái này đã tạo cơ hội cho một nhóm tu sĩ Phật giáo Myanmar khuấy động tình cảm dân tộc và cố gắng làm sống lại sự hỗ trợ của dư luận cho hoạt động của họ, Nikkei Asian Review đưa tin.

Phản ứng của dư luận Myanmar về phán quyết tử hình 2 công dân nước này mà Tòa án Thái Lan đưa ra khá nhanh chóng và mang màu sắc cảm xúc. Một số nhà quan sát Myanmar tin rằng 2 người đồng bào của họ bị Thái Lan tuyên án tử hình chỉ là "con dê tế thần" cho những cam kết của cảnh sát Thái Lan với người dân địa phương. Họ cho rằng quá trình điều tra vụ việc đã có nhiều lỗ hổng, như không xét nghiệm ADN.

Tâm lý và luận điệu chống Thái Lan đang có xu hướng gia tăng tại Myanmar sau khi tu sĩ U Pamaukka tham gia biểu tình và có tuyên bố trên, trong khi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha bảo vệ phán quyết của Tòa hôm 28/12.

Tu sĩ U Pamaukka là một thành viên của Ma Ba Tha hay còn gọi là Ủy ban Bảo vệ chủng tộc và tôn giáo, tổ chức đứng ra vận động biểu tình chống phán quyết của Tòa án Thái Lan.

Ma Ba Tha và một số tổ chức chính trị biểu tình chống Thái Lan, ảnh: Stever Tickner/Nikkei Asian Review.
Ma Ba Tha và một số tổ chức chính trị biểu tình chống Thái Lan, ảnh: Stever Tickner/Nikkei Asian Review.

Chính trị và tôn giáo

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar ngày 8/11 năm ngoái, tổ chức Ma Ba Tha có vai trò quan trọng trong việc ngăn cản đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đề cử bất kỳ ứng viên Hồi giáo - một cộng đồng thiểu số ở quốc gia này vào Quốc hội. Và ngay cả khi NLD chiến thắng, đảng này cũng không có bất kỳ đại diện nào cho cộng đồng người Hồi giáo trong chính phủ mới.

Một số tu sĩ cực đoan đã gây ảnh hưởng rất lớn trước cuộc bầu cử, tuy nhiên Ma Ba Tha đã sai lầm khi lựa chọn đối tượng ủng hộ. Wirathu, một trong những lãnh đạo của tổ chức này công khai ủng hộ Tổng thống Thein Sein và đảng cầm quyền Đoàn kết và Phát triển (USDP) trong suốt chiến dịch tranh cử. Ông cảnh báo NLD sẽ không bảo vệ nền văn hóa Phật giáo của Myanmar.

Khi cử tri Myanmar vẫn quyết định bỏ phiếu cho NLD, ảnh hưởng của Ma Ba Tha trong xã hội Myanmar cũng vì thế mà lao dốc. Trong tháng 12/2015, chính phủ Mỹ đã quyết định hạn chế tài trợ cho nhóm này thông qua các kênh khác nhau.

Tuy nhiên với vụ việc khuấy động biểu tình chống Thái Lan với lý do bảo vệ 2 công dân Myanmar bị Thái tuyên án "oan sai", Ma Ba Tha đang quay trở lại đời sống chính trị Myanmar và sẽ là vấn đề khó khăn cho bà Aung San Suu Kyi và chính phủ mới. 

Chính phủ Tổng thống Thein Sein ra tay

Không để vụ án hình sự đơn thuần này làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Thái Lan và Myanmar, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa chính thức bắt đầu vận hành, chính quyền của Tổng thống Myanmar Thein Sein đã quyết định hành động.

Bangkok Post ngày 30/12 đưa tin, Đại sứ Myanmar tại Thái Lan, U Win Maung hôm Thứ Tư đã đến thăm Hội đồng Luật sư Thái Lan để tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan này trong việc kháng cáo lại án tử hình cho 2 công dân bị kết tội giết 2 khách du lịch người Anh.

"Chúng tôi đưa vụ việc lên Tòa phúc thẩm, đây là cơ hội mà chúng tôi đang hy vọng", ông nói qua người phiên dịch. Đại sứ Myanmar khẳng định, quan hệ Thái Lan - Myanmar sẽ không bị phá hoại bởi vụ việc này và chính phủ Myanmar hiểu quá trình tư pháp của Thái Lan. Ông hy vọng 2 công dân nước mình được đối xử nhân đạo và Tòa phúc thẩm sẽ xem xét lại bản án.

Chủ tịch Hội đồng Luật sư Thái Lan Dej-Udom Krairit cho biết cơ quan này chấp nhận đề nghị của đại sứ quán Myanmar và sẽ xúc tiến các thủ tục pháp lý cần thiết. Chính phủ Myanmar sẽ trả tiền thuê luật sư bào chữa cho 2 công dân của mình, mặc dù phía Hội đồng Luật sư Thái Lan không yêu cầu trả phí.

Có thể thấy hành động xử lý của chính phủ Myanmar do Tổng thống Thein Sein đứng đầu trong trường hợp này rất kịp thời, hợp tình và hợp lý. Hy vọng bằng tiếng nói và ảnh hưởng của mình, ông Thein Sein sẽ góp phần mở đường đối thoại, giải quyết mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo ở đất nước mình, cùng với bà Aung San Suu Kyi và chính quyền kế nhiệm xây dựng đất nước Myanmar hòa bình, phát triển và phồn vinh.

Hồng Thủy