Chụp ảnh thuê bao, tùy từng đối tượng

20/06/2017 13:39
Trinh Phúc
(GDVN) - Dư luận xôn xao về quy định buộc chụp ảnh chân dung cá nhân để lưu giữ đối với khách hàng nếu không sẽ bị dừng sử dụng thuê bao di động.

Hiện nay, dư luận xôn xao về quy định buộc chụp ảnh chân dung cá nhân để lưu giữ đối với khách hàng nếu không sẽ bị dừng sử dụng thuê bao di động.

Ngay khi được báo chí đăng tải, trong dư luận đã có những tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng, quy định này không cần thiết, gây phiền hà cho người dân.

Theo Nghị định 49/2017, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, người dùng di động (kể cả trả trước hay trả sau) người dùng còn phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số điện thoại.

Việc quy định khách hàng phải chụp ảnh nếu không cắt thuê bao đang khiến dư luận cho rằng là nhiêu khê (ảnh nguồn mobifone).
Việc quy định khách hàng phải chụp ảnh nếu không cắt thuê bao đang khiến dư luận cho rằng là nhiêu khê (ảnh nguồn mobifone).

Sau 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực (24/4/2017), doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin về thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình đúng với quy định trên.

Trong thời gian đó (từ 24/4/2017 đến 24/4/2018), các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước - đang sử dụng dịch vụ nhưng chưa tuân thủ theo đúng quy định thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại nghị định này.

Đối với các thuê bao di động đã có thông tin đăng ký chính xác phải “bổ sung thêm ảnh chụp và có trách nhiệm trích xuất, tự cập nhật lại thông tin thuê bao cho phù hợp với quy định này.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo).

Nhà mạng sẽ tiếp tục thông báo và thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện yêu cầu.

30 ngày sau nếu thuê bao vẫn không thực hiện yêu cầu sẽ bị chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.

Nhận định về quy định này, chị Nguyễn Anh Thơ ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: “Tôi biết, hiện quản lý SIM rác rất phức tạp và cần thiết phải loại bỏ SIM rác ra khỏi đời sống.

Tuy nhiên, việc quy định chụp ảnh cá nhân như vậy liệu có hợp lý khi đã đăng ký chứng minh nhân dân rồi.

Ngay cả ngân hàng đòi hỏi bảo mật cao cũng chỉ cần chứng minh nhân dân khi giao dịch tiền vì thế tôi cho rằng thêm thủ tục hành chính rườm ra phức tạp”.

Đồng quan điểm, anh Lê Hữu Bình ở Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Không biết thêm cái ảnh thì có thể giải quyết được vấn đề gì, trong khi đã bắt buộc có chứng minh thư rồi.

Khi thực hiện nghị định này, ai cũng phải đến nơi giao dịch để chụp ảnh, rồi lưu thông tin, cả xã hội như vậy liệu có gây thất thoát lãng phí tài chính không?

Tôi nghĩ, muốn thực hiện thì phải sắm máy ảnh, rồi lưu giữ thông tin theo hệ thống, điều này chắc sẽ gây tốn kém để đầu tư trang thiết bị”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre (ảnh Trinh Phúc).
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre (ảnh Trinh Phúc).

Liên quan đến vấn đề này, Ngày 20/6, bên lề hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, trao đổi với báo chí Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tỏ ra băn khoăn:

“Tôi không biết ý định của cơ quan quản lý ra sao nhưng mỗi chiếc sim điện thoại khi đăng ký đều khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân rồi”.

“Cái này là động chạm đến quyền lợi người dân nên phải đúng quy định của pháp luật.” – Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến đoàn Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến đoàn Hà Nội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Ở một góc nhìn pháp lý khác, bên hành lang quốc hội ngày 20/6, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đưa ra quan điểm: “Quy định chụp ảnh đối với thuê bao di động chỉ nên áp dụng đăng ký thuê bao mới, hay thuê bao không rõ ràng về danh tính là phù hợp.

Còn đừng thực hiện máy móc, bắt bộc toàn bộ phải thực hiện vì trước đó đã bắt buộc đăng ký theo chứng minh thư.

Chủ nhân của những thuê bao này đã có địa chỉ rõ ràng rồi, tổ chức thực hiện, chụp ảnh, lưu trữ nên không cần thiết và gây tốn kém”.

Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến còn cho rằng: “Về nguyên tắc dân sự, sử dụng dịch vụ hay không thực hiện dịch vụ đều do thỏa thuận giữa hai bên.

Cho nên, khi hợp đồng mẫu mà nhà mạng thực hiện theo tinh thần của nghị định này nếu khách hàng không đồng ý thì không cung cấp dịch vụ là bình thường nhưng nó chỉ áp dụng với các thuê bao mới, thuê bao không có danh tính rõ ràng.

Còn đối với các trường hợp đã sử dụng trước khi nghị định này ra đời, mà buộc người ta thực hiện lại cung cấp thông tin ảnh cá nhân là không cần thiết, không phù hợp.

Vì hợp đồng đã được giao kết trước khi nghị định này ra đời nên không thể viện lý do không cung cấp ảnh để hủy hợp động”.

Trinh Phúc