Quy trình làm sạch "tiền bẩn"

05/04/2016 15:06
Ngọc Việt
(GDVN) - "Những người trong sạch" đã làm sạch tiền một cách rất hiệu quả và tinh vi. Họ không trốn thuế mà sẵn sàng đóng thuế rất cao cho nhà nước.

Cả thế giới những ngày này đang rúng động về vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” liên quan đến hành vi trốn thuế, rửa tiền của nhiều người nổi tiếng trên thế giới. Trong số này có nhiều chính trị gia và gia đình của họ, có người đang nắm giữ quyền lực hay đã hạ cánh an toàn. Đặc biệt có cả minh tinh trong làng nghệ thuật điện ảnh và ngôi sao nổi tiếng sân cỏ.

Hàng triệu tài liệu được lưu trữ hơn 40 năm từ 1975 đến 2015 được điều tra, khiến cho nhiều chính phủ nghiêng ngả và có thể bị sụp đổ bởi sự rò rỉ thế kỷ này.

Hàng loạt những con người vốn được xem là “người trong sạch” có thể trở thành “người không trong sạch” sau vụ rò rỉ đặc biệt nghiêm trọng này, theo The Guardian ngày 4/4.

Sự kiện Panama Papers gây rung động thế giới về trốn thuế và rửa tiền. Ảnh: BBC.
Sự kiện Panama Papers gây rung động thế giới về trốn thuế và rửa tiền. Ảnh: BBC.

Song điều dư luận quan tâm không chỉ là ai nằm trong danh sách những “người không sạch” sau sự kiện “Panama Papers”, mà quan trọng hơn là nguyên nhân và cách thức khiến người ta “làm vấy bẩn” bản thân mình.

Bởi lẽ từ đó mới có thề suy ra những người chưa được nêu tên và thậm chí có thể sẽ con nhiều “Panama Paper” nữa trong tương lai. Qua những gì truyền thông biết được, nguyên nhân của việc “làm vấy bẩn” thì có nhiều, nhưng có thể thấy có 2 nguyên chính.

Thứ nhất là việc chênh lệch về nghĩa vụ thuế giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ trên thế giới khiến cho người ta tìm cách chuyền tiền đến nơi có nghĩa vụ thấp nhất để có lợi nhất. 

Thứ hai là khả năng “làm sạch” những khoản “tiền không sạch” ở nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ còn dễ dàng hơn với phần còn lại của thế giới nên những “người trong sạch” chuyển những khoản tiền không sạch đến đó để làm sạch.

Còn cách thức thì cũng rất đa dạng, từ mở tài khoản tại các ngân hàng với dịch vụ bảo mật hoặc thành lập những định chế kinh tế ảo. Những định chế này sẽ thực hiện những nghiệp vụ kinh tế phát sinh mờ ám với mục đích không phải là tỷ suất lợi nhuận, mà là quy mô để hợp thức hoá những khoản tiền không sạch sẽ từ nguồn gốc phát sinh của nó.

Tuy nhiên theo người viết, sự kiện “Panama Papers” không có gì là đáng rúng động cả nếu như nó không liên quan đến những vị “tai to mặt lớn” mà bấy lâu nay người ta có thể xem là “người sạch sẽ” hay “ít dơ bẩn” nhất.

Bởi lẽ nếu không có những tên tuổi ấy thì "Panama Papers" chưa chắc khiến dư luận chú ý, vì có những việc làm, những cách thức làm sạch tiền còn tinh vi và khủng khiếp hơn nhiều.

Cố tình trở thành nạn nhân của những cơn sốt mơ hồ

Quy trình làm sạch "tiền bẩn"  ảnh 2

Những cơn sốt mơ hồ

(GDVN) - Người Trung Quốc không dùng tiền của mình làm hại đối tác, mà họ dùng ngay tiền của của đối tác làm công cụ trừng phạt đối tác. Thậm chí họ còn kiếm lợi...

