Những trăn trở của nguyên Phó Chủ tịch nước về nền giáo dục nước nhà

21/12/2016 14:47
Thùy Linh
(GDVN) - Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: “Sự thành công của giáo dục là nhân tố dẫn đến thành công ở những lĩnh vực khác”.

Phát biểu tại Hội thảo Khoa học “70 năm sư phạm Việt Nam - Đổi mới và phát triển” được tổ chức sáng 21/12 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã bày tỏ những trăn trở của mình về nền giáo dục nước nhà hiện nay. 

Cần hoàn thiện triết lý giáo dục
 
Theo nguyên Phó Chủ tịch nước, sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển được như ngày nay là có sự đóng góp to lớn của ngành sư phạm đã đào tạo ra đội ngũ giáo viên đông đảo. 

Trong đó nhiều người, nhiều nhà giáo yêu nước, yêu nghề và tận tụy với trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, những nhà giáo làm việc ở những vùng xa xôi, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn đang ngày đêm nỗ lực gieo chữ, trồng người.

Tuy nhiên, để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 thì giáo dục nước ta đang đứng trước những yêu cầu, thách thức lớn.

Đó là xác định triết lý giáo dục, trước hết là mục tiêu giáo dục cho hiện nay và cho tương lai 10-20 năm tới, cần có tổng kết sâu sắc về sự phát triển của giáo dục thế giới. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, UNESCO đã nêu ra 4 cột đỡ của giáo dục: Học để biết, để làm, để làm người, để chung sống

Chúng ta có thể xem đây là sự gợi ý rất quan trọng để đổi mới tư duy giáo dục, hoàn thiện triết lí giáo dục cũng như cụ thể hóa mục tiêu giáo dục của chúng ta. 

Những trăn trở của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về nền giáo dục nước nhà (Ảnh: Thùy Linh)
Những trăn trở của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình về nền giáo dục nước nhà (Ảnh: Thùy Linh)

Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Bình, trong tư duy giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều điều rất đáng lo ngại khi xác định sứ mạng và mục tiêu giáo dục những khía cạnh nhân bản và sự phát triển cá nhân chưa thực sự được coi trọng. 

Việc dạy làm người, dạy cách nghĩ, dạy cách học còn bị xem nhẹ, duy trì quá lâu phương pháp giáo dục lạc hậu mang tính áp đặt, nhồi nhét, đẩy học sinh, sinh viên đến chỗ thụ động chấp nhận những điều được rao giảng, khiến học sinh, sinh viên thiếu ý thức tự chủ và khả năng độc lập suy nghĩ.

Hơn nữa, chúng ta không chỉ bức xúc về những yếu kém, bất cập, lạc hậu của hệ thống giáo dục mà còn đứng trước thực trạng xuống cấp về đạo đức, lương tâm xã hội.

Những trăn trở của nguyên Phó Chủ tịch nước về nền giáo dục nước nhà ảnh 2

TS Nguyễn Tiến Luận bàn về 4 vấn đề cốt tử của giáo dục Việt Nam

(GDVN) - Hầu hết cử nhân, nhất là tốt nghiệp ở trường công lập đang thiếu kỹ năng trầm trọng, đơn giản nhất là viết thư đăng ký tuyển dụng cũng không đạt.

Đã có không ít trí thức lên tiếng kiến nghị, cần chấn hưng về văn hóa và nhân cách con người. 

Dĩ nhiên, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người và cả nền văn hóa là nhiệm vụ của toàn xã hội nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng.

Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách”. 

Bởi trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết “làm người”, nghĩa là có nhân tính thì mới có thể làm những cái khác, còn nếu không thì hoặc gây tại họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả.

Những suy nghĩ về giáo dục, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo là những điều tôi luôn luôn trăn trở. Tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều có chung nhận thức đối với vai trò của giáo dục. 

Sự thành công của giáo dục là nhân tố dẫn đến thành công ở những lĩnh vực khác. 

Sự cạnh tranh về phát triển hiện nay thực chất là cạnh tranh về chất lượng con người, phát triển về sự nghiệp giáo dục
”, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định. 

"Là các nhà giáo, các đồng chí đều biết, nhà trường chỉ thực hiện được sứ mạng dạy làm người khi chuyển hóa được giáo dục thành tự giáo dục trẻ em để các em phát triển một cách tích cực nhất những tiềm năng sẵn có của mình. 

Muốn như vậy, người thầy phải khơi dậy được sự phát triển hoàn toàn tự thân ở mỗi đứa trẻ.

Công việc đó vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật đòi hỏi mỗi nhà giáo vừa phải có lòng yêu nước, yêu người, yêu nghề, hiểu biết về đời sống, văn hóa và có trách nhiệm xã hội”, nguyên Phó Chủ tịch nước nêu vấn đề.
 
Ngành sư phạm cần phải được quan tâm hơn

Theo bà Nguyễn Thị Bình, hiện nay trường sư phạm còn nặng đào tạo các thầy cô về dạy chữ, chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo những nhà giáo dục. 

Một dẫn chứng đó là so với các khoa môn khác, thì các khoa tâm lý giáo dục học chưa phải là thế mạnh đúng với tiềm năng và yêu cầu của trường sư phạm. Nguyên nhân có thể là do các khoa tâm lý giáo dục học chưa được đầu tư tương xứng.

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thời cuộc, trường sư phạm phải đào tạo ra được những người thầy giáo, cô giáo hiểu biết sâu sắc về con người, về nghề dạy học dựa trên những nền tảng vững chắc là kiến thức văn hóa xã hội của đất nước gắn kết với tiến bộ và phát triển nhân loại.

Những trăn trở của nguyên Phó Chủ tịch nước về nền giáo dục nước nhà ảnh 3

Thủ tướng: "Chính phủ trân trọng ý kiến của các chuyên gia"

(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để hỗ trợ, tư vấn chính sách cho Chính phủ.



Ngoài ra, để làm tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu, trường sư phạm phải gắn bó với trường phổ thông, môi trường sư phạm phải là trung tâm nghiệp vụ của các trường phổ thông trên địa bàn từ đó đóng góp vai trò tư vấn cho các nhà giáo trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Để phát huy thực sự vai trò này, công tác trên cần được quan tâm đúng mức hơn.

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng giáo viên cần được coi trọng hơn. Người giáo viên phải được cập nhật những kiến thức mới.

Tình hình đất nước hiện nay đòi hỏi ngành giáo dục phải tiến nhanh, tiến mạnh hơn nữa để phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đuổi kịp các nước trong khu vực về trình độ giáo dục.

Nhưng để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới văn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam thì cần có sự đổi mới cả về tư duy và hành động, trong đó phát triển nhân cách người học phải được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình đổi mới. 

Nhân dịp 70 năm sư phạm Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình gửi lời chúc mừng tới các thế hệ giáo viên, tập thể ngành sư phạm; đồng thời, bà cũng cho rằng, trong thời đại mới, trách nhiệm của ngành giáo dục và đặc biệt là ngành sư phạm lớn hơn bao giờ hết. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước gửi gắm: “Tôi xin chúc ngành sư phạm có bước chuyển biến đột phá, đào tạo ra những người thầy giỏi, những nhà giáo dục xuất sắc, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. 

Tôi cũng rất mong Đảng và Nhà nước có sự chỉ đạo sát sao hơn để ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là chính sách và đãi ngộ với các thầy giáo, cô giáo để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác
”.

Thùy Linh