Lãnh đạo chỉ đạo chống lạm thu, nhà trường vẫn bỏ ngoài tai

27/10/2017 07:07
Trương Lê
(GDVN) - Nhiều phụ huynh bức xúc vì các khoản thu đầu năm học của nhà trường không hợp lý, không minh bạch.

Nhiều khoản thu khuất tất, gây nghi ngờ

Theo phản ánh của phụ huynh học sinh trường Trung học cơ sở Lê Thuyết (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), trong năm học 2017-2018, lãnh đạo trường này đã có những khoản thu, chi không hợp lý.

Trường Trung học cơ sở Lê Thuyết có những khoản thu không minh bạch, gây nghi ngờ cho phụ huynh. Ảnh: TL
Trường Trung học cơ sở Lê Thuyết có những khoản thu không minh bạch, gây nghi ngờ cho phụ huynh. Ảnh: TL

Theo đó, khi năm học mới bắt đầu, mỗi học sinh lớp 6 mới vào trường phải đóng tiền để mua ghế nhựa trong giờ chào cờ.

Còn các học sinh lớp khác được áp đặt mua thêm đồng phục mới cho dù những đồng phục cũ vẫn còn tốt và dùng được thêm một năm học.

Trong năm học 2016-2017, mỗi em học sinh đóng 140.000 đồng tiền quỹ Hội phụ huynh.

Lãnh đạo chỉ đạo chống lạm thu, nhà trường vẫn bỏ ngoài tai ảnh 2

Đây là "thuốc chữa bệnh"... lạm thu

Tuy vậy, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm lại không thông qua các khoản thu chi của quỹ này gây nhiều hoài nghi cho phụ huynh.

Đối với Hội đại diện cha mẹ học sinh đã tiến hành thu hộ các khoản cho nhà trường dưới hình thức “tự nguyện” cũng không rõ ràng.

Trong đó có tiền bảo hiểm tai nạn, phụ huynh không hề nhận được bất cứ thông báo nào về việc này.

Đến khi họp phụ huynh đầu năm, các phụ huynh nhận được thông báo do Hiệu trưởng nhà trường đóng dấu buộc phải nộp.

Nhiều phụ huynh cho rằng họ không có nhu cầu và bức xúc trước cách làm của nhà trường nên không đóng khoản tiền này.

Trong năm học 2016-2017, học sinh đóng 30.000 đồng để mua báo đội, tuy nhiên phụ huynh cho hay, tiền đã đóng nhưng báo lại không thấy đâu.

Dù đã có ngân sách nhưng trường vẫn thu tiền vệ sinh của học sinh, trong khi nhà vệ sinh lúc nào cũng bẩn thỉu.

Chuyển tiền mua báo thành tiền xã hội hóa để xây dựng nhà xe

Ông Trần Văn Bình – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lê Thuyết cho hay, những khoản đóng góp đều thông qua Hội phụ huynh học sinh.

Cụ thể, trước năm học mới, nhà trường cùng với Hội phụ huynh học sinh họp với phụ huynh để thông qua các khoản thu chi đầu năm.

Lãnh đạo chỉ đạo chống lạm thu, nhà trường vẫn bỏ ngoài tai ảnh 3

Ậm ừ chuyện lạm thu, Hiệu trưởng trường Kim Đồng vẫn kêu bị vu khống

Tại đây, nhà trường cùng với Hội phụ huynh học sinh sẽ thông qua các khoản thu hộ mà hội này sẽ thu.

Cụ thể, hội này sẽ thu hộ tiền bảng tên, học bạ, tiền vệ sinh, ghế ngồi chào cờ (với lớp 6), đồng phục, bảo hiểm tai nạn. Sau cuộc họp này các lớp sẽ họp lại một lần để thống nhất các khoản thu.

Trả lời câu hỏi có hay không sự mập mờ trong các khoản chi của tiền quỹ phụ huynh khi giáo viên không công khai số tiền đã chi?

Ông Bình giải thích rằng, trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo với phụ huynh. Tuy nhiên, thủ quỹ lại không in hóa đơn các mục chi cụ thể khiến nhiều phụ huynh thắc mắc.

Trong bản danh sách phụ huynh đóng tiền quỹ hội phụ huynh trong năm học trước mà ông Bình cung cấp cho phóng viên có nhiều phụ huynh tuy đã đóng nhưng lại không hề có chữ ký.

Với trường hợp có chữ ký thì nét chữ lại hoàn toàn giống nhau, số tiền đóng cũng không đều nhau.

Ông Bình giải thích rằng, mặc dù đã đóng tiền nhưng phụ huynh... quên ký và phủ nhận nét chữ trong giấy đóng tiền là của một người.

Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi về tổng số tiền quỹ phụ huynh nhưng ông Bình nói  không nắm được số tiền đã thu là bao nhiêu, cũng như không chắc việc thu có hóa đơn hay không vì đây là số tiền mà nhà trường chỉ thu hộ.

Trong năm học trước mỗi học sinh đóng 30.000 đồng/học sinh tiền báo đội thế nhưng đến nay báo lại không về với học sinh?

Ông Bình lý giải rằng, vì số lượng học sinh ít nên cuối năm học 2016-2017, ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị dùng số tiền này để làm việc khác. Theo ông Bình thì đây là việc làm xã hội hóa.

“Ban đại diện cha mẹ học sinh nói trả lại tiền đã thu để mua báo nhưng vì nhận thấy nhà xe của trường chưa được đảm bảo nên chúng tôi đã dùng số tiền này để xây nhà xe với số tiền hơn 6 triệu đồng”, ông Bình nói. 

Với khoản tiền đóng bảo hiểm tai nạn, hiệu trưởng trường thông tin hiện đã có 62 em đóng với mức 60.000 đồng/học sinh.

Trả lời câu hỏi tại sao trong thông báo gửi về các lớp liên quan đến tiền bảo hiểm lại có chữ ký của Hiệu trưởng thì ông Bình thừa nhận có sơ suất khi đã gộp luôn vào các khoản tiền khác.

Thời gian tới trường sẽ tách ra tránh gây hiểu nhầm cho phụ huynh.

Trước đó, ngày 29/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi đến sở Giáo dục và Đào tạo, sở Kế hoạch Đầu  tư, sở Tài chính và các trường học trên địa bàn tỉnh về việc  chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học 2017 – 2018.

Công văn nêu rõ, nhà trường thực hiện các khoản thu đầu năm học theo đúng quy định, phổ biến, minh bạch, công khai các khoản thu đến toàn thể phụ huynh và học sinh về các khoản thu bắt buộc, thỏa thuận, tự nguyện, mức thu sau khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được biết.

Tuy vậy ông Bình cho biết chưa nhận được công văn này vì mới lên làm Hiệu trưởng và bận đi học nên chưa nắm được nội dung của công văn (!?).

Trương Lê