Trao đổi với Tiến sĩ Tiết Lực về ngộ nhận Phán quyết Trọng tài bị gác qua 1 bên

29/07/2017 11:06
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Sức sống của Phán quyết nằm ngay trong từng lập luận của Tòa Trọng tài. Đó chính là vũ khí pháp lý rất thiện xảo nếu các bên biết khai thác, vận dụng.

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục - nhà nghiên cứu uyên thâm về biên giới lãnh thổ và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới của ông.

Trong bài viết này, tác giả trao đổi lại một số vấn đề Tiến sĩ Tiết Lực, một học giả Trung Quốc nêu ra trên truyền thông quốc tế về Phán quyết Trọng tài.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này và trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục! Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Trước hết, tôi đánh giá cao tinh thần hợp tác, trao đổi thông tin khoa học của Giáo sư Tiến sĩ Tiết Lực, Giám đốc Vụ Chiến lược Quốc tế, Viện Nghiên cứu Chính trị và kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc. 

Tôi xin cảm ơn về việc Giáo sư đã thường xuyên gửi cho tôi nhiều công trình nghiên cứu với tư cách là một học giả. 

Gần đây ông đã gửi cho tôi một số bài đã đăng trên các phương tiện thông tin Trung Quốc cũng như quốc tế để giới thiệu một số đề xuất của ông với nhà nước Trung Quốc.

Đặc biệt là những đề xuất của Giáo sư Tiết Lực trong việc hiệu chỉnh tư duy tiếp cận giải quyết tranh chấp, cũng như ứng xử trong vấn đề Biển Đông, cụ thể là bài viết đăng trên The Diplomat ngày 26/7. [1]

Học giả Trung Quốc Tiết Lực, ảnh: abbao.cn.
Học giả Trung Quốc Tiết Lực, ảnh: abbao.cn.

Đây cũng chính là bài viết ông đã đã đăng trên Financial Times, Anh quốc, bản chữ Hán ngày 13/6. [2]

Bài viết này là kết quả của quá trình trao đổi giữa ông Tiết Lực với một số nhà nghiên cứu Trung Quốc khác, như ông Hứa Lợi Bình, bà Phan Kim Nga, Tiến sĩ Đại Phàm...và dẫn đến kết luận: 

"Trung Quốc nên hiệu chỉnh tư duy ứng phó với vấn đề Biển Đông, xây dựng phương lược mới, chuyển từ 'bảo vệ lợi ích' và 'duy trì ổn định' sang thiết kế tiến trình giải quyết tranh chấp đa phương, các bên cùng thắng mà Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo.".

Đây cũng là bài viết thứ 20 nằm trong chuỗi bình luận của ông Tiết Lực trên Financial Times về chủ đề "Một vành đai, một con đường với sự chuyển đổi chính sách ngoại giao Trung Quốc" 

Gần đây hơn, Thời báo Hoàn Cầu đã đăng bài viết mới của ông, trong đó nhận định rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ giữ nguyên chính sách với Trung Quốc như hiện nay. [3]

Giáo sư Tiết Lực nhấn mạnh rằng chỉ sau 1 năm, Philippines đã đảo ngược lập trường với “Một vành đai, một con đường” bằng sự tích cực, chủ động tham gia. 

Do những trải nghiệm quá khứ, nhiều học giả Trung Quốc lo rằng, chính sách của Duterte với Bắc Kinh có thể thay đổi, nên theo họ Trung Quốc chớ đầu tư quá nhiều tài nguyên chiến lược cho Philippines. 

Vì vậy, ông Tiết Lực khuyên Tổng thống Philippines rằng:

Duy trì chính sách với Trung Quốc như hiện nay là lựa chọn tốt nhất cho chính ông Rodrigo Duterte đến cuối nhiệm kỳ. Bởi người tiền nhiệm Benigno Aquino III đã theo đuổi chính sách “chống Trung Quốc" và ủng hộ Mỹ, không có lợi cho Philippines. 

Giáo sư Tiết Lực đánh giá, cựu Tổng thống Aqunio dựa vào danh tiếng và vị thế gia tộc, còn đương kim Tổng thống Duterte dựa vào liêm khiết và quyết tâm chống ma túy, cải thiện sinh kế cho dân.

