Thứ trưởng Bộ Y tế: Người dân không nên quá lo lắng về virus Zika

10/04/2016 08:16
Lê Phương
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trấn an người dân (kể cả phụ nữ mang thai) không nên quá hoang mang, lo lắng trước thông tin có 2 ca nhiễm virus Zika tại

Sáng ngày 5/4, Bộ Y tế đã chính thức công bố hai ca nhiễm virus Zika đầu tiên ở Việt Nam. Để có thông tin cụ thể về các biến chứng cũng như phòng tránh căn bệnh này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế. 

- Bộ Y tế đã chính thức công bố 2 ca bệnh dương tính với virus Zika tại Việt Nam. Vậy Thứ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng lây lan của virus Zika tại nước ta?

GS. Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi cho rằng khả năng lây lan virus Zika ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những tỉnh sáng nay Bộ Y tế đã công bố (TP.HCM, Khánh Hòa) có nguy cơ rất cao. Điều này dễ hiểu vì chúng ta đã có virus Zika, hơn nữa véc tơ truyền bệnh là muỗi đang lưu hành rất nhiều ở Việt Nam. Ngoài ra chúng ta đang nằm trong vành đai sốt xuất huyết…

Hơn nữa, chúng ta chưa có các biện phòng bệnh đặc hiệu. Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở diệt muỗi và loăng quăng, bọ gậy… Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng khả năng lây lan virus Zika ở Việt Nam là rất lớn.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp phòng chống virus Zika - ảnh L.P
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp phòng chống virus Zika - ảnh L.P

- Vậy Bộ Y tế đã có những biện pháp phòng bệnh như thế nào, đặc biệt là những nơi đang có virus Zika lưu hành?

GS. Nguyễn Thanh Long: Thực tế cách đây hơn 1 tuần, Bộ Y tế đang nâng mức độ cảnh báo lên một mức rất cao nhằm tăng cường việc giám sát, triển khai việc phòng tránh cũng như tuyên truyền người dân cách phòng chống virus Zika cũng như sốt xuất huyết.

Ngoài ra, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nâng mức cảnh báo lên mức độ 2, coi như đã có dịch, mặc dù trong thời điểm đó Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh. Đến thời điểm hiện nay thì Bộ Y tế đang thực hiện các biện pháp cảnh báo và phòng dịch ở mức độ 2 kể cả các địa phương không có dịch.

Với mức độ này, có rất nhiều biện pháp từ vấn đề về ban chỉ đạo, khoanh vùng ổ dịch, các chỉ đạo về khám chữa bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã ban hành các hướng dẫn phòng bệnh cho từng đối tượng đặc biệt là phụ nữ mang thai. Về việc nâng cao năng lực xét nghiệm, hiện nay nước ta có 4 cơ sở có thể xét nghiệm được virus Zika, nhưng chúng tôi dự kiến nâng lên nhiều trung tâm xét nghiệm khác ở các địa phương.

Không chỉ có vậy, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là Khánh Hòa và TP.HCM cần nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, nhằm dập dịch một cách sớm nhất.

- Do bệnh lây qua đường muỗi đốt, Bộ Y tế đã có chỉ đạo hoặc khuyến cáo gì đối với những người trong gia đình, cũng như cộng đồng và những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh?

GS. Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi đã khuyến cáo người dân không chỉ trong vùng ổ dịch mà ngay cả ngoài cộng đồng, nhất là khu vực miền Nam và miền Trung đó là lật úp các loại phế thải chứa nước không cần thiết, thả cá vào các lu chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy.

Riêng đối với TP.HCM và Khánh Hòa, chúng tôi đã chỉ đạo nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch trong bán kính 200 mét, phun muỗi trên diện rộng tại khu vực đó.

- Được biết, trong 2 trường hợp mắc có 1 phụ nữ 33 tuổi đang mang thai, vậy Bộ Y tế đã có biện pháp nào để xét nghiệm xem có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Và Thứ trưởng có những khuyến cáo gì đối với các phụ nữ mang thai khác trong trường hợp Zika vào Việt Nam?

GS. Nguyễn Thanh Long: Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng về hội chứng não nhỏ. Tôi lấy vì dụ như Brazil là một quốc gia có ghi nhận nhiều trường hợp não nhỏ. Trong 6.776 trường hợp não nhỏ của Brazil chỉ có 941 trường hợp nghi có liên quan đến tật đầu nhỏ.

Như vậy, chúng ta có thể thấy không phải trường hợp não nhỏ nào cũng liên quan đến virus Zika. Hay như Colombia cũng vậy, đất nước có rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhưng chỉ có hơn 30 trường hợp mắc chứng não nhỏ…

Cho đến hiện nay, WHO vẫn đang tiếp tục tìm ra các bằng chứng để khẳng định virus Zika có liên quan đến chứng não nhỏ.

Về phòng bệnh, phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu khi thấy các biểu hiện như sốt, viêm giác mạc… nên đến các cơ sở y tế để theo dõi, các cơ sở sản khoa từ tuyến tỉnh trở lên có thể theo dõi được các dị tật của thai nhi. Nếu phát hiện được bất cứ bất thường nào, các bác sĩ cũng với người nhà sẽ có những thảo luận cùng sản phụ để có quyết định cuối cùng.

- Thưa Thứ trưởng, đối với những trường hợp nhiễm virus Zika thì phương pháp điều trị  như thế nào?

GS. Nguyễn Thanh Long: Cho đến thời điểm hiện nay, virus Zika chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, do biểu hiện đặc trưng virus Zika thường là nhẹ và cho đến thời điểm này chưa ghi nhận một trường hợp nào tử vong do virus Zika.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị và tập huấn đối với các cơ sở y tế về việc điều trị bệnh do virus Zika. Hiện tại, chúng ta đã sẵn sàng trong việc chuẩn bị thuốc men, dịch truyền xét nghiệm.

- Trước việc virus Zika đã vào Việt Nam thì việc kiểm soát của chúng ta tại sân bay, cửa khẩu được thực hiện như thế nào?

GS. Nguyễn Thanh Long: Hiện chúng tôi không đặt nặng vấn đề kiểm soát dịch tại sân bay, cửa khẩu vì chúng ta đã có ca mắc trong nội địa, vì thế chúng ta phải kiểm soát và ngăn chặn tốt virus Zika trong nội địa.

Hiện nay, WHO cũng như Bộ Y tế đã khuyến cáo nhiều lần, đó là không hạn chế đi lại giữa các vùng có dịch, chúng tôi chỉ khuyến cáo phụ nữ có thai nên hạn chế đi lại những vùng có dịch.

- Hai trường hợp nhiễm Zika ở Việt Nam hiện nay đang được điều trị và cách ly như thế nào thưa Thứ trưởng?

GS. Nguyễn Thanh Long: Hai trường hợp này hiện nay không điều trị tại bệnh viện mà đang theo dõi và cách ly tại nhà.

- Về vấn đề xét nghiệm, hiện nay chúng ta có miễn phí cho người bệnh không thưa Thứ trưởng?

GS. Nguyễn Thanh Long: Chúng ta đã xét nghiệm miễn phí cho hơn 1.000 trường hợp, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Nhưng trường hợp số người đến xét nghiệm tăng lên chúng ta sẽ phải xem xét lại để cân đối tài chính.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi!

Lê Phương