Tổng thống Trump khuyên Nhật Bản bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu bay qua lãnh thổ

06/11/2017 05:19
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Tôi không thể hiểu tại sao một quốc gia của những chiến binh samurai lại không bắn hạ tên lửa của Triều Tiên khi chúng bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

The Japan Times, ngày 5/11 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Nhật Bản để bắt đầu lịch trình thăm 5 nước châu Á trong chuyến công du của ông.

Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One từ Hawaii đến Nhật Bản, ông Trump cho biết:

Các mối đe dọa từ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một trọng tâm trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày thứ Hai, cũng như với các nhà lãnh đạo của các nước châu Á khác khi ông đến thăm.

“Chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là ‘vấn đề lớn’ đối với Hoa Kỳ và cả thế giới.

Vấn đề này sẽ được làm nổi bật trong các cuộc hội đàm tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân (Ảnh: Guardia)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân (Ảnh: Guardia)

Ông Trump còn nhấn mạnh rằng:

Nhật Bản cần phải bắn hạ các tên lửa của Triều Tiên khi chúng bay qua lãnh thổ, và Hoa Kỳ sẽ cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc tìm kiếm một mặt trận thống nhất để chống lại những thách thức từ Bình Nhưỡng.

“Tôi không thể hiểu tại sao một quốc gia của những chiến binh samurai lại không bắn hạ tên lửa của Triều Tiên khi chúng bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Chuyến đi này, tôi muốn tạo ra một mặt trận thống nhất để giải quyết vấn đề khủng hoảng Triều Tiên”, ông Trump nói.

Khi được hỏi về giải pháp hiện nay mà Hoa Kỳ hướng tới để giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump tuy không đưa ra chi tiết về ý định của mình, nhưng lại có cách nói thể hiện quan điểm cứng rắn mà trước đó ông đã từng cảnh báo sẽ “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” để bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh.

“Mỹ đã lãng phí 25 năm để đàm phán nhưng không đem lại kết quả, mà càng làm cho vấn đề trầm trọng thêm, vì vậy, chúng tôi đang thực hiện một cách tiếp cận khác”, ông Trump cho biết. [1]

Bên cạnh đó, ông Trump còn lưu ý rằng, Washington sẽ “quyết định sớm” về việc có nên đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố hay không.

Hồi tuần trước, ông HR McMaster, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ cũng cho biết:

Hoa Kỳ đang xem xét lại việc Triều Tiên là một nhà tài trợ cho khủng bố, vì nước này dường như phù hợp với các tiêu chí đã được xác định sau vụ ám sát ông Kim Jong-nam hồi đầu năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại căn cứ không quân Yokota (Ảnh: Yonhap)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại căn cứ không quân Yokota (Ảnh: Yonhap)

Triều Tiên từng bị đưa vào danh sách tài trợ khủng bố vào năm 1988 sau vụ hai điệp viên Triều Tiên gài bom làm nổ tung chiếc máy bay chở khách Boeing 707-3B5C thuộc hãng hàng không Korean Air của Hàn Quốc, khiến 115 người trên chuyến bay thiệt mạng.

Tuy nhiên, đến năm 2008, Triều Tiên đã được đưa ra khỏi danh sách này, sau khi đạt được những tiến bộ về thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong các cuộc đàm phán sáu bên. [2]

Nếu lần này Hoa Kỳ tiếp tục đưa Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố, nước này sẽ phải đối mặt với những hạn chế viện trợ từ nước ngoài, cấm nhập khẩu hoặc bán các khí tài quốc phòng, cũng như các biện pháp trừng phạt tài chính khác.

Thế nhưng, theo một số chuyên gia, việc đưa Triều Tiên vào danh sách tài trợ khủng bố có lẽ cũng chỉ mang tính biểu tượng, vì Triều Tiên đã cho thấy khả năng “miễn nhiễm” với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Cùng diễn biến tương tự, tờ Guardian đưa tin, sau khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Yokota gần Tokyo, ông Trump đã có bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ đóng tại Nhật Bản.