Theo ông, đặc trưng chính trị Philippines là bị chi phối bởi một số gia tộc hàng đầu, những người như Duterte phải dựa vào uy tín cá nhân. 

Mỹ từng có lịch sử đô hộ Philippines và gây nhiều tội ác thời thuộc địa, ông Tiết Lực lập luận, duy trì chính sách với Trung Quốc như hiện nay là lựa chọn tốt nhất cho Duterte. 

Ông Lực tin rằng, Tổng thống Duterte đang "gác qua một bên" Phán quyết Trọng tài để ra sức phát triển quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Ông Rodrigo Duterte sẽ lái con tàu Philippines dựa vào chính sách đối ngoại không cảm xúc, mà dựa vào nhu cầu chiến lược đã cân nhắc kỹ. 

Chính sách đối ngoại của Duterte tạo ra một bầu không khí tương đối thuận lợi cho giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông…Ngoài ra, Tiến sĩ Tiết Lực còn nhận định, tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam và Malaysia cũng tạo thuận lợi cho việc đàm phán. 

Đặc biệt ông nhấn mạnh chính sách “nước Mỹ là trên hết” của Donald Trump có thể bị ảnh hưởng ghê gớm nếu Hoa Kỳ can thiệp vào Biển Đông, vì vậy đây là cơ hội để Trung Quốc và các nước giải quyết 'đúng đắn' các tranh chấp qua đàm phán thương lượng...

Tiếp nhận những thông tin nói trên, nhà báo Hồng Thủy và tôi, đã có một số bài bình luận đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, mời quý bạn đọc quan tâm có thể theo dõi lại các bài viết này bằng từ khóa “Tiết Lực”. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: freewechat.com.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: freewechat.com.

Hôm nay, nhân ý kiến của Giáo sư Tiết Lực nhận xét và đánh giá hiệu lực và tác động của Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/201 và lập trường của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hậu Phán quyết, tôi xin có mấy lời.

Trên tinh thần thật sự cầu thị, khách quan, xây dựng, chúng tôi xin được làm rõ thêm về giá trị và hiệu lực của Phán quyết Tòa Trọng tài 12/7/2016 nhằm tìm hiểu xem liệu có chuyện Philippines “gác Phán quyết sang một bên” như nhận định của Giáo sư Tiết Lực? 

Cách đây hơn một năm, 16h ngày 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, còn được gọi là Tòa Trọng tài, đã ra Phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp ứng dụng, giải thích Công ước trên Biển Đông. 

Từ đó cho đến nay, tình hình tranh chấp Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp khiến dư luận có những nhận xét, đánh giá khác nhau về giá trị và tác dụng của Phán quyết lịch sử, mang tầm vóc khu vực và quốc tế này.    

Sở dĩ có nhiều khác biệt trong nhận thức, thậm chí có những tiếng nói chỉ trích Tổng thống Rodirgo Duterte "lơ" Phán quyết Trọng tài, theo chúng tôi là do thiếu thông tin và hiểu biết đầy đủ về nội dung, hiệu lực, giá trị và sức sống của Phán quyết Trọng tài.

Nay xin được một lần nữa nhắc lại ở đây, và chúng tôi xin có đôi lời thưa lại Giáo sư Tiết Lực.

Những nội dung cơ bản của Phán quyết Trọng tài đã được chúng tôi đề cập và phân tích nhiều, nay xin không nhắc lại ở đây.

1. Hiệu lực của Phán quyết Trọng tài. 

1.1. Tòa Trọng tài đã ra Phán quyết theo đúng thẩm quyền và tuân thủ nghiêm túc thủ tục tố tụng

Vụ kiện Trọng tài này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippines cho là vi phạm Công ước.

Theo đó, trong suốt quá trình tố tụng, Toà Trọng tài đã thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm tra tính xác thực của các đệ trình do Philippines đưa ra, bao gồm:

Yêu cầu Philippines cung cấp thêm các lập luận, đặt ra các câu hỏi cho Philippines trước và trong hai phiên tranh tụng;

Chỉ định các chuyên gia độc lập có nhiệm vụ báo cáo Toà về các vấn đề kỹ thuật và thu thập các bằng chứng về mặt lịch sử liên quan đến các cấu trúc tại Biển Đông và chuyển các bằng chứng này để các bên bình luận.

