EVN chủ động mọi tình huống ứng phó với thiên tai

28/06/2017 15:00
Mai Anh
(GDVN) - Khi xảy ra thiên tai, các đơn vị đã khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo an toàn về người và tài sản, đảm bảo cấp điện trở lại sớm nhất cho các khu vực bị ảnh hưởng.

Thiệt hại nặng do thiên tai

Bộ Công Thương vừa triển khai Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Tại hội nghị, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương cho biết, năm 2016, ngành Công Thương chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới và 2 đợt mưa lũ lớn.

Thiệt hại do thiên tai gây ra với toàn ngành này ước khoảng 470 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào EVN, ước thiệt hại khoảng 380 tỷ đồng.

Trong đó, có 2.187 số cột điện bị gẫy, đổ, số dây dẫn điện bị hư hỏng lên đến 178.500 mét, 38 máy biến áp bị hư hỏng, 11.392 công tơ bị hư hỏng,  10.330 bát/quả cách điện bị vỡ.

Cán bộ Tập đoàn điện lực gia cố bảo vệ công tơ, cột điện để giảm thiệt hại của thiên tai mưa bão - ảnh nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cán bộ Tập đoàn điện lực gia cố bảo vệ công tơ, cột điện để giảm thiệt hại của thiên tai mưa bão - ảnh nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của EVN, tình hình mưa bão và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới năm 2016 ảnh hưởng đến Việt Nam; ngoài ra, còn có các ảnh hưởng dạng thiên tai khác như băng tuyết, lốc xoáy, mưa lũ điều này đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành Điện. 

Điển hình, đợt mưa tuyết cuối tháng 1/2016 ảnh hưởng đến lưới điện các tỉnh phía Bắc, gây thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng; cơn bão lớn nhất năm 2016 - bão số 1 đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc bộ chiều tối 27/7/2016 - gây mất điện diện rộng, gây thiệt hại khoảng 348 tỷ đồng.

Điển hình như cơn bão số 1 năm 2016 đã thiệt hại rất nặng nề cho lưới điện phân phối của 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. 

Tuy nhiên nhờ chuẩn bị tốt và chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, EVN và các đơn vị đã sớm xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, tổ chức diễn tập khắc phục sự cố, tìm kiếm cứu nạn.

Nhờ vậy, khi xảy ra thiên tai, các đơn vị đã khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo an toàn về người và tài sản, đảm bảo cấp điện trở lại sớm nhất cho các khu vực bị ảnh hưởng.

Các hồ thủy điện tham gia cắt lũ trong năm 2016:

- Khu vực Bắc Bộ: Các hồ chứa thủy điện lớn như Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Sơn La đã cắt lũ hoàn toàn, bảo đảm an toàn và không để xảy ra thiệt hại do lũ gây ra đối với vùng hạ du.

- Khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Đợt lũ tháng 11/2016 gây lũ trên các lưu vực sông: Kôn - Hà Thanh, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai, Srêpok. Một số thủy điện tham gia cắt giảm lưu lượng đỉnh lũ như: Thủy điện Hương Điền cắt giảm 96,3%; Bình Điền cắt giảm 82,66%; Buôn Tua Srah cắt giảm 46,24%; Sông Tranh 2 cắt giảm 75,23%; Sông Bung 4 cắt giảm 47,79%; Vĩnh Sơn A cắt giảm 64,88%; Sông Ba Hạ cắt giảm 19,07%; Đại Ninh cắt giảm 25,65%...

Trước cố gắng này của EVN, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã biểu dương “các nhà máy thuỷ điện đã cố gắng thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, công tác phối hợp giữa các chủ đập thủy điện với địa phương ngày một tốt hơn, điển hình là các chủ đập thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia cấp nước chống hạn và cắt/giảm/làm chậm lũ vùng hạ du; giúp giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

Chủ động phòng chống thiên tai năm 2017

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2017 cả nước sẽ có khoảng 13 - 15 cơn bão xuất hiện trên biển Đông và có khoảng từ 3 - 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung vào khu vực Trung Bộ. Lũ quét, sạt lở đất có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm trước.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các đơn vị trong Ngành cần kiện toàn hơn nữa Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công trách nhiệm vụ thể cho từng thành viên; rà soát, hiệu chỉnh phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức phổ biến, hướng dẫn, diễn tập để chủ động ứng phó với thiên tai khi xảy ra, đặc biệt đối với các tình huống bão mạnh và siêu bão...   

Một trong những vấn đề được Thứ trưởng đặc biệt lưu ý là các công trình thuỷ điện phải tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương, các chủ hồ có liên quan trong công tác vận hành hồ chứa, nhất là vận hành xả lũ; tổ chức kiểm tra thường xuyên các hạng mục công trình trước, trong, sau các đợt lũ, bão và khắc phục kịp thời những tồn tại có nguy cơ mất an toàn cho đập, nhà máy.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp đặt bổ sung các hình thức cảnh báo phù hợp cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành xả lũ, phát điện; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền cho người dân cách nhận biết tình huống xả lũ, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước khi sản xuất, đi lại ở khu vực sông suối hạ du của nhà máy...

Thiên tai gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 Thiên tai gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Đối với các đơn vị truyền tải, phân phối điện, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu rà soát các điểm, khu vực xung yếu của lưới điện để gia cố, chuẩn bị phương tiện, vật tư dự phòng, nhân lực để kịp thời khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra, nhanh chóng khôi phục cấp điện đảm bảo an toàn, đặc biệt có phương án duy trì cấp điện cho các công trình phòng chống thiên tai.

Được biết, nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, EVN và các đơn vị đã sớm xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, tổ chức diễn tập khắc phục sự cố, tìm kiếm cứu nạn. 

Công tác vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa thủy điện thuộc EVN thời gian qua cũng được triển khai đúng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Lãnh đạo các công ty thủy điện đã báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin với lãnh đạo ủy ban nhân tỉnh tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các đơn vị liên quan để nhận được sự chỉ đạo, phối hợp ứng xử kịp thời.

Năm 2017, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Tập đoàn; xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống lũ, bão, giảm nhẹ thiên tai.

Lãnh đạo Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị hoàn tất công tác kiểm tra, sửa chữa thiết bị, công trình… đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.

Mai Anh