Ban thanh tra nhân dân không phải là tổ chức kiểm soát, đối lập với lãnh đạo

17/04/2017 07:13
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Ban thanh tra nhân dân có hoạt động hay không, có thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình hay không là do sự lãnh, chỉ đạo của Ban chấp hành Công đoàn.

LTS: Là người từng làm Trưởng Ban thanh tra nhân dân ở một trường trung học phổ thông trong nhiều năm, thầy giáo Lê Xuân Chiến nêu quan điểm về chức năng, vai trò, nhiệm vụ của tổ chức này trong trường học.

Theo tác giả, Ban thanh tra nhân dân phải hoạt động “hết công suất” mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình chứ không phải chơi không hay làm bù nhìn như nhiều người từng hiểu nhầm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhân đọc bài “Thanh tra nhân dân, bù nhìn hay chỗ dựa?” của tác giả Thiên Ấn trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, là người nhiều năm làm Trưởng Ban thanh tra nhân dân ở một trường trung học phổ thông, tôi xin chia sẻ một số quan điểm về nhiệm vụ, chức năng của Ban thanh tra nhân dân trong trường học hiện nay.
 
Có người nói: “Mong sao Ban thanh tra nhân dân “thất nghiệp” để trường được “sóng lặng thuyền yên”.

Nói vậy không có nghĩa Ban thanh tra nhân dân không có việc gì để làm, chỉ là ban bệ mang tính hình thức, “mũ ni che tai” để “yên chuyện chung” và “nhàn chuyện riêng”. 

Vai trò của Thanh tra nhân dân không chỉ là giám sát, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, viên chức, người lao động. 

Ban thanh tra nhân dân không phải là ban “chuyên” chống tiêu cực, cũng không phải là “quan tòa”, càng không phải là tổ chức “kiểm soát”, đối lập với lãnh đạo. 

Không ít người hiểu chưa đúng về vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong trường học, vội cho đó là tổ chức “hữu danh vô thực”, là “bù nhìn”. Nói vậy là phiến diện, không hiểu đúng bản chất, chức năng của Ban thanh tra nhân dân. 

Nhiều người hiểu rõ nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân. (Ảnh minh họa từ Giáo dục và thời đại)
Nhiều người hiểu rõ nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân. (Ảnh minh họa từ Giáo dục và thời đại)

Tất nhiên, để xảy ra chuyện hiểu phiến diện như vậy cũng có một phần lỗi của Ban thanh tra nhân dân khi họ chưa nắm rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, hoặc biết mà không chịu làm, làm cho có.

Nhiệm vụ chính của Ban thanh tra nhân dân là giám sát việc thực hiện Nghị quyết của đơn vị do Hội nghị cán bộ, viên chức đề ra. Vậy Ban thanh tra nhân dân giám sát những gì?

Căn cứ Nghị định 99/2005/NĐ-CP, ngày 28/7/2005 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân;

Căn cứ Hướng dẫn số 469/HD-CĐN ngày 22/10/2009 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam Về việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân trong trường học có thể cụ thể hóa như sau:

- Giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của nhà trường (đề ra trong Hội nghị cán bộ, viên chức).

- Giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường

- Giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, nhà giáo và người lao động

- Giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trong trường học

- Giám sát công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh.

- Giám sát tài chính, giám sát việc thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ 

- Giám sát việc dạy thêm, học thêm

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo và người lao động

- Thanh tra khi có đơn đề nghị của cán bộ, viên chức, người lao động

Bám sát những nhiệm vụ trên, Trưởng ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu, đóng góp ý kiến, kiến nghị với Ban giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, trưởng các đoàn thể nhà trường trong các cuộc họp liên tịch, hội đồng sư phạm, họp xét thi đua/ kỷ luật, họp xét nâng lương, họp báo cáo quyết toán tài chính...

Ban thanh tra nhân dân không phải là tổ chức kiểm soát, đối lập với lãnh đạo   ảnh 2

Thanh tra nhân dân, bù nhìn hay chỗ dựa?