Một phiên làm việc của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc ứng dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông, năm 2015, ảnh: PCA.
Một phiên làm việc của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc ứng dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông, năm 2015, ảnh: PCA.

Về tính phù hợp các giới hạn của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước, Toà Trọng tài đã nhấn mạnh:

Toà không phán quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không tiến hành phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện. 

Mặc dù như vậy, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố nước này không chấp nhận cũng như không tham gia vào tiến trình trọng tài do Philippines đơn phương khởi xướng. 

Đáng chú ý là Trung Quốc, thông qua Bản Tuyên bố lập trường ban hành tháng 12/2014, cũng như các văn bản chính thức khác, cũng tuyên bố rõ ràng rằng theo quan điểm của nước này, Toà Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện. 

Tuy nhiên, Điều 288 của Công ước quy định:

"Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về việc liệu một toà hay một cơ quan trọng tài có hay không có thẩm quyền, vấn đề này sẽ do chính toà hay cơ quan trọng tài đó quyết định".

Hơn nữa, Phụ lục VII của Công ước quy định rằng:

"Việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng"

Phụ lục VII cũng quy định rằng trong trường hợp một bên không tham gia vào tiến trình tố tụng, Toà Trọng tài "phải chắc chắn rằng Toà có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp cũng như nội dung kiện phải được chứng minh đầy đủ cả về mặt pháp lý và thực tế". 

Vì vậy, Toà Trọng tài đã tổ chức một phiên tranh tụng về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc vào tháng 7/2015 và ban hành một Phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc vào ngày 29/10/2015, quyết định về một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền và sẽ để lại một số vấn đề để tiếp tục xem xét. 

Toà Trọng tài sau đó tiếp tục triệu tập và tổ chức một phiên tranh tụng về các vấn đề nội dung của vụ kiện từ ngày 24 đến 30/11/2015. 

Cuối cùng, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài đã công bố Phán quyết đề cập đầy đủ các nội dung thuộc thẩm quyết phán xử của Tòa.  

1.2. Philippines đã nghiên cứu, lựa chọn đúng nội dung khởi kiện và đã thực hiện đầy đủ thủ tục khởi kiện theo quy định của Phụ lục VII, UNCLOS1982

Philippines không không kiện về tranh chấp chủ quyền các thực thể ở Trường Sa, Scarborough.

Quốc gia này cũng không kiện Trung Quốc về phân định biển trong các vùng chồng lấn như ngụy biện của Trung Quốc khi họ tuyên bố không công nhận, không tham gia Vụ kiện và không thi hành Phán quyết này. 

Nội dung khởi kiện của Philippines chỉ nhằm mục đích đề nghị Tòa Trọng tài phán xét các nội dung chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Philippines cho là Trung Quốc, với tư cách là một thành viên chính thức của Công ước, đã không tuân thủ các quy định của Công ước này.   

Bởi vì, theo quy định của Công ước, muốn được Cơ quan tài phán thụ lý hồ sơ và tiến hành xét xử loại tranh chấp về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay tranh chấp về phân định biển, thì phải tuân thủ các thủ tục pháp lý khác với tranh chấp về việc giải thích và áp dụng Công ước. 

Cụ thể là: muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền / phân định biển thông qua các cơ quan tài phán quốc tế, thông thường các bên đều phải qua quá trình đàm phán, hiệp thương trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế. 

Khi các bên không thuyết phục được nhau, việc nhờ đến bên thứ ba là cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền là lựa chọn phù hợp nhất, văn minh và công bằng cho tất cả.

Nhưng các bên phải cùng thỏa thuận bằng văn bản để đưa tranh chấp lên các cơ quan tài phán quốc tế thích hợp xét xử. 

Đó chính là nội dung trả lời cho những ai còn nghi hoặc về việc tại sao Việt Nam không đệ đơn kiện Trung Quốc lên cơ quan tài phán để đòi lại quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa đang bị nước này chiếm đóng trái phép.

