Hoa Kỳ gây chú ý với khả năng tấn công quân sự Triều Tiên

06/07/2017 09:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Trump nổi tiếng là một nhà lãnh đạo "không thể dự đoán", nhưng nếu xét về mức độ "liều lĩnh", có lẽ ông có nhiều thứ để cân nhắc, thận trọng, đắn đo hơn...

Financial Times ngày 6/7 đưa tin, Hoa Kỳ đã nâng cao nhận thức về hành động quân sự đối phó với Bắc Triều Tiên sau vụ thử tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng ngày 4/7.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã nói rằng, vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa trong tuần này là sự leo thang quân sự rõ ràng và sắc nét, hành động của Triều Tiên đã nhanh chóng chấm dứt các khả năng giải pháp ngoại giao.

Bà Nikki Haley tuyên bố:

"Hoa Kỳ đang chuẩn bị sử dụng đầy đủ khả năng của mình để bảo vệ chính chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi.

Một trong những khả năng của chúng tôi nằm ở lực lượng quân đội đáng kể. Chúng tôi sẽ sử dụng quân đội nếu cần, nhưng chúng tôi không muốn phải đi theo hướng đó.".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Yonhap News.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Yonhap News.

Bình luận của bà Haley được đưa ra sau khi tướng Vincent Brooks, Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, cảnh báo Bình Nhưỡng rằng:

Các lực lượng của ông đã sẵn sàng đáp trả bất kỳ lời tuyên chiến nào, sau khi Triều Tiên tuyên bố tên lửa mới của họ có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Ngày 5/7 Tổng thống Donald Trump cho biết trên Twitter, nỗ lực của Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên đã không thành công, khi liên hệ giữa hai nước láng giềng này tăng lên trong những tháng gần đây.

Ông Donald Trump viết:

"Thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã tăng trưởng gần 40% trong quý đầu tiên. Hợp tác giữa Trung Quốc với chúng tôi cũng đến thế mà thôi, nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng thử xem sao.".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từng cố gắng tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã khiến ông ủng hộ lập trường của Mỹ. [1]

CNN hôm nay dẫn lời Đại sứ Niiki Haley cho biết:

"Phần lớn các gánh nặng của việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (với Triều Tiên) phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chúng tôi sẽ làm việc với Trung Quốc, nhưng sẽ không lặp lại các phương pháp tiếp cận không đầy đủ của quá khứ, đã đưa chúng tôi đến những ngày đen tối này.".

Hoa Kỳ gây chú ý với khả năng tấn công quân sự Triều Tiên ảnh 2

Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa, Trung Quốc không "cứu" Donald Trump

Cả Phó Đại sứ Nga và Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã không đồng ý vấn đề trừng phạt bổ sung Triều Tiên trong cuộc họp. [2]

News.com.au ngày 6/7 cho biết, Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce tuyên bố, nếu Hoa Kỳ triển khai hoạt động quân sự chống Bắc Triều Tiên, Australia sẽ tham gia.

Tuyên bố này được đưa ra sau phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley, trong lúc Thủ tướng Malcolm Turbull đang dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Đức.

Ông Barnaby Joyce nói:

"Không ai nên đi quá xa trong việc kiểm tra quyết tâm của Hoa Kỳ.

Nếu Triều Tiên bắn một đầu đạn hạt nhân vào Hoa Kỳ, sau đó hiệp ước đồng minh Mỹ - Australia - New Zealand sẽ được kích hoạt.". [3]

Cá nhân người viết cho rằng, tình huống trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang là một "đòn cân não" với người đứng đầu Nhà Trắng.

Cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang dõi theo tình hình bán đảo từng ngày, bởi tác động của nó đến cục diện an ninh khu vực.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như đã nắm được mấu chốt vấn đề, bán đảo Triều Tiên là bàn cờ chiến lược nơi các siêu cường Mỹ - Trung - Nga đều có lợi ích. 

Bất kỳ một hành động đơn phương nào từ 1 trong 3 siêu cường này, đều phải xem thái độ và tính toán khả năng phản ứng của 2 nước còn lại.

Lợi ích của mỗi nước trên bán đảo lại khác nhau, và toan tính của mỗi siêu cường cũng khác với 2 nước kia.

Hoa Kỳ gây chú ý với khả năng tấn công quân sự Triều Tiên ảnh 3

Thông điệp của ông Donald Trump đằng sau sự "hết kiên nhẫn" với Bắc Triều Tiên

Chính vì thế bằng những vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây càng củng cố khả năng ông Kim Jong-un nhận định, ông Donald Trump và liên minh Mỹ - Nhật - Hàn vẫn rất sợ kết cục "trạng chết, chúa cũng băng hà".

Vì vậy Bình Nhưỡng có khả năng tin rằng, các nỗ lực của Hoa Kỳ không thể ngăn nổi họ chiếm thế thượng phong buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán vô điều kiện, hoặc chí ít cũng là thỏa hiệp đôi bên.

Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ đã từng tiết lộ ý tưởng, chỉ cần Mỹ - Hàn hủy bỏ hoặc đóng băng các hoạt động tập trận trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng có thể tạm đóng băng chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân để ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Donald Trump nổi tiếng là một nhà lãnh đạo "không thể dự đoán", nhưng nếu xét về mức độ "liều lĩnh", có lẽ ông có nhiều thứ để cân nhắc, thận trọng, đắn đo hơn so với Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Đó là cái khó nhất của người Mỹ, cả Washington và Bình Nhưỡng đều hiểu.

Tuy nhiên, một khi trò tâm lý chiến thử sức chịu đựng của nhau này đi quá giới hạn, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.ft.com/content/79e9d314-6124-11e7-91a7-502f7ee26895

[2]http://edition.cnn.com/2017/07/05/politics/nikki-haley-north-korea-military-escalation-un/index.html

[3]http://www.news.com.au/national/breaking-news/aust-not-ruling-out-china-trade-sanctions/news-story/12f4a98898474d37a2d59d37e4299969

Hồng Thủy