Với chừng đó nhiệm vụ, Ban thanh tra nhân dân phải hoạt động “hết công suất” mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Ban thanh tra nhân dân không phải chơi không hay im lặng, làm “bù nhìn” như một số người hiểu chưa đúng.

Ban thanh tra nhân dân do hội nghị cán bộ, viên chức bầu ra, do Ban chấp hành Công đoàn ra quyết định chuẩn y và chịu sự lãnh đạo của Ban chấp hành Công đoàn. 

Ban thanh tra nhân dân không phải là tổ chức độc lập, “tự tung tự tác”, có quyền lực “vô đối”. 

Ban thanh tra nhân dân có hoạt động hay không, có thực hiện đúng chức năng, vai trò, nhiệm vụ của mình hay không là do sự lãnh, chỉ đạo của Ban chấp hành Công đoàn. 

Ban chấp hành Công đoàn phải chịu trách nhiệm trước đoàn viên Công đoàn về hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.   

Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ chính là giám sát và phản biện. Ban thanh tra nhân dân chỉ thanh tra đột xuất khi có đơn yêu cầu của cán bộ, viên chức, người lao động và được Ban chấp hành Công đoàn giao nhiệm vụ thanh tra. 

Còn thanh tra định kỳ thì phải theo kế hoạch của Ban chấp hành Công đoàn (trên cơ sở kế hoạch hoạt động của Ban thanh tra nhân dân đã được Ban chấp hành Công đoàn duyệt). 

Khi thanh tra, Ban thanh tra nhân dân chỉ có quyền xem xét, kết luận sự việc đúng hay sai; hợp pháp, khách quan hay không; công bằng, dân chủ hay không, sau đó nêu lên quan điểm, kiến nghị của mình đối với lãnh đạo về sự việc mà nhà giáo, người lao động khiếu nại, tố cáo. 

Ban thanh tra nhân dân không phải là tổ chức kiểm soát, đối lập với lãnh đạo   ảnh 3

Công đoàn trường học còn bù nhìn nói gì đến thanh tra

Ban thanh tra nhân dân không có thẩm quyền xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Quyền xử lý và giải quyết là của Chủ tịch Công đoàn, Hiệu trưởng. 

Khi Chủ tịch Công đoàn, Hiệu trưởng xử lý, giải quyết không thỏa đáng, nhà giáo và người lao động có quyền kiến nghị lên lãnh đạo cấp trên giải quyết, xử lý theo quy định của Pháp lệnh công chức, viên chức. 

Về giám sát tài chính, Ban thanh tra nhân dân không phải làm nhiệm vụ kiểm tra tài chính của trường, nhiệm vụ đó đã có kiểm toán của Phòng tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng tài chính huyện, tỉnh.

Ban thanh tra nhân dân chỉ có thể giám sát về việc thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo và người lao động như:

Khen thưởng, kinh phí hỗ trợ các hoạt động, công tác phí, chế độ ốm đau, thai sản, hiếu hỉ, chế độ khi làm việc ngoài giờ, tăng giờ, việc phân phối quỹ phúc lợi...

Quy trình hoạt động và quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân được quy định như vậy, Ban thanh tra nhân dân không thể vượt quá giới hạn chức năng và quyền hạn của mình. 

Ban thanh tra nhân dân không hoạt động như một tổ chức giám sát độc lập, đứng ngoài đoàn thể, mà chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của đoàn thể. 

Nhà giáo, người lao động có hiểu như vậy thì mới hiểu và chia sẻ với Ban thanh tra nhân dân, mới tránh được sự vội vàng đánh giá Ban thanh tra nhân dân là bù nhìn, hình thức hay là phe cánh của lãnh đạo.            

Nếu biết mình là ai và biết mình phải làm gì thì Ban thanh tra nhân dân không bao giờ là “bù nhìn” và chẳng có gì phải ngại va chạm hay sợ lãnh đạo trù dập như không ít người nhầm tưởng.

Lê Xuân Chiến