Trong bài phát biểu của mình, mặc dù ông Trump không nhắc đến cái tên Triều Tiên, nhưng những lời nói của ông được xem là ám chỉ Bình Nhưỡng:

“Không ai và không nước nào được phép xem thường sự kiên quyết của Mỹ. Trong quá khứ họ đã coi thường chúng ta.

Chúng ta sẽ không bao giờ gục ngã trong việc bảo vệ người dân, sự tự do và lá cờ Mỹ vĩ đại.

Chúng ta phải xử lý vấn đề này, không ai được đánh giá thấp sự giải quyết của Mỹ”, ông Trump nói.

Ông Trump cũng đưa ra những lời khen ngợi dành cho các quân nhân Mỹ, và khen Nhật Bản là “đối tác quý giá, đồng minh chủ lực” cho an ninh khu vực trong suốt 60 năm qua.

Đồng thời, đưa ra tuyên bố với hàm ý nhắm đến Bình Nhưỡng rằng:

“Quân đội Mỹ luôn chiến thắng. Đó là di sản của quân đội Mỹ, lực lượng vĩ đại của tự do và công lý mà thế giới biết đến”.

Khi phóng viên hỏi về khả năng Triều Tiên có thể sẽ có hành động khiêu khích trong thời gian Tổng thống Donald Trump thăm khu vực, ông Trump nói:

“Chúng tôi sẽ sớm phát hiện ra và có sự đáp trả thích đáng”.

Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết, ông đang có kế hoạch gặp Tổng thống Nga Putin trong chuyến công du lần này, có thể ở bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

“Tôi nghĩ rằng, tôi và ông Putin sẽ gặp nhau. Chúng tôi muốn có sự giúp đỡ của ông ấy để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên”, ông Trump nói. [3]

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: CNN)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: CNN)

Chuyến công du châu Á của ông Trump diễn ra trong thời điểm cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên đang có những diễn biến phức tạp và khó lường.

Mới đây, Hoa Kỳ tiếp tục cho hai máy bay ném bom hoạt động gần không phận Triều Tiên.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại cho thấy những dấu hiệu của một vụ thử tên lửa mới cùng tuyên bố “sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán về vấn đề hạt nhân”.

Dự kiến trong cuộc hội đàm diễn ra vào ngày 6/11, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng nhau chia sẻ mối quan tâm của họ về các vấn đề an ninh hàng hải, các hoạt động mở rộng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, và thống nhất tầm quan trọng về một khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa” trước khi thúc giục các nhà lãnh đạo khác khẳng định như vậy.

Hai bên cũng sẽ nhấn mạnh về sự hợp tác bền vững giữa hai nước đối với các vấn đề kinh tế và thương mại.

Ngoài ra, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ được hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian để bàn thảo.

Hiện tại ông Shinzo Abe đang cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách của ông Trump trong việc gây áp lực mạnh mẽ lên Triều Tiên, cũng như sẵn sàng cho một hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, một đồng minh khác của Mỹ là Hàn Quốc lại có quan điểm tiếp cận trái ngược, khi luôn kêu gọi về một giải pháp hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Bởi vậy, cuộc hội đàm giữa ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 7/10 sẽ quyết định đến việc có tạo được một mặt trận thống nhất giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc chống Triều Tiên như ý định của ông Trump hay không.

Sau hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản, ông Trump dự kiến ​​sẽ gặp gỡ thân nhân của một số công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970 và 1980.

Sau đó sẽ rời Nhật Bản để đến thăm Hàn Quốc. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1] The Japan Times/ Trump said Japan should have shot down overflying North Korea missiles.

[2] Yonhap / Trump says U.S. will 'decide soon' on relisting N. Korea as terrorism sponsor.

[3] The Guardia/ Donald Trump warns 'dictators' as Japan visit launches Asia tour.

[4] The Japan Times/ Trump calls Japan ‘crucial ally’ after arriving for first leg of Asia tour.

PHẠM DOÃN TÌNH