Như người viết đã từng phân tích, thương nhân Trung Quốc đã hạ gục đối tác ở nhiều nơi trên thế giới bằng việc tạo ra những cơn sốt mơ hồ về một loại hàng hoá hay sản phẩm dịch vụ nào đó, khiến cho những thứ hàng hoá bình dị ấy bống nhiên trở nên đắt như tôm tươi với hàng loạt công dụng mà người ta không thể kiểm chứng.

Hậu quả của những cơn sốt ấy là kinh tế phá sản, là xã hội rối loạn…Tuy nhiên lại có mốt số người được hưởng lợi rất lớn từ những cơn sốt mơ hồ ấy, ngoài tác giả chính là thương nhân Trung Quốc.

Và nguyên nhân được lợi chính là càng lên cơn sốt, càng mơ hồ thì người ta càng lợi. Vì vậy họ tham gia, thúc đẩy những cơn sốt ấy trở thành cao trào với những cơn bão giá.

Phải nói rằng đây chỉ là việc “té nước theo mưa” nhưng lại là hành động ném đá giấu tay cực kỳ tinh vi và là một cách làm sạch tiền bẩn cực kỳ hiệu quả.

Nó tinh vi bởi người ta cố tinh trở thành nạn nhân với những mất mát rất lớn, khiến cho không ai có thể nghi ngờ về khoản tiền không mất mát của họ.

Nó hiệu quả bởi vì chỉ trong một cơn sốt với thời gian vài ba tháng mà một người có thể hợp thức hoá những khoản tiền lớn đến hàng trăm năm thu nhập của một lao động chân chính.

Người viết xin lấy một ví dụ đơn giản để thấy sự tinh vi và hiệu quả của những con người chuyên làm sạch tiền qua những cơn sốt mơ hồ.

Vào thời điểm cuối năm 2012 xuất hiện một cơn sốt bắt đỉa bán cho thương lái Trung Quốc. Ban đầu giá 300-400.000 đồng/kg vào tháng 12/2012, đến tháng 1/2013 giá thu mua được đẩy lên 650.000 đồng/kg, sang tháng 2/2013 thì mức giá khủng khiếp hơn 1 triệu đồng/kg.

Sự thực cũng có những người ngày kiếm vài triệu, theo VTV đưa tin ngày 31/7/2013. 

Nhờ con đỉa mà nhiều khoản tiền bẩn trở nên sạch sẽ chỉ sau mấy vòng quay mua đi bán lại. Ảnh: Báo Giao Thông.
Nhờ con đỉa mà nhiều khoản tiền bẩn trở nên sạch sẽ chỉ sau mấy vòng quay mua đi bán lại. Ảnh: Báo Giao Thông.

Tuy nhiên, cơn sốt giá ấy chỉ khiến cho người lao động chân chính kiếm được vài triệu một ngày, nhưng "những người trong sạch" thì có thể làm sạch hàng tỷ đổng mỗi ngày nhờ quay vòng con đỉa. Họ đóng vai, hoặc nhờ người đóng vai là những người thu mua đỉa và chờ sốt giá bán kiếm lời.

Họ công khai trong bể chứa đỉa luôn có 2 tấn đỉa chẳng hạn – và đây là số đỉa đã được mua thật và có thật. Và cũng chỉ có 2 tấn đỉa đó mà thôi nhưng có thể họ đã bán số đỉa ấy với số lượng 20 tấn, thậm chí hơn nữa.

Không ai kiểm chứng được đỉa của họ tự mua đi bán lại với chính mình.

Chỉ biết rằng khi hết cơn sốt đỉa thỉ họ cũng nằm trong cố những người bị "thiệt hại bởi gom đỉa mà không bán kịp".