2. Giá trị và sức sống của Phán quyết Trọng tài

2.1. Những khó khăn thách thức sau khi Phán quyết đã được công bố

- Cơ chế thi hành án quốc tế vẫn chưa được định hình. Vì vây, cho dù theo quy định, Phán quyết Trọng tài có tính chất chung thẩm, nhưng bên thua kiện vẫn không bị bắt buộc thi hành. 

Trao đổi với Tiến sĩ Tiết Lực về ngộ nhận Phán quyết Trọng tài bị gác qua 1 bên ảnh 4

Học giả Trung Quốc: Dùng nắm đấm ở Biển Đông là ngu xuẩn, ra tòa là tốt nhất

Việc thi hành Phán quyết đều phải nhờ đến sự tự giác của hai bên, nếu một bên không tự giác thì cần có sự can thiệp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Tuy nhiên, Điều 27 của Hiến chương Liên Hợp Quốc lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Chẳng hạn trong thực tiễn, từ năm 1945 thành lập Liên Hợp Quốc đến năm 2012, đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Anh 32, Pháp 18 và Trung Quốc 9 lần.

- Trong Biển Đông đang tồn tại các loại tranh chấp khác nhau, với những diễn biến, quan điểm pháp lý và mối liên quan giữa chúng cũng rất phức tạp, đó là: 

Tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giữa Biển Đông. 

Tranh chấp về việc xác lập phạm vi các vùng biển và thềm luc địa giữa các quốc gia ven biển nằm dối diện hoặc liền kề, trong đó có yêu sách ranh giới biển xuất phát từ việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Nội dung và thủ tục khởi kiện ra các cơ quan tài phán quốc tế và thẩm quyền thụ lý xét xử của các cơ quan tài phán quốc tế đối với các vụ kiện về các loại tranh chấp này cũng khác nhau.

Điều này dễ gây nên những nhầm lẫn về thủ tục khởi kiện và thẩm quyền xét xử, dù vô tình hay cố ý, khi tiến hành khởi kiện hay trong quá trình thụ lý hồ sơ, xét xử, ra phán quyết cuối cùng.

- Trung Quốc phải đối mặt với Phán quyết bất lợi cho yêu sách của mình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Trung Quốc cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại. 

Những ngụy biện mà Trung Quốc cố tình nêu ra để biện minh cho thái độ bất hợp tác của mình đối với Phán quyết Trọng tài đã và sẽ luôn là bằng chứng khẳng định tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc thực chất chỉ là lời nói suông.

Trong cục diện Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, EU..., thì đây sẽ là “đòn đả kích” không nhỏ vào những lời nói của Trung Quốc trên trường quốc tế. 

Với những gì Bắc Kinh thể hiện, kể cả Philippines hay bất kỳ bên liên quan nào khác ở Biển Đông, không ai ảo tưởng Trung Quốc sẽ dễ dàng chấp nhận và thực thi Phán quyết này.

Thậm chí họ còn kiếm cớ để tăng cường hơn nữa các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, gây xung đột vũ trang, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

2.2. Những ngộ nhận về việc Phán quyết Trọng tài bị "gác sang một bên”

Chúng tôi xin một lần nữa nhấn mạnh rằng:

Theo quy định tại Điều 296 của Công ước và Điều 11 của Phụ lục VII, Phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm. 

Hơn nữa, Tòa Trọng tài đã xét xử công bằng và khách quan trên cơ sở lựa chọn một số nội dung trong số các nội dung được thể hiên trong đơn khởi kiện chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. 

Vì vậy, Phán quyết này không phải nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của Trung Quốc trước cộng đồng khu vực và quốc tế.

Càng không thể nói Phán quyết là nhân tố làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp như Trung Quốc tuyên truyền.

Ngược lại, cái chính là Phán quyết đang góp phần bảo vệ chân lý, lẽ phải, giữ vững và phát huy hiệu lực của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982- Hiến pháp Xanh của nhân loại.

Như thế thì quyền và lợi ích chính đáng của mọi quốc gia có liên quan mới được tôn trọng và giữ gìn, tất nhiên, trong đó có quyền và lợi ích chính đáng của cả Philippines và Trung Quốc. 

