Ông Vũ Mão: Thực phẩm vẫn còn bẩn nếu cán bộ cứ mải đổ lỗi cho nhau

31/05/2016 12:51
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Theo ông Vũ Mão, cán bộ càng thể hiện sự thẳng thắn, dám đối diện với khó khăn thì sẽ càng lấy được sự tin tưởng của nhân dân.

Tình trạng thực phẩm bẩn lan tràn đang là một vấn nạn vô cùng nghiêm trọng của đất nước.

Thực phẩm bẩn dẫn tới sự ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của từng gia đình, từng con người.

Nó cũng khiến cho lòng tin trong xã hội suy giảm, là sự phản chiếu đạo đức xã hội đã xuống cấp rất trầm trọng.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, vấn nạn thực phẩm bẩn ngày nay là biểu hiện tầm nhìn của một số nhà lãnh đạo quá ngắn; thể hiện vai trò quản lý của một số bộ ngành và địa phương còn quá dễ dãi, chưa làm tròn trách nhiệm.

Ông có đánh giá gì về những nguy cơ từ thực phẩm bẩn trên thị trường hiện nay? Mỗi lần nhìn vào một món ăn nào đó, ông có cảm thấy lo lắng không?

Ông Vũ Mão: Phải nói thật rằng bây giờ mỗi khi đi ra ngoài nhìn thấy các món ăn dù được bày biện khá đẹp mắt nhưng  mọi người đều có chung một băn khoăn, đó là món này được chế biến từ thực phẩm gì, có an toàn không?

Trên thực tế, đã có nhiều vụ ngộ độc xảy ra, hàng trăm công nhân, hay có khi cả một đám cưới bị vào viện vì ngộ độc thực phẩm. Những chuyện như vậy xảy ra rất nhiều, nhưng không truy được trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Theo thống kê của dự án phòng chống ung thư Quốc gia, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 nghìn người mắc mới.

Trong một công bố vào năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì Việt Nam thuộc tốp 2 về tỷ lệ chết do bệnh ung thư (đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ), thuộc nhóm những quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ mắc căn bệnh này.

Thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân, chuyện đó thì ai cũng biết, nhưng còn một vấn đề khác là vấn nạn này sẽ kéo theo hệ lụy là tiếp tục suy giảm lòng tin của dân vào vai trò quản lý của cơ quan Nhà nước các cấp.

Sự quản lý yếu kém ấy đã tạo ra lỗ hổng lớn trong xã hội, là nguyên cớ cho những thế lực không thiện chí tấn công chúng ta.

Ông Vũ Mão cho rằng, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh, chấm dứt tình trạng cơ quan nhà nước đổ lỗi cho nhau. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Vũ Mão cho rằng, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh, chấm dứt tình trạng cơ quan nhà nước đổ lỗi cho nhau. ảnh: Ngọc Quang.

Nguyên nhân vì sao dẫn tới tình trạng như bây giờ? Và giải pháp nào để chặn đứng tình trạng này, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Theo tôi, có hai nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay.

Thứ nhất là do lòng tham của con người. Vì đồng tiền, con người ta có thể làm nhiều điều ác độ, từ dùng các loại hóa chất phun rau tăng trưởng nhanh, phun hôm trước hôm sau bán ngay.

Nuôi cá, nuôi lợn, nuôi gà... ở đâu cũng thấy có chuyện sử dụng chất cấm. Hoa quả thì bị ngâm trong thuốc bảo quản, thậm chí quả còn xanh, nhìn bên ngoài rất đẹp mã, thế mà trong ruột đã hỏng vì ngấm thuốc. Những điều này, có lẽ tất cả mọi người đều nhìn thấy.

Ông Vũ Mão: Thực phẩm vẫn còn bẩn nếu cán bộ cứ mải đổ lỗi cho nhau ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội lo dân chịu trận vì các bộ đổ trách nhiệm cho nhau

Họ làm ra các sản phẩm mất an toàn vì cái lợi trước mắt cùng với suy nghĩ rất đơn giản đó là nhà mình ăn rau sạch, còn rau phun thuốc thì bán ra chợ; nhà mình ăn lợn sạch, còn lợn tăng trọng thì bán ra chợ...

Nhưng thực tế không phải vậy, bởi vì người trồng rau đâu chỉ ăn rau sạch của mình, mà họ phải ăn cả gà, lợn, cá... của người khác. Thế là họ cũng bị nhiễm bệnh từ những thứ hóa chất còn tồn đọng.

Cứ như vậy, một vòng tuần hoàn các chất độc được cung cấp đều ra thị trường, khiến tôi vô cùng lo lắng cho các thế hệ con cháu sau này.

Nguyên nhân thứ hai là do công tác quản lý yếu kém. Đã có một Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm được thành lập từ năm 2009, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiến nghị Thủ tướng xử lý những trường hợp vi phạm nếu thấy cần thiết.

Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đặt ra cho chúng ta rất nhiều vấn đề tồn tại, cho nên cũng phải đặt ra câu hỏi là: Liệu ban chỉ đạo này đã đủ sức mạnh để xử lý những vấn đề thuộc phạm vi an toàn vệ sinh thực phẩm chưa?

Tôi nghĩ là rất khó, cho nên cần phải nghiên cứu nâng lên thành Ủy ban Quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời cũng phải có sự vào cuộc quyết liệt của tập thể Chính phủ, của các địa phương.

