Giấc mơ đại học toàn cầu và ba công khai

08/02/2017 08:44
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Theo cách nói Mỹ, “Giấc mơ thì không bị đánh thuế, nhưng ngoài cái đó ra, hãy chuẩn bị sẵn tiền”.

LTS: Bàn về việc xây dựng mô hình đại học “toàn cầu” ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chỉ ra những mô hình thành công và chưa thành công ở nước ta.

Qua những phân tích của mình, tác giả muốn đặt nghi vấn về sự cần thiết của việc chạy đua với giấc mơ đại học “đẳng cấp toàn cầu”?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Hãy tập trung vào mục tiêu, chứ không phải là thứ hạng! 

Hãy tập trung vào điều gì là cơ bản nhất, thiết yếu nhất của các bạn (đại học), với mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết công ăn việc làm phù hợp, thay vì nỗ lực đáp ứng những tiêu chí do người khác (xếp hạng) lập lên

GS.  Phillip Altbach (Boston College) và GS. Ellen Hazelkorn (Ireland) [1]

Tôi muốn dùng lời chia sẻ chân thành của hai giáo sư hàng đầu thế giới về quốc tế hóa giáo dục với những trường đại học và những chính phủ như của chúng ta (các nước đang phát triển) để mở đầu về những giấc mơ giáo dục "toàn cầu" của Việt Nam.  

Theo cách nói Mỹ, “Giấc mơ thì không bị đánh thuế, nhưng ngoài cái đó ra, hãy chuẩn bị sẵn tiền”.  

Đây là cách biểu đạt chuẩn xác cho những giấc mơ Việt Nam về mô hình đại học “toàn cầu” và xếp hạng Top trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế!

Sau một thời gian dài ít có giao tiếp với các hệ thống đại học tiên tiến trên thế giới, một số lãnh đạo của chúng ta ý thức được việc Việt Nam cần quốc tế hóa giáo dục như một động lực để phát triển kinh tế và xã hội, mong hội nhập với quốc tế càng nhanh càng tốt.  

Đây là một tư duy đúng đắn, điều cần nghiên cứu ở đây là việc chúng ta triển khai hội nhập với quốc tế khi chưa có những nghiên cứu và đánh giá độc lập về cách nào để hội nhập cho hiệu quả nhất, bền vững nhất và phù hợp với năng lực giáo dục “nội địa” của chúng ta nhất. 

Giấc mơ đại học toàn cầu và ba công khai ảnh 1

Có bao nhiêu hy vọng một trường Đại học Việt Nam vào top 100 thế giới?

Với mục tiêu đến 2020 chúng ta có đại học đẳng cấp quốc tế và ít nhất có một đại học lọt vào Top 200 trong các bảng xếp hạng đại học uy tín [2], Chính phủ Việt Nam quyết định đầu tư xây dựng đại học world-class (đẳng cấp quốc tế) với những đối tác chiến lược. 

Tháng 3 năm 2008, đại học đầu tiên theo mô hình world-class (toàn cầu) mang tên Đại học Việt – Đức đã được chính thức thành lập [3] theo thỏa thuận giữa hai chính phủ, với khoản vay 180 triệu đô la Mỹ (năm 2010) từ World Bank dành phần nhiều cho xây dựng khuôn viên trường.  

Tháng 12 năm 2009, đại học khoa học và công nghệ Hà Nội (gọi tắt là Đại học Việt – Pháp) được thành lập cũng theo thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ, với khoản vay từ ADB là 190 triệu đô la Mỹ [4].  

Cả hai trường công lập tiên tiến theo mô hình world – class được mong đợi sẽ là “quả đấm thép” giúp cho hệ thống đại học công lập của Việt Nam nói chung và của ngành khoa học kỹ thuật Việt Nam nói riêng “lên hạng” trên hệ thống giáo dục quốc tế, với những nghiên cứu và công bố quốc tế do hai trường này thực hiện [5].

"Hãy tập trung vào mục tiêu, chứ không phải thứ hạng". (Ảnh minh họa: newyorker.com)
"Hãy tập trung vào mục tiêu, chứ không phải thứ hạng". (Ảnh minh họa: newyorker.com)

Tháng 7 năm 2014, Đại học Việt – Nhật, theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật, cũng được chính thức thành lập, là thành viên của Đại học Quốc Gia – Hà nội, với số vốn vay ODA từ chính phủ Nhật là 200 triệu đô la [6]. 

Hơn 8 năm đã trôi qua (trừ Đại học Việt – Nhật đang còn mới tuyển sinh khóa 1 năm 2016), hai đại học Việt – Đức, Việt - Pháp, theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu giáo dục đại học, “cũng vẫn chỉ là những chấm mờ nhạt” trong hệ thống giáo dục công lập của Việt Nam.   

