Cuối năm học, lại nói chuyện “bệnh thành tích”

02/05/2016 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Những thầy cô làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm lại thường thua thiệt và luôn là người “dị biệt” trong môi trường của mình công tác.

LTS: Từ lâu, dư luận đã nói rất nhiều về “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục và cả những “mánh khóe” trong các phương pháp đứng lớp và đánh giá năng lực học sinh mà giáo viên thời nay đang đối mặt. 

Nhân tiện khi năm học sắp kết thúc, trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao thẳng thắn chỉ ra “chiêu trò” thể hiện rõ “bệnh thành tích” trong cách đánh giá hạnh kiểm học sinh ở một số trường hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Bệnh thành tích” đã được nói nhiều trong ngành giáo dục nhưng cuối cùng thì sự thay đổi không nhiều. 

Ai cũng sợ trường mình có tỷ lệ học sinh yếu kém cao, thầy cô nào cũng lo tỷ lệ học sinh yếu kém trong lớp nhiều hơn lớp của đồng nghiệp.

Chính vì thế nên ai cũng tìm đủ mọi cách để đạt ngưỡng cho phép của đơn vị. Thành ra, chuyện chống “bệnh thành tích” trong giáo dục mãi là câu chuyện xa vời. 

Trong giờ học của tôi cách đây mấy ngày, em lớp trưởng cầm tờ giấy xếp hạnh kiểm của cả lớp lên đưa cho tôi kí. Nhìn vào tờ giấy xếp hạnh kiểm của lớp thấy hơn 30 học sinh trong lớp đều xếp loại “tốt”, khiến tôi ngỡ ngàng. 

Cuối năm học, lại nói chuyện “bệnh thành tích” ảnh 1
“Bệnh thành tích” đã được nói nhiều trong ngành giáo dục nhưng cuối cùng thì sự thay đổi không nhiều (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Bởi trong lớp không phải em nào cũng chăm ngoan, lễ phép, có nhiều em hay trốn học, nhiều em thường xuyên nói chuyện, thậm chí vô lễ với thầy cô, một số học trò thường xuyên bị nêu tên trước cờ vì những vi phạm nội quy của nhà trường. 

Tuy nhiên, tôi chỉ tế nhị khước từ bảo lớp trưởng rằng: “Thầy sẽ kí sau”. Hết tiết dạy đó, tôi tìm gặp giáo viên chủ nhiệm của lớp đó và thắc mắc vì sao lại xếp hạnh kiểm của cả lớp đều đạt “Tốt”. Điều này không công bằng bởi học sinh ngoan cũng giống học sinh hư. 

Ngay lập tức tôi nhận được câu trả lời của vị giáo viên chủ nhiệm lớp rằng:

Tôi biết một số em phải xếp loại Khá thậm chí Trung Bình nhưng năm nay là cuối cấp rồi, nếu xếp đúng như vậy thì ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển sinh vào lớp 10 của các em. Mà các em không được xét vào lớp 10 thì tội các em và thành tích chung của cả trường sẽ bị ảnh hưởng”

Cuối năm học, lại nói chuyện “bệnh thành tích” ảnh 2

“Bệnh thành tích” gây cản trở công tác kiểm định chất lượng giáo dục

(GDVN) - Khi “bệnh thành tích” chưa được đẩy lùi, chấm dứt triệt để thì công tác kiểm định chất lượng giáo dục ít nhiều sẽ còn mang tính hình thức, không hiệu quả.

Và tôi được biết, những lớp khác cũng giống như vậy, khi đưa tờ giấy giáo viên chủ nhiệm xếp hạnh kiểm học sinh cho giáo viên bộ môn kí tên thì tất cả các em đều được xếp loại “Tốt”. 

Nhìn vào bản đã được các thầy cô bộ môn khác kí rồi nên việc tôi có đồng ý kí hay không thì bảng xếp loại hạnh kiểm đó cũng coi như đã được thống nhất như giáo viên chủ nhiệm đã làm. 