Thực ra khoản tiền thiệt hại và cố tình thiệt hại của họ rất ít vì chỉ có 2 tấn đỉa mà thôi. Song nhờ quay vòng con đỉa trong những ngày sốt, họ đã "làm sạch" được khoảng hàng chục tỷ đồng, thậm chí còn hơn nữa, mà không ai có thể nghi ngờ khoản tiền ấy được.

Và họ còn được dư luận bảo vệ khi VTV phân tích:“Vì ham lợi nên người Việt ra sức thu gom hàng mà không hề biết họ đang mua lại chính hàng hóa đã được bán cho các thương lái nước ngoài trước đây”.

Quy trình làm sạch "tiền bẩn"  ảnh 4

Sự ngu ngơ tinh quái

(GDVN) - Được đối tác duyệt đội vốn là một trong những thành công của doanh nghiệp Trung Quốc trong việc “ma trận hóa” gói thầu.

Nhưng dư luận không hề biết được là trong số những “nạn nhân” ấy có những người cố tình mua lại hàng hoá của chính mình để bị thiệt hại.

Tuy nhiên, do thương lái Trung Quốc là người tạo ra nguyên nhân, còn họ và những người lao động chân chính Việt Nam phải nhận lãnh hậu quả nên những gì thuộc về lời, lỗ của họ qua buôn đỉa đã nhanh chóng bị lãng quên với những cơn sốt mơ hồ.

Và "những người trong sạch" lại chờ đợi những cơn sốt tiếp theo của người ngoại quốc như lá vải, hoa thanh long...

Có thể thấy rằng, những cơn sốt mơ hồ do thương nhân Trung Quốc gây ra làm thiệt hại cho nhiều nền kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới – trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên nó cũng là những cơ hội giúp cho nhiều người hợp thức hoá những khoản tiền không trong sạch, cho nên họ không thấy xót xa cho thiệt hại của người dân, của đất nước mình.  

Rửa tiền qua “hàng độc”

Trong nguyên lý kinh tế thì giá trị hàng hoá được quyết định bởi giá trị sức lao động tạo nên sản phẩm. Nhưng có những hàng hoá thì giá trị của nó không theo quy luật giá trị như vậy, chẳng hạn như đổ cố, đồ xưa hay hội hoạ chẳng hạn…

Giá trị của những mặt hàng này được quyết định rất mơ hồ và phụ thuộc vào cảm nhận của con người. Có người cho rằng giá trị văn hoá tạo nên giá trị sản phẩm hay nét đặc biệt của sản phẩm quyết định giá trị của nó.

Và đây là một trong những cơ hội khiến cho "những người trong sạch" làm sạch những khoản tiền bẩn qua việc mua bán thứ hàng hoá này. Trong số những mặt hàng đặc biệt ấy, người ta hướng vào những loại mặt hàng mà trong giới kinh doanh gọi là “hàng độc”, “không đụng hàng” để rửa tiền hợp pháp.

Những thứ hàng độc ấy có thể tăng giá lên gấp nhiều lần chỉ qua hai ba tay người mua kẻ bán, hay chỉ qua vài lần giao dịch. Những thứ hàng độc ấy không thể đánh giá qua kết quả kiểm định của cơ quan chuyên môn hay kỹ thuật.

Những thứ hàng độc ấy có thể khiến cho người ta suy nghĩ cả đời mà không thể hiểu, không thể tìm ra cái độc, nét độc của nó.

Mặt hàng gỗ tự nhiên đặc biệt là một trong những phương tiện làm sạch tiền hiệu quả. Ảnh minh họa: nhadatgiare.com
Mặt hàng gỗ tự nhiên đặc biệt là một trong những phương tiện làm sạch tiền hiệu quả. Ảnh minh họa: nhadatgiare.com

Tuy nhiên, qua dư luận và các chuyên gia đoán mò, phán đại, "những người trong sạch" có thể sử dụng nó làm thứ bảo bối cho quá trình làm sạch tiền bẩn của mình một cách công khai và hoàn toàn hợp pháp.

