Giáo viên miền núi mòn mỏi được thuyên chuyển về đồng bằng

22/08/2017 06:53
THIÊN ẤN
(GDVN) - Các địa phương cần xây dựng và ban hành văn bản, quy định cụ thể, có tính khả thi cao trong việc thuyên chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng và ngược lại.

LTS: Sau bài viết: “Thuyên chuyển giáo viên: Ách tắc ở đâu?” đăng trên báo điện tử Quảng Ngãi ngày 29/7, là một nhà giáo - tác giả Thiên Ấn đã gửi đến Báo Điện tử giáo dục Việt Nam bài viết nhằm nêu lên quan điểm của mình về vấn đề thuyên chuyển giáo viên trong tình hiện nay.

Đồng thời, tác giả cũng cho rằng, đây là một vấn đề rất khó khăn và phức tạp, do đó các địa phương cần thống nhất, xây dựng, ban hành những văn bản, quy định rõ ràng, cụ thể, có tính khả thi cao về việc thuyên chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng và ngược lại.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, báo chí đưa tin: 63 thầy, cô giáo ở huyện miền núi Mường Lát, giáp với nước bạn Lào, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 247 km về phía Tây, bao nhiêu năm qua sống và dạy học trong điều kiện vô vàn khó khăn có nguyện vọng, mong muốn xin thuyên chuyển công tác về xuôi. 

Trong đó, nhiều người có thâm niên công tác ở nơi đặc biệt gian khó này gần 25 năm.

Cũng có không ít giáo viên từng làm hàng chục lá đơn xin thuyên chuyển mỗi khi cấp trên có thông báo làm công tác tổ chức, điều chuyển giáo viên hằng năm nhưng điều may mắn, được về nơi thuận tiện hơn vẫn chưa đến với họ. 

Nỗi lòng đau đáu, canh cánh về ước nguyện được thuyên chuyển đó không chỉ có ở một số thầy cô của huyện Mường Lát mà còn đối với hàng vạn giáo viên từ đồng bằng đang từng ngày “gieo con chữ” ở các  địa phương thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng, hải đảo trên phạm vi cả nước. 

Giáo viên công tác ở miền núi mong mỏi được chuyển công tác về đồng bằng (Ảnh minh họa: Baotintuc.vn)
 Giáo viên công tác ở miền núi mong mỏi được chuyển công tác về đồng bằng (Ảnh minh họa: Baotintuc.vn)

Trong bài viết: “Thuyên chuyển giáo viên: Ách tắc ở đâu?” đăng trên báo điện tử Quảng Ngãi ngày 29/7, phản ảnh trường hợp cụ thể:

“Chưa đầy một tháng nữa là bước vào năm học 2017-2018, cô giáo Phan Thị Tịnh, quê ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) lại phải vượt hơn 50 cây số đến Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Ba Bích, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) để giảng dạy. 

Cô Tịnh đã có 15 năm dạy học trên vùng cao Ba Tơ. Ngày đầu giảng dạy ở vùng cao, cô Tịnh cũng như nhiều đồng nghiệp đối diện với muôn vàn khó khăn. 

Mùa mưa nước sông suối chia cắt, xã Ba Bích bị cô lập cả tháng trời, các cô phải “ăn đói, nhịn khát” để trụ tại trường dạy chữ cho các em. 

Ngày ấy, xã Ba Bích thiếu giáo viên, cô Tịnh vừa phải dạy môn chính là môn Toán, vừa kiêm dạy các môn Lý, Sinh, Địa. Dù dạy chính hay dạy kiêm nhiệm, cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các hoạt động của ngành, cô đều tích cực tham gia và đạt thành tích giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. 

Cô Tịnh bộc bạch: “Dạy lâu năm ở vùng cao, mọi thứ rồi cũng quen. Nhưng giờ mẹ chồng đau nặng, mẹ đẻ thì già yếu, hai con còn nhỏ, chồng không có việc làm ổn định, bản thân thì bị tai nạn gãy tay, nên xin chuyển về quê công tác để đỡ phần đi lại và có điều kiện chăm lo cho gia đình". 

Điều kiện khó khăn là vậy, thế nhưng đến nay cô Tịnh đã 6 lần nộp hồ sơ tại nơi công tác là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ và nơi cần đến là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hành, để xin thuyên chuyển, nhưng cứ hết năm học này lại đến năm học khác vẫn không được. 