Đây chính là thắng lợi của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thắng lợi của cơ quan tài phán quốc tế trong việc bảo vệ sự trong sáng, hiệu lực và hiệu quả của Công ước, làm rõ những tranh cãi xung quanh việc áp dụng, giải thích Công ước.  

Trao đổi với Tiến sĩ Tiết Lực về ngộ nhận Phán quyết Trọng tài bị gác qua 1 bên ảnh 5

Chiến lược "cân bằng nước lớn" của Việt Nam qua góc nhìn học giả Trung Quốc

Còn nhớ trong quá trình Toà phán quyết, bất chấp sức ép, mua chuộc từ Trung Quốc - một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, Manila đã giành chiến thắng gần như tuyệt đối. 

Cho dù Trung Quốc có tìm mọi cách ngăn chặn, phán quyết của trọng tài này vẫn đang âm thầm đóng góp rất lớn cho hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông, trong hiện tại cũng như tương lai. 

Phán quyết Trọng tài đã trở thành một thực tiễn pháp lý rất có giá trị, cấu thành một bộ phận của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Và như vậy, từ khi Phán quyết Trọng tài ra đời trở về sau, người ta sẽ luôn luôn vận dụng, tham chiếu cho việc giải quyết những tranh chấp quốc tế trên biển, nhất là ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương. 

Đúng như bình luận của Tiến sĩ Alexander L. Vuvinh, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương ngay sau khi có Phán quyết Trọng tài:

“Tuy chưa có cơ chế chế tài, nhưng nó có ý nghĩa là một bộ phận của luật quốc tế.

Theo luật quốc tế thì khi phán quyết này được ban hành, nó đã trở thành một án lệ, nó chính là luật quốc tế. Điều này không thể thay đổi. 

Đằng sau phán quyết là luật quốc tế. Đằng sau luật quốc tế là những nước sẽ làm gì đó để bảo vệ luật quốc tế. 

Bây giờ nhìn vào, rất nhiều nước hưởng lợi từ phán quyết. Rất nhiều nước có lợi ích song trùng với quyết định của Tòa. Chính những nước đó sớm muộn cũng tìm cách gìn giữ phán quyết này…”

2.3. Philippines với tư cách là bên thắng kiện

Giáo sư Tiết Lực ca ngợi Tổng thống Rodrigo Duterte đã áp dụng một chính sách rất thức thời trong quan hệ với Trung Quốc như chúng tôi đã tóm tắt ở trên.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng với bối cảnh chính trị, thế và lực của Philippines ở thời điểm hiện tại, Philippines vẫn tận dụng và khai thác tối đa Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 cho đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao để tránh đi những nguy cơ xung đột, đối đầu.

Cho dù có nhắc đến tên Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 hay không, thì với tư cách một nhà nghiên cứu về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như người từng có kinh nghiệm đàm phán về biên giới lãnh thổ, tôi tin rằng sức sống của Phán quyết nằm ngay trong từng lập luận của Tòa Trọng tài.

Đó chính là vũ khí pháp lý rất thiện xảo nếu các bên biết khai thác, vận dụng trong bất kỳ cuộc tiếp xúc, đàm phán song phương hay đa phương nào.

Chỉ cần vấn đề đàm phán, trao đổi liên quan đến ứng dụng và giải thích Công ước ở Biển Đông, thì các lập luận trong Phán quyết Trọng tài này là vô giá. 

Bởi vì không tòa án nào mạnh bằng tòa công luận.

Hơn nữa, Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 đã tạo ra mẫu số chung trong nhận thức của các bên liên quan ở Biển Đông, cũng như dư luận khu vực và quốc tế.

Đó chính là yếu tố rất quan trong để cho các giải pháp chính trị, ngoại giao có thể phát huy được hiệu quả đích thực của chúng vào thời kỳ hậu Phán quyết Trọng tài lịch sử này.

Tất nhiên Phán quyết Trọng tài này không phải chìa khóa vạn năng cho mọi tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền.

Nhưng chí ít trong bối cảnh phức tạp hiện nay, đó chính là điểm hội tụ, cố kết các bên để đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định ở Biển Đông. 

