Lái xe riêng cho 1 giám đốc điện lực có dấu hiệu tham ô tới hơn 300 triệu đồng

07/09/2016 08:47
(GDVN) - Chỉ hơn 1 năm nhưng lái xe riêng cho Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Kạn đã có dấu hiệu tham ô tới 328 triệu đồng nhưng chưa bị xử lý hình sự.

Ngày 28/8/2012, Công ty Điện lực Bắc Kạn (thành viên của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) tiến hành họp và lập biên bản xử lý kỷ luật lao động đối với Dương Văn M., lái xe riêng cho Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Kạn Dương Quang Sơn.

Theo giải trình của Dương Văn M., từ tháng 01/2010 đến tháng 6/2012, M. đã nhiều lần kê khai "khống" số liệu về lịch trình xe công tác của Giám đốc Công ty là Dương Quang Sơn và các phòng chuyên môn để làm thủ tục xin cấp xăng dầu với số lượng lớn.

Biên bản họp kỷ luật lái xe của Công ty Điện lực Bắc Kạn.
Biên bản họp kỷ luật lái xe của Công ty Điện lực Bắc Kạn.

Căn cứ biên bản kiểm tra việc quản lý chi phí xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh từ tháng 01/2010 đến ngày 30/6/2012 và các Phụ lục số 1,2,3 của tổ công tác nội bộ Công ty Điện lực Bắc Kạn xác định số nhiên liệu chệnh lệch so với lộ trình thực tế là 15.502 lít xăng A95, tương đương với số tiền hơn 327 triệu đồng.

Tại biên bản cuộc họp, Dương Văn M. đã thừa nhận hành vi chiếm đoạt số xăng dầu chệnh lệch nêu trên để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Tại biên bản, lãnh đạo Công ty gồm Giám đốc Dương Quang Sơn và Chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyễn Văn Bình đã thống nhất kết luận:

"Dương Văn M. vi phạm khoản 7, Điều 20 của Nội quy lao động, ban hành theo Quyết định số 12/QĐ-EVN NPC ngày 06/1/2011 của Tổng Công ty điện lực miền Bắc về Tham ô tài sản".

Lái xe riêng của Giám đốc Điện lực Bắc Kạn tham ô tới hơn 320 triệu, đáng lẽ phải xử lý hình sự từ 15-20 năm tù nhưng lại chỉ bị... hạ bậc lương, Ảnh minh họa internet
Lái xe riêng của Giám đốc Điện lực Bắc Kạn tham ô tới hơn 320 triệu, đáng lẽ phải xử lý hình sự từ 15-20 năm tù nhưng lại chỉ bị... hạ bậc lương, Ảnh minh họa internet

Phía lãnh đạo Công ty Điện lực Bắc Kạn cũng đề xuất Tổng Công ty Điện lực miền Bắc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với Dương Văn M. theo quy định tại mục 3.2, khoản 3, Điều 21, Nội quy lao động hiện hành của Tổng Công ty với hình thức “sa thải”.

Theo quy định của pháp luật tại khoản 3, Điều 278, Bộ luật Hình sự, nếu Dương Văn M. có hành vi của tội Tham ô thì ngoài chịu hình thức “sa thải” còn phải chịu trách nhiệm hình sự từ 15 đến 20 năm tù.

Tuy nhiên, hiện nay Dương Văn M. không những không bị chịu trách nhiệm hình sự mà còn không bị sa thải, hiện vẫn là lái xe riêng cho Giám đốc Công ty Dương Quang Sơn.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, sau ít ngày ký vào biên bản kỷ luật Dương Văn M., ông Dương Quang Sơn liền ký ngay Công văn số 1300/PCBK-P3 ngày 11/9/2012 gửi Tổng Công ty Điện lực miền Bắc với nội dung “đề nghị cho người lao động thôi xét kỷ luật và cho thôi việc”.

Nội dung Công văn do ông Dương Quang Sơn ký có đoạn: “… Công ty Điện lực Bắc Kạn đã có Văn bản số 1280/PCBK-P3  ngày 06/9/2012 trình Tổng Công ty xem xét cho ông Dương Văn M. được thôi xét kỷ luật và được giải quyết chế độ thôi việc”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Bắc Kạn thì hiện nay ông Dương Văn M. vẫn đang là lái xe riêng cho ông Dương Quang Sơn, Giám đốc Công ty.

Số tiền hơn hơn 327 triệu đồng mà ông M. “tham ô” đã thu hồi hay chưa thì cán bộ, công nhân Công ty vẫn chưa được công khai (?!).

Câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao trong nhiều năm, lái xe riêng tham ô tới hơn 327 triệu đồng mà Giám đốc Điện lực Bắc Kạn không hề hay biết?  Trong khi đó chính ông Sơn là người ký duyệt cấp xăng dầu.

Đến khi đủ yếu tố xử lý hình sự Dương Văn M. dấu hiệu về hành vi “Tham ô” thì Giám đốc Công ty không chuyển hồ sơ sang bên Công an mà lại có văn bản… xin cho lái xe. Liệu rằng, Giám đốc Điện lực Bắc Kạn Dương Quang Sơn có liên quan đến vụ việc này không?

Để có thêm thông khách quan, đa chiều, phóng viên đã liên lạc với ông Dương Quang Sơn, Giám đốc Điện lực Bắc Kạn nhưng ông từ chối làm việc và trả lời thông tin. Ông Sơn chỉ cho biết: "Có gì anh cứ liên hệ với Ban Kiểm tra Tỉnh ủy, họ đã vào cuộc từ năm 2012 - 2013".

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 278. BỘ LUẬT HÌNH SỰ 1999

Điều 278. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.