Qua khảo sát thực tế, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, có rất nhiều nữ giáo viên đã lớn tuổi mà giờ vẫn chưa lập gia đình khi công tác giảng dạy ở những vùng cao, vùng xa thuộc miền núi, hải đảo. 

Giáo viên miền núi mòn mỏi được thuyên chuyển về đồng bằng ảnh 2

Những giọt nước mắt nghẹn ngào của nhiều giáo viên Thanh Hóa

Sự mất mát, thiệt thòi về đời sống tình cảm, hạnh phúc gia đình của các nữ giáo viên ở đây không gì có thể bù đắp cho đủ. 

Chính vì vậy, các cấp quản lý giáo dục, chính quyền địa phương cần quan tâm, giúp đỡ họ nhiều hơn, nhất là xây dựng và thực hiện chính sách ưu tiên khi thuyên chuyển công tác.

Nhiều địa phương từng ban hành Quyết định về việc thuyên chuyển giáo viên đối với cán bộ, giáo viên công tác ở miền núi, hải đảo về đồng bằng và ngược lại.

Từng năm, các Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường học về việc thuyên chuyển cán bộ, giáo viên.
 
Nhưng, kết quả thực hiện không được như mong muốn, số đơn, nguyện vọng thì quá nhiều song số người được chuyển về lại chẳng mấy và càng hiếm có chuyện người đồng bằng thuyên chuyển lên miền núi. 

Bởi lẽ, quy mô, số lượng học sinh, trường lớp ở các địa phương đang có xu hướng giảm, thậm chí có một số nơi đã tính đến phương án giải thể và sáp nhập trường lớp

Trong khi, số cán bộ, giáo viên ở hầu hết cơ sở giáo dục thuộc vùng đồng bằng lại bão hòa, dư thừa, thiếu tiết dạy nghiêm trọng theo tiết chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Mặt khác, theo nguyên tắc của các địa phương đặt ra, thuyên chuyển là phải có chỗ tiếp nhận. 

Trong quá trình chuyển, giáo viên phải tự liên hệ với trường mình cần đến. Nếu trường nào có nhu cầu tuyển dụng thì giáo viên đó được chính thức chuyển. 

Với thực tế này, nhiều thầy, cô không biết trường cần đến thừa hay thiếu giáo viên, nên cứ gửi hồ sơ… còn kết quả thì vô cùng mong manh. 

Giáo viên miền núi mòn mỏi được thuyên chuyển về đồng bằng ảnh 3

Bộ Giáo dục yêu cầu Thanh Hóa dừng ngay việc điều chuyển giáo viên

Trả lời báo Quảng Ngãi gần đây, ông Nguyễn Tăng Bính, Bí thư Thành phố Quảng Ngãi có lý khi cho rằng:

“Trong số những giáo viên miền núi chuyển về thời gian qua, qua đánh giá sơ bộ nhận thấy, một số giáo viên chất lượng giảng dạy chưa cao. 

Thậm chí, có giáo viên giảng dạy chưa đạt yêu cầu về chuyên môn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. 

Vì vậy, chỉ nên ưu tiên tiếp nhận những giáo viên trước đây, chúng ta điều chuyển lên miền núi, thì bây giờ tiếp nhận họ trở về.

Do đó, tôi đề nghị cần phải xây dựng một đề án mới với quy định tiêu chuẩn như thế nào thì được chuyển, chứ không thể miền núi thiếu thì chạy lên miền núi, khi vô được biên chế rồi thì lại chuyển về đồng bằng là không phù hợp”, Ông Bính đề xuất.  

Điều mà đội ngũ giáo viên, nhất là các cán bộ, giáo viên đã công tác nhiều năm ở miền núi, hải đảo mong đợi là các địa phương cần thống nhất, xây dựng và ban hành những văn bản, quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao hơn về việc thuyên chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng và ngược lại.

Đồng thời các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo cần thông báo công khai trường nào thiếu giáo viên, thiếu cụ thể ở bộ môn nào nhằm góp phần thực hiện tốt công tác thuyên chuyển.

Đây là một vấn đề rất khó khăn và phức tạp vì liên quan, đụng chạm đến con người, công tác tổ chức nên các cấp quản lý giáo dục địa phương phải hết sức cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng mọi khía cạnh.

Cần đảm bảo các yếu tố hàng đầu: công bằng, khách quan, đồng bộ, thống nhất và “nói không” với tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình triển khai, thực hiện.   

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực của các trường, hội phụ huynh về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng!

THIÊN ẤN