Với những phân tích trên đây, chúng tôi thấy rằng không thể nói Philippines đã “gác Phán quyết Trọng tài” qua một bên, càng không thể chỉ trích Manila cố tình “ỉm” Phán quyết này. 

Thực chất đây cũng chính là cách ứng xử mang tính sách lược của Philippines trong quan hệ với Trung Quốc.

Không nhắc đến tên gọi, nhưng tranh thủ khai thác tối đa nội dung và lập luận của Phán quyết Trọng tài với từng tình huống cụ thể, sự vụ cụ thể liên quan tới giải thích, áp dụng Công ước.

Khi ngồi vào đàm phán với Trung Quốc, Philippines chắc chắn sẽ sử dụng nội dung và lập luận trong Phán quyết này làm căn cư pháp lý để bảo vệ cho yêu sách của họ. 

Nếu theo dõi kỹ những thông tin mới đây có liên quan đến diễn đàn tham vấn song phương giữa Trung Quốc – Philippines hay phát biểu của các nhà lãnh đạo Philippines về Biển Đông, quý bạn đọc tinh ý có thể nhận ra. 

Qua những thông tin đó, chúng ta có thể thấy rõ Philippines không mơ hồ về động cơ đích thực của Trung Quốc.

Vì vậy, hãy xem họ sẽ ứng xử như thế nào trong quan hệ với Trung Quốc trong cuộc chiến bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của họ trên Biển Đông cũng sẽ có ích rất nhiều cho các bên liên quan.

3. Tình hình Biển Đông hậu Phán quyết Trọng tài

Như đã nói từ đầu, dù bên ngoài có vẻ như yên ả nhưng thực tế tình hình Biển Đông vẫn ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn không phải vì Phán quyết Trọng tài như ý kiến của một số người. 

Tình hình Biển Đông xấu đi hay tốt hơn hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc cạnh tranh, tranh chấp vị trí địa - chính trị, đia - chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đặc biệt là việc Trung Quốc đang tính toán các thời điểm thích hợp để rút ngắn quãng đường tiến tới độc chiếm Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, để phát huy những lợi thế mà Phán quyết Trọng tài mang lại, Việt Nam cũng như các nước liên quan cần tiếp tục triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể hơn. 

Muốn làm được điều này, cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến công khai nội dung của phán quyết, coi đây là một tiền lệ có giá trị, một bài học kinh nghiệm quý giá góp phần thượng tôn pháp luật.

Các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông sẽ tận dụng giá trị pháp lý của phán quyết này để có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn. 

Đặc biệt là khai thác nội dung phán quyết để phục vụ cho việc xây dựng và ký kết được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông mà cho đến nay vẫn bị “đường lưỡi bò” ngáng trở khi đề cập đến phạm vi điều chỉnh của Bộ quy tắc đầy kỳ vọng này.

Trong ngắn hạn, ủng hộ chủ trương kiểm soát tình hình tranh chấp Biển Đông bằng việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nên chăng cần thiết lập một thiết chế khu vực (tài phán và thực thi pháp luật) để xử ký tranh chấp, kiểm soát tình hình hình.

Thiết chế này sẽ giúp khu vực không để các tranh chấp bùng nổ, tạo môi trường chính trị thuận lợi để các bên liên quan có thể cùng nhau thực hiên giải pháp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. 

Đồng thời, kiên trì thực hiện chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa vào các phương tiện pháp lý quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. 

Ủng hộ các cuộc tiếp xúc đàm phán song phương hoặc đa phương tùy theo số lượng các chủ thể có liên quan đến từng tranh chấp cụ thể. 

Nếu các cuộc đàm phán đó không thành công thì cần sử dụng đến vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế, mà hình thức và nội dung khởi kiện phải theo đúng thủ tục có liên quan đến thẩm quyền xét xử của các cơ quan này theo quy định của pháp luật quốc tế hiện hành.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://thediplomat.com/2017/07/chinas-window-of-opportunity-in-the-south-china-sea/

[2]http://www.ftchinese.com/story/001072967#adchannelID=2000

[3]http://www.globaltimes.cn/content/1057112.shtml?from=singlemessage&isappinstalled=0

Tiến sĩ Trần Công Trục