Theo ghi nhận đến tháng 4 năm 2016, “đại học Việt – Đức có được 19 bài báo trên tạp chí được bình chọn, đại học Việt-Pháp chưa có bài nào”.  

Giáo viên nước ngoài hầu hết là thỉnh giảng, giáo viên Việt thì chưa có học hàm.

Và “do đặc thù”, việc tuyển sinh ở các trường này cũng gặp không ít khó khăn, do các trường vẫn đang trong giai đoạn ổn định cơ sở trường học và hệ thống nhân sự của mình.  

Giáo sư Bành Tiến Long có ý kiến cho rằng “Nếu so sánh với những đại học Top đầu trong nước, các đại học đẳng cấp quốc tế vẫn chưa bằng” [5].

Một so sánh nhỏ về hiệu quả hoạt động giữa 2 đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam với RMIT Việt Nam, một trường có vốn đầu tư nước ngoài 100% tại Việt Nam từ năm 2001, với tổng số vốn đầu tư là 37 triệu đô la Mỹ.  

RMIT Việt Nam được thành lập với cấu trúc như sau: 7,25 triệu đô la vay của ADB trong 10 năm, 15 triệu đô la được tài trợ bởi The Atlantic Philanphropies, IFC cho vay 3,5 triệu đô la và phần còn lại do RMIT Melbourne đầu tư [7].  

Theo báo cáo của ADB đánh giá về khoản vay, tất cả các tiêu chí mà RMIT thực hiện được trong vòng 8 năm đã vượt qua “mong đợi”, với ý nghĩa về việc RMIT đã trả toàn bộ khoản vay, tiếp tục vay thêm để mở rộng, tỷ lệ tuyển sinh liên tục tăng vượt mức mấy chục phần trăm hàng năm, RMIT Việt Nam đã trở thành “người vay” thành công trong mắt của các tổ chức cho vay và là cơ sở đại học nước ngoài có số lượng học sinh lớn nhất (khoảng hơn 6.000 sinh viên).   

RMIT hiện đang tìm kiếm mở rộng cơ sở đại học nhằm phát triển hơn nữa kế hoạch tăng trưởng của họ ở Việt Nam. 

Nếu Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường công lập “đẳng cấp”, với tư cách là nhà đầu tư, và cùng đi vay tiền để thành lập và hoạt động các chương trình đại học tầm quốc tế tại Việt Nam, có lẽ cần suy nghĩ về lý do tại sao RMIT Việt Nam lại thành công đến vậy, với nguồn vốn nhỏ hơn rất nhiều và với xuất phát điểm chắc chắn không thể thuận lợi hơn so với các đại học do Chính phủ đỡ đầu? 

Và tại sao, ngay trên thị trường Việt Nam, chúng ta đã chưa thành công với những đối tác nước ngoài và chương trình nước ngoài “tầm quốc tế” như với Đại học Việt – Đức và Đại học Việt - Pháp? 

Giấc mơ đại học toàn cầu và ba công khai ảnh 3

Việt Nam - giấc mơ 2035

Giấc mơ đại học đẳng cấp toàn cầu sẽ đi đến đâu, khi mà với khoản vay được giải ngân gần đây cho Đại học Việt – Đức được nêu ra là “tập trung chủ yếu cho xây khuôn viên trường”, chứ không phải cho đào tạo giáo viên Việt Nam hay tập trung nghiên cứu quốc tế?

Việc trả lời được những câu hỏi trên chắc chắn sẽ giúp cho cơ quan quản lý giáo dục Việt Nam hiểu rõ hơn về “năng lực giáo dục và đào tạo nội địa”, về “năng lực hợp tác phát triển chương trình quốc tế” giữa Việt Nam và thế giới, để chúng ta tìm ra con đường phù hợp hơn, thực tế hơn, thay vì chạy theo tìm kiếm cơ hội cho khả năng “Xếp hạng Đại học Top 200” trên thế giới.

Với lịch sử hơn 15 năm về xếp hạng đại học toàn cầu và ban đầu chỉ để nhằm giúp các nhà nghiên cứu tìm kiếm những điểm chung mà các đại học có thể chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, tính thương mại hóa đã đẩy các bảng xếp hạng trở thành công cụ hữu ích cho các trường trong hoạt động marketing và thu hút học sinh, đặc biệt quá chú trọng đến năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế, bất chấp những nghi ngờ về phương pháp đánh giá và đo lường trong quá trình xếp hạng các đại học của các tổ chức xếp hạng [1].  

Không phải tự dưng, tờ báo University World News (UWN) nổi tiếng chuyên san về quốc tế hóa giáo dục đã có 4 bài liên tiếp chia sẻ về những quan ngại trong cuộc chạy đua “xếp hạng” trên thế giới với những dữ liệu “không đáng tin cậy và không được sắp xếp hợp lý” (theo Viện chính sách về Đại học – HEPI), mà quên đi mục tiêu cốt lõi của xếp hạng và giáo dục đại học là “đào tạo ra những con người có kiến thức và năng lực thực sự” để đáp ứng cuộc sống của bản thân họ và xã hội mà họ cần phải có đóng góp [8].  