Tôi nhớ là tại một phiên họp vào tháng 3 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng khi đó là Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra một thí dụ là khi Quốc hội chất vấn thì các bộ đổ lỗi cho nhau.

Ví dụ sản phẩm nông nghiệp từ cánh đồng đến mâm cơm. Bộ Nông nghiệp bảo chỉ có trách nhiệm trên cánh đồng thôi, hàng ra chợ rồi thì không có quyền nhảy vào.

Bây giờ, tôi nuôi được con gà, trồng được mớ rau, tôi chỉ lo được trên cánh đồng thôi nhưng khi ra chợ thì lại liên quan đến trách nhiệm của quản lý thị trường. Quản lý thị trường muốn xem con gà có ăn thức ăn bậy bạ không lại phải quay lại Bộ Nông nghiệp. Các bộ cứ đổ lỗi vòng quanh cho nhau, còn người dân thì chịu trận.

Vì thế mà trong một cuộc họp Chính phủ vào cuối tháng 3, ngay khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói rằng các bộ phối hợp với nhau rất chặt chẽ và nhịp nhàng, thì anh Đinh La Thăng nói thẳng luôn "Xin lỗi anh Phát với chị Tiến, các anh chị nói rằng các Bộ phối hợp với nhau rất tốt. Các Bộ phối hợp tốt mà dân bây giờ vẫn ăn bẩn, thế thì tốt cái gì? Thế thì có khác nào bảo dân cứ chấp nhận ăn bẩn đi rồi chúng tôi sẽ có lộ trình à?".

Câu nói này của anh Đinh La Thăng có lẽ sẽ khiến cho một số người không vui, nhưng lại rất đúng với thực tế, cần phải nhìn nhận thẳng thắn để tìm ra biện pháp xử lý.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm bẩn. ảnh: Gia đình xã hội.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm bẩn. ảnh: Gia đình xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm. Theo ông, biện pháp này có thực sự phát huy hiệu quả không?

Ông Vũ Mão: Tôi được biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị các địa phương tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ở đâu xảy ra mất an toàn thực phẩm thì người lãnh đạo ở địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.

Đó là chỉ thị rất tâm huyết của Thủ tướng. Trên thực tế trước đây có nhiều việc Thủ tướng cũng yêu cầu phải nghiêm túc, nhưng diễn biến thực tế lại không đạt được hiệu quả đúng với chỉ đạo.

Vì thế, để thể hiện sự đổi mới trong cách chỉ đạo, tôi đề nghị cần phải có ngay một đề án, một chương trình hành động với những nội dung và cách thức tổ chức thực hiện rất cụ thể. Bác Hồ thường dạy chúng ta là, chủ trương là một thì giải pháp hành động phải là mười.

Trước đây trong một cuộc họp của Quốc hội, ông Nguyễn Quốc Triệu khi đó là Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời rằng, trồng cây gì nuôi con gì là chuyện của Bộ Nông nghiệp, bán hàng ra thị trường là thuộc quản lý của Bộ Công thương. Ăn rồi nếu bị xảy ra chuyện gì thì Bộ Y tế mới biết và cứu chữa.

Trả lời hài hước của ông Triệu khi đó khiến cả nghị trường cười ồ, nhưng cũng phải thấy ở một khía cạnh nào đó thì ông Triệu nói đúng ở chỗ khi hậu quả xảy ra rồi thì mới cuống cuồng khắc phục. Điều đó cho thấy cung cách quản lý, tầm bao quát của những nhà quản lý có rất nhiều điều đáng phải suy ngẫm.

Cái mà nhiều người sẽ đặt ra đó là những cán bộ được giao trọng trách ấy đang làm gì, được hưởng lương, hưởng bổng lộc nhưng có làm được gì cho dân không? Thực phẩm bẩn lan tràn như thế này thì quy trách nhiệm cho ai? Thực tế là chẳng có ai chịu trách nhiệm hết, và hòa cả làng.

Theo tôi, trước mắt cần có nghiên cứu để thành lập Ủy ban Quốc gia về an toàn thực phẩm, trên cơ sở của tổ chức đã có nhưng với tầm mức cao hơn, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng hơn; và mọi việc phải đi đến cùng một cách công khai, minh bạch.

Tôi đề xuất như thế cũng không có gì là mới lạ, vì chúng ta đã có Uỷ ban quốc gia về an toàn giao thông. Vai trò của an toàn thực phẩm không hề thua kém vai trò của an toàn giao thông.

Trên đây là những việc cần làm ngay còn những việc cần làm tiếp theo không thể xem nhẹ là, phải nghiên cứu sử đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm hiện hành.

Luật an toàn thực phẩm vẫn còn là luật khung, nhiều quy định chung chung, vì thế luật chưa đi vào cuộc sống. Các thông tư của các Bộ chưa đủ tầm, còn có chỗ chồng chéo, lại có chỗ là khoảng trống, nhất là chưa quy định chặt chẽ về sự phối hợp với nhau.

Hậu quả sâu sa của công tác quản lý an toàn thực phẩm là ở chỗ này. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc về xây dựng Nhà nước pháp quyền để vận hành bộ máy cho chuẩn. Sự yếu kém trong công tác quản lý của những người có trách nhiệm chính là ở tầm nhìn vĩ mô và ở hành động ở vi mô.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)