Rồi đến ngày coi thi học kỳ, Ban giám hiệu phân công tôi làm giám thị số 1. Khi đang ngồi coi thi thì một giáo viên phòng bên sang nói với tôi: “Thầy ra đây nói chuyện với tôi chứ cứ ngồi đó thì tụi nhỏ làm bài sao được”.

Thực tế, hiện nay chúng ta đang thương học trò theo kiểu nào? Là “lờ” đi để học trò trao đổi, sao chép bài của nhau hay tạo cho các em sự nghiêm túc và thể hiện trách nhiệm của người thầy? 

Mấy năm gần đây, ở địa phương nơi tôi công tác chỉ thi tuyển sinh lớp 10 vào trường chuyên và một vài trường THPT lớn trên địa bàn thành phố hoặc thị xã còn phần lớn các trường tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển. 

Vì là xét tuyển nên các trường THPT nhìn vào học bạ của học sinh để lấy kết quả học tập, xếp loại hạnh kiểm hàng năm làm tiêu chí để tuyển sinh. 

Học sinh nào có điểm cao, hạnh kiểm tốt thì được xét trước còn học sinh nào có điểm tổng kết 4 năm ở bậc THCS thấp, hạnh kiểm đạt loại Khá, Trung bình thì buộc phải xếp sau thậm chí không được nhận vào lớp 10 bởi chỉ tiêu thì có hạn. 

Cuối năm học, lại nói chuyện “bệnh thành tích” ảnh 3

Giáo viên muốn được đánh giá đúng năng lực học sinh nhưng “lực bất tòng tâm"

(GDVN) - Đừng trách những người thầy cô đang chạy theo thành tích, bởi họ cũng rất muốn được dạy thật, được đánh giá đúng năng lực học sinh nhưng “lực bất tòng tâm”.

Cứ như vậy, cô thương trò và muốn học sinh trường mình có học bạ “đẹp” hơn trường bạn nên mới có chuyện cả lớp đạt hạnh kiểm “Tốt” như vừa nêu. 

Trước đây, khi Bộ GD&ĐT bỏ hình thức thi tốt nghiệp lớp 9 để công nhận tốt nghiệp bằng cách xét kết quả học tập nhưng vẫn duy trì hình thức tuyển sinh lớp 10 thì những học sinh lớp 9 phân hóa thành hai đối tượng chính: 

Một là, một số học sinh không thi tuyển vào lớ 10 thì chỉ học để đủ điểm tốt nghiệp. 

Thứ hai, số còn lại có ý định học lớp 10 thì cố gắng hết sức để học tập để thi vì sợ trượt. 

Nhưng khi, Bộ GD&ĐT bỏ luôn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì lượng học sinh có ý thức học tập rất thấp. Chỉ cần một vài học sinh quậy phá, nói chuyện trong lớp thì sẽ ảnh hưởng chung đến cả lớp. 

Nhất là ở một số địa phương số lượng tuyển sinh vào lớp 10 ít thì các em học sinh lớp 9 thường rất coi thường việc học tập bởi theo các em, dù sao thì cũng được xét tốt nghiệp và vào học lớp 10. 

Bởi không xét tốt nghiệp thì ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường, không tuyển sinh vào lớp 10 thì trường không đủ học sinh. 

Vậy là, năm học nào cứ sau mỗi kì thi học kỳ, cuối năm là tiến hành báo cáo và xét thi đua thì trường nào cũng mong có kết quả cao, giáo viên nào cũng muốn chất lượng giảng dạy của mình “đẹp” nhưng chất lượng dạy và học thì có hạn nên giáo viên tìm cách đưa kết quả đó lên cao. 

Những thầy cô làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm lại thường thua thiệt và luôn là người “dị biệt” trong môi trường của mình công tác.

Nguyễn Cao