Do không có cơ sở xác định giá trị nên cơ quan điều tra cũng không thể tìm ra được sự bất hợp lý của quá trình giàu lên trông thấy của nhiều người.

Hiện nay, tại Việt Nam có một lực lượng chuyên đi săn hàng độc và giá cả của những thứ hàng độc ấy không phải là điều họ quan tâm, mà họ quan tâm tới nguồn gốc của nó và nét độc của nó. Trong quá trình ấy có những món hàng nguồn gốc thì không phải hàng độc nhưng khi nó được công khai thì lại là hàng độc. 

Một doanh nhân tên TB ở Việt Nam chú ý và luôn mua bán nhiều hàng độc bằng gỗ tự nhiên cũ hay hàng gỗ gia bảo. Những tấm gỗ do ông bà để lại đen bóng, mặt rộng từ 2m trở lên đều có thể trở thành hàng độc và mua với giá rất cao.

Nhưng thật ra giá mà ông TB bán ra rất khủng khiếp và ai mua, người ta mua để làm gì thì không nhiều người được biết.

Xin ví dụ là việc một ngưới tên DK mua một tấm gỗ cẩm lai ở tỉnh BT của một người dân tộc thiểu số, có mặt rộng khoảng 1,95m, dài khoảng 3,4m, dày khoảng 0,2 m được định giá khảng 1,4 tỷ.

Quy trình làm sạch "tiền bẩn"  ảnh 6

Vui mừng và cay đắng

(GDVN) - Hình như Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn cả tiền và hàng cho Việt Nam tham gia TPP. Nước láng giềng phương Bắc đã nhanh chân "chuẩn bị giúp" hành trang...

Giấy tờ mua bán công khai thậm chí cơ quan kiểm lâm cũng xác nhận là gỗ của ông bà để nay gia đình bán đi – nghĩa là nguồn gốc được đảm bảo hợp pháp.

Tuy nhiên, chỉ về tới Thành phố Hồ Chí Minh thì ông TB đã mua nó đã lên tới hàng chục tỷ đồng và chỉ một thời gian ngắn có khách hàng Trung Quốc đã trả giá miếng gỗ ấy gấp đôi gấp ba cái giá mà ông TB đã mua.

Mọi việc diễn ra công khai, người bán đóng thuế thu nhập phát sinh bất thường cho nhà nước như trúng sổ xố.

Thế là từ một miếng gỗ có giá hơn 1 tỷ đồng, chỉ sau 2 lần giao dịch mua bán thì nó tăng lên gấp hàng chục lần và việc mua bán là hoàn toàn hợp pháp.

Cuối cùng người Trung Quốc đã mua hàng và giao tiền, nhưng tiến đó có phải của khách hàng Trung Quốc hay không thì không ai khẳng định được, chỉ biết rằng ông TB luôn là trung gian mua bán hàng độc. Và đương nhiên tiền của ông, qua ông là rất sạch.

Dư luận nói nhiền đến những tài sản bằng gỗ quý hiếm tại nhà của Nguyễn Ngọc Minh (Minh Sâm) ở Bắc Ninh, khi ông ta bị bắt. Có những bài viết đưa tin những thứ gỗ quý ấy, có món trị giá hàng chục tỷ đổng nhưng ai định giá, ai mua được thì không dễ dàng.

Song không loại trừ đó là đoạn khởi đầu, hay đang diễn ra, hoặc đoạn kết thúc một quá trình làm sạch tiền bằng hàng độc. 

Như vậy, “ăn theo” vòng xoay của những cơn sốt mơ hồ hay sự mơ hồ trong việc xác định giá trị, giá bán của những hàng hoá đặc biệt – hàng độc - "những người trong sạch" đã làm sạch tiền một cách rất hiệu quả và tinh vi. Họ không trốn thuế mà sẵn sàng đóng thuế rất cao cho nhà nước để hợp pháp hoá hoàn toàn những khoản tiền không minh bạch của họ.

Ngọc Việt