Cuộc chạy đua này là phương thức để kiếm tiền từ các hệ thống xếp hạng trên thế giới, vì nhiều dẫn chứng cho thấy bản thân họ vừa là người đi lấy thông tin, đánh giá thông tin và xếp hạng, đồng thời cũng chính họ là người “tư vấn” cách để tăng hạng cho những trường và lãnh đạo nào muốn “chạy đua” [9].  

Vì thế, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một trường có thể tăng đến vài chục bậc hoặc vài nghìn điểm, cho các kỳ xếp hạng chỉ trong vòng có một năm [10]!

Năm 2020: Có một trường Đại học được xếp hạng tốp 200 thế giới

Trong bối cảnh của các đại học hàng đầu Việt Nam nỗ lực phấn đấu “xếp hạng” và có những đầu tư lớn như với các nước trong khu vực châu Á (có thể nhìn sang Malaysia, Ấn Độ [11] đã và đang cùng con đường đua hạng), chúng ta cũng lại thấy một số việc rất cơ bản, rất đáng làm cho toàn bộ hệ thống đại học Việt Nam, mà tiếc là chưa làm cho đúng và chuyên nghiệp.   

Lấy ví dụ nhỏ, câu chuyện công khai toàn bộ các  thông tin dự án, đề án, ngân sách và tổng kết tài chính hàng năm, hoặc tổng kết các dự án cải cách giáo dục trước đây, chương trình đổi mới, đề tài đã nghiên cứu, chiến lược phát triển giáo dục,… của Bộ Giáo dục – Đào tạo lên website, có lẽ cũng còn khá lâu nữa và còn khó khăn để chúng ta có thể tìm được những thông tin cần tìm trên đó.  

Trong khi, tại hội nghị bàn về cải cách chất lượng giáo dục đại học gần đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo rất kiên quyết bắt buộc các trường phải thực hiện nghiêm túc ba công khai thông tin của trường trên website, nhằm minh bạch hóa với xã hội, với sinh viên và với phụ huynh [12]. 

Câu hỏi tôi mong tìm được câu trả lời phù hợp là: khi chúng ta chưa thực hiện chuyên nghiệp được việc cung cấp những thông tin cơ bản về hoạt động của các trường đại học, những nghiên cứu có chất lượng cho các đề án cải cách giáo dục, công bố quốc tế từ Việt Nam, những báo cáo giáo dục hàng năm từ Bộ Giáo dục – Đào tạo [13], liệu có thực sự cần chạy đua với giấc mơ đại học “đẳng cấp toàn cầu” hay không? 

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thanhnien.vn/giao-duc/tai-sao-hau-het-cac-dai-hoc-nen-tu-bo-tro-choi-xep-hang-782223.html

[2] http://thanhnien.vn/giao-duc/dh-xuat-sac-vn-dang-o-dau-689324.html

[3] http://www.vgu.edu.vn/vi/trang-chu/

[4] http://www.usth.edu.vn/vi/abouts/Lich-su-USTH.html; http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viet-nam-vay-adb-190-trieu-usd-xay-mo-hinh-dai-hoc-bac-cao-1304743149.htm

[5] http://thanhnien.vn/giao-duc/dh-xuat-sac-vn-dang-o-dau-689324.html

[6] http://vju.vnu.edu.vn/tin-tuc-su-kien/287-l-cong-b-cac-quy-t-d-nh-b-nhi-m-cong-nh-n-lanh-d-o-tru-ng-d-i-h-c-vi-t-nh-t.html

[7] https://www.adb.org/sites/default/files/project-document/149433/32914-014-xarr.pdf

[8] http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20161215001420225

[9] http://higheredstrategy.com/the-times-higher-education-industry-income-rankings-are-bunk/; https://napoleon.bc.edu/ojs/index.php/ihe/article/viewFile/7878/7029; http://ejournals.bc.edu/ojs/index.php/ihe/article/view/7878

[10] https://www.kuleuven.be/english/news/2015/times-higher-education-world-university-rankingshttp://news.zing.vn/webometrics-2017-nhieu-dai-hoc-cua-viet-nam-tut-hang-post717773.html

[11] http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20170203150724229; https://www.academia.edu/30571577/The_Dilemma_of_University_Rankings_in_Policy_and_Policymaking_The_Malaysian_Experience

[12] http://www.baomoi.com/cac-truong-dai-hoc-chu-yeu-cong-khai-voi-bo/c/21287106.epi

[13] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/bo-giao-duc-va-dao-tao-se-cong-bo-bao-cao-giao-duc-hang-nam-353143.html

Nguyễn Thị Lan Hương