Nhật Bản thúc đẩy pháp trị ở Biển Đông

24/03/2016 07:20
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản triển khai một loạt biện pháp kiềm chế, ngăn chặn các tham vọng vô lý, phi pháp của Trung Quốc, tích cực tạo sức ép mạnh với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 23/3 cho rằng, nhìn lại hơn 1 năm qua, quan hệ Trung-Nhật đã xuất hiện một số dấu hiệu ấm lại. Hai bên đã khôi phục tiếp xúc cấp cao và đối thoại chính trị ở mức độ nhất định.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản điều tàu ngầm thông thường lớp Oyashio đến Biển Đông tập trận
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản điều tàu ngầm thông thường lớp Oyashio đến Biển Đông tập trận

Thời báo Hoàn Cầu ngụy biện, Nhật Bản liên tục can thiệp sâu vào vấn đề Biển Đông, trong khi lại không hề nhắc đến việc "xâm chiếm đảo đá Biển Đông" trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trung Quốc luôn xuyên tạc là Nhật Bản đã xâm chiếm những đảo đá này của họ, sau đó, Trung Quốc tuyên bố dựa vào các văn kiện quốc tế như Tuyên bố Cairo, Thông cáo Postdam để đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc muốn sử dụng những văn kiện quốc tế này làm cơ sở pháp lý cho đòi hỏi chủ quyền, tuy nhiên những văn kiện này không có bất cứ dòng nào nhắc đến chủ quyền của Trung Quốc với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - PV.

Hơn nữa, Nhật Bản còn ra sức phát huy vai trò bảo vệ cho các hoạt động thực thi pháp luật quốc tế trên Biển Đông. Các văn kiện như Phương hướng hợp tác phòng vệ và Luật bảo đảm an ninh mới của Nhật Bản đều mạnh mẽ lên án Trung Quốc bành trướng trên biển, do đó, Nhật Bản đã liên tục nhiều năm tăng ngân sách quốc phòng để đối phó.

Nhật Bản thông qua tập trận chung, chuyển nhượng "trang bị trên biển" để hỗ trợ cho Philippines – một nước kiên quyết chống lại yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời Nhật Bản còn hưởng ứng chủ trương của Mỹ, "cân nhắc nghiêm túc" việc tuần tra Biển Đông, gây sức ép với Trung Quốc.

Nhật Bản sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị thượng đỉnh G7
Nhật Bản sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị thượng đỉnh G7

Ngoài ra, trong các hội nghị, diễn đàn đa phương quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh G7, Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy đưa ra vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông, tạo không khí dư luận quốc tế có lợi để gây sức ép, kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc.

Trên thực tế, hiện nay Nhật Bản thực sự đang đóng một vai trò tích cực trong việc tái lập cân bằng sức mạnh khu vực trước một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và ra sức thúc đẩy, áp đặt các yêu sách tham lam quá mức. “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Thủ tướng Shinzo Abe đang được triển khai từng bước trên thực tế.

Đông Bình