Ông Tập Cận Bình đang làm thay vai trò Thủ tướng?

17/02/2016 10:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Dường như ông Tập Cận Bình đang tăng cường chủ nghĩa tư bản nhà nước để khai thác thị trường nước ngoài và làm chậm lại đà tăng trưởng trong nước.

South China Morning Post ngày 16/2 bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang làm lu mờ vai trò của Thủ tướng Lý Khắc Cường khi trực tiếp nắm dây cương nền kinh tế Trung Quốc.

Sự ra đời của chính sách kinh tế Tập Cận Bình, còn gọi là Xieconomics, đã cho thấy ông Bình là người đang điều hành nền kinh tế Trung Quốc chứ không phải Tiến sĩ kinh tế Lý Khắc Cường.

Tiến sĩ kinh tế Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc, ảnh: EPA/SCMP.
Tiến sĩ kinh tế Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc, ảnh: EPA/SCMP.

Thuật ngữ Xieconomics đã xuất hiện trên tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây với một loạt bài báo tuyên truyền về "tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình".

Trong khi đó, thuật ngữ Lieconomics đã được Barclays Capital đưa ra từ 3 năm trước để mô tả học thuyết kinh tế của Tiến sĩ Cường và được biết đến rộng rãi khắp các thị trường đầu tư toàn cầu.

Lieconomics đã được các phương tiện truyền thông thường xuyên nhắc đến, giống như "chủ nghĩa Thatcher" ở Anh hay Ronald Regan tại Hoa Kỳ trước đây, hoặc khái niệm Abeeconomics gần đây tại Nhật Bản, dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.

Tuy nhiên Lieconomics nhạt dần sau một loạt các động thái của ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực thông qua các "tiểu tổ lãnh đạo" do ông làm tổ trưởng, bao quát các vấn đề từ kinh tế - tài chính cho đến hoạch định kế hoạch 5 năm, lên phương án cải cách.

Không lâu sau khi nhậm chức Tổng bí thư rồi Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình bắt đầu mở rộng ảnh hưởng của mình với việc lấn sang các lĩnh vực kinh tế, tài chính vốn thường do ghế Thủ tướng đảm nhiệm.

Ông Tập Cận Bình đang làm thay vai trò Thủ tướng? ảnh 2

Ném đá giấu tay

(GDVN) - Người Trung Quốc làm ăn với đối tác nước ngoài gần như tất cả đều hướng tới ý đồ khống chế đối tác, nên họ thường dùng những chiêu thức “gây mê”.

Ông làm Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo cải cách toàn diện, Tiểu tổ lãnh đạo tài chính - kinh tế Trung ương và là người ra quyết sách các vấn đề kinh tế -tài chính - cải cách.

Bản thân ông Tập Cận Bình đã đích thân chủ trì soạn thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 13, nhiệm vụ vốn thuộc người đứng đầu chính phủ theo truyền thống từ 1953 đến nay.

Gần đây, Lưu Hạc - trợ lý kinh tế của ông Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew về chính sách tỉ giá hối đoái của Trung Quốc. Công việc này 3 năm qua thường do Phó Thủ tướng Uông Dương đảm nhiệm.

Trong cuộc họp chính phủ ngày 14/2 vừa qua, ông Lý Khắc Cường một lần nữa lại bộc lộ sự "bất lực" của mình với các quan chức thuộc cấp. Tình trạng "trên bảo dưới không nghe" vẫn diễn ra phổ biến, khiến Thủ tướng vẫn phải hối thúc các quan chức địa phương, bộ ngành phải làm việc, phải "động đậy" chứ không thể ngồi ì ra mãi.

Xieconomics có gì nổi bật?

Tờ Nhân Dân nhật báo khi tuyên truyền về Xieconomics đã nhấn mạnh cải cách cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế học trọng cung. Tờ báo này tin rằng đây sẽ là động lực cho tăng trưởng mới, tạo ra một trạng thái bình thường mới.

South China Morning Post nhận xét, điều này cho thấy sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc là không thể tránh khỏi. Trọng cung có thể là đặc trưng của các chính sách kinh tế - xã hội Trung Quốc năm 2016 và những năm tiếp theo.

Kinh tế học trọng cung tìm cách tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cung cấp của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng mà không gây ra áp lực lạm phát. Nó ủng hộ sự cắt giảm mức độ tham gia can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, và cho phép thị trường hoạt động tự do.

Ông Tập Cận Bình đang làm thay vai trò Thủ tướng? ảnh 3

Quy trình ngược tinh vi

(GDVN) - Trung Quốc còn có những công cụ rất tinh vi, triệt hạ đối thủ, khống chế đối tác rất nhẹ nhàng và không phải ai cũng nhận ra được.

Tuy nhiên, trọng tâm chính sách kinh tế của ông Tập Cận Bình đang tạo ra các tập đoàn nhà nước cồng kềnh thông qua sáp nhập và mua lại, thay vì cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia cạnh tranh trong các lĩnh vực bị chi phối bởi doanh nghiệp nhà nước, như ở Anh dưới thời Thatcher những năm 1980 hay ở Mỹ thời Ronand Reagan.

Các nhà kinh tế cho rằng, dường như ông Tập Cận Bình đang tăng cường chủ nghĩa tư bản nhà nước để khai thác thị trường nước ngoài và làm chậm lại đà tăng trưởng trong nước.

Ông muốn các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc phải đi tiên phong thực hiện "sáng kiến" của mình - "Một vành đai, một con đường", trong đó Tập Cận Bình hy vọng ràng buộc châu Á và châu Âu vào vòng kiềm tỏa của kinh tế Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình đã rút lại những cải cách rất được mong đợi đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước. Chủ trì phiên họp Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc nghiên cứu lý thuyết kinh tế chính trị Karl Marx ngày 23/11 năm ngoái, ông Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ phải phát triển các khu vực công. Sở hữu công và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là định hướng "không cho phép dao động".

Hồng Thủy