Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ”

06/01/2018 06:38
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Phải hiểu tích hợp là gì? Đó không phải là gán ghép một cách cơ học một bộ phận của môn này với bộ phận của môn khác. Như vậy không phải là tích hợp.

LTS: Tiếp theo bài viết “Tích hợp” Lịch sử và Địa lí, nhóm biên soạn mới nghĩ được 4 chủ đề?, tác giả Nguyễn Nguyên gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phần 2.

Phần này, tác giả nhìn lại quá trình đề xuất tích hợp Lịch sử với các môn khác nhau không dựa trên cơ sở khoa học nào.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Kể từ ngày 2/9/1945, dân tộc ta được độc lập, nền giáo dục mới của nước nhà được hình thành và phát triển. 

Từ đó đến nay, giáo dục Việt Nam đã có nhiều lần thay đổi sách giáo khoa nhưng có lẽ chưa bao giờ số phận môn Lịch sử lại trở nên hẩm hiu, chông chênh như bây giờ. 

Người học thì quay lưng với môn Lịch sử, những người có trách nhiệm kiến tạo nền giáo dục nước nhà thì đang “cố gắng” để môn Sử trở thành phân môn của môn học tích hợp. 

Môn Sử bỗng dưng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ ý đem gán ghép với nhiều môn học khác.

Vì sao giáo viên phản đối?

Chủ trương tăng cường dạy học tích hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chương trình môn học mới chúng tôi không phản đối, bởi đó là xu thế của giáo dục thể giới và cũng phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo. 

Ngày 15/11/2015 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tích hợp Lịch sử với một số môn học khác. Ảnh: Báo Nhân Dân.
Ngày 15/11/2015 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tích hợp Lịch sử với một số môn học khác. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Điều chúng tôi không đồng tình là cách tích hợp mà ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới đã và đang thực hiện. 

Nhiều năm qua, thay vì tăng cường đào tạo và bồi dưỡng phương pháp dạy học tích hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tập trung vào việc tích hợp môn học bằng cách gán ghép chúng lại với nhau một cách cơ học.

Nếu tích hợp theo kiểu Bộ đang làm, có nghĩa là một giáo sinh Lịch sử phải học thêm Địa lý, và ngược lại;

Một giáo sinh Vật lý phải học thêm Hóa học, Sinh học và ngược lại, để có thể đảm nhiệm các phân môn còn lại.

Vấn đề là chúng tôi chưa thấy chủ đề nào tích hợp thực sự trong 2 môn mới ở trung học cơ sở, nhất là 2 môn này đã xuất hiện ở lớp 4, lớp 5 bậc tiểu học chỉ là sự gán ghép chủ quan, khiên cưỡng.

Nhưng ngay cả trong trường hợp tích hợp cơ học, suốt mấy năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa hề đả động gì đến việc đào tạo giáo viên.

Các mã ngành đào tạo giáo viên tích hợp trong năm học này ở các trường sư phạm cũng chưa thấy mở. Những người biên soạn vẫn chủ trương 2-3 thầy cô dạy 1 môn học. 

Thế nhưng, nội dung chuẩn bị môn học cũng chưa đâu vào đâu. Cả 4 năm của cấp trung học cơ sở mà thầy Nghiêm Đình Vỳ- thành viên ban soạn thảo môn Lịch sử và Địa lí chia sẻ là “đã nghĩ được 4 chủ đề tích hợp”!?

Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ” ảnh 2

Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm

Còn nhớ, khi còn là Vụ phó Vụ trung học phổ thông, Phó giáo sư Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống cũng đã lường thấy được những khó khăn:

“Hạn chế chủ yếu của việc tích hợp thuộc về trình độ của các nhà thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa. 

Nếu tích hợp không tốt sẽ chỉ là hình thức, không có tác dụng và không đạt được mục tiêu tích hợp. 

Việc tích hợp cũng sẽ không bảo đảm được yêu cầu về tính hệ thống của khoa học tương ứng với mỗi môn học. 

Với hiện trạng của nhà trường Việt Nam, việc tích hợp cũng là một thách thức đối với trình độ giáo viên, nhất là những giáo viên có thói quen dạy môn học độc lập quá lâu” [1].

Ngay trước thềm công bố chương trình môn học mới, Phó giáo sư Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ- thành viên ban biên soạn sách giáo khoa mới cũng đã băn khoăn: 

“Điều khó khăn mà nhóm biên soạn dự đoán khi tích hợp Lịch sử thế giới với Lịch sử Việt Nam, học sinh sẽ khó hệ thống kiến thức xuyên suốt theo tiến trình phát triển của Lịch sử. 

Để khắc phục, trong sách giáo khoa mỗi lớp sẽ có bài khái quát về lịch sử thế giới ở cuối khóa trình.

Mặt khác, giáo viên cần có sự thay đổi về phương thức dạy học để học sinh tự nhận định, đánh giá. 

Việc giảng dạy môn Lịch sử không không chỉ đề cập các vấn đề của lịch sử đất nước và trên thế giới mà còn liên hệ với đời sống hiện nay” [2].

Ngày 15/11/2015 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tích hợp Lịch sử với một số môn học khác. Ảnh: Thu Hà / Báo Nhân Dân.
Ngày 15/11/2015 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tích hợp Lịch sử với một số môn học khác. Ảnh: Thu Hà / Báo Nhân Dân.

Chính từ những khó khăn như thế, nếu Bộ cứ khăng khăng “tích hợp” thì trước tiên những người trong ban biên soạn đã được Bộ “chọn mặt gửi vàng” phải làm cho dư luận đồng tình với cách mình đang làm trước đã. 

Ông cha ta từng dạy: “có bột mới gột nên hồ” trong khi “bột” chưa đâu vào đâu thì liệu có nên “hồ” được hay không? 

Bởi thực tế nội dung tích hợp thì chưa đủ thuyết phục, giáo viên được đào tạo chuyên môn tích hợp chưa có, học sinh thì “khó hệ thống kiến thức xuyên suốt” thì lấy gì để đảm bảo môn học này sẽ mang lại hiệu quả và kì vọng như những mà xã hội đang mong đợi?

Các nhà khoa học lên tiếng, khi môn Sử bị “ép duyên”

Tháng 8 năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới lần thứ nhất. 

Theo bản dự thảo này, cấp tiểu học gộp Lịch sử với Địa lí thành môn Lịch sử và Địa lí; ở cấp trung học cơ sở gộp môn Lịch Sử với một số môn xã hội khác để gọi thành cái tên Khoa học Xã hội;

Và lên cấp trung học phổ thông môn Lịch sử cùng môn Giáo dục công dân- Quốc phòng an ninh thành môn học mới có tên là Công dân với tổ quốc. 

Thế nhưng, khi dự thảo được công bố thì hàng loạt nhà khoa học, nhà giáo trong cả nước phản đối kịch liệt. Bởi ai cũng biết từ một chủ trương đúng của Đảng đã trở thành một cuộc “cưỡng hôn kì lạ” chưa từng có bao giờ.

Việc đề xuất môn Lịch sử trở thành phân môn cho môn tích hợp đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận, đặc biệt là các nhà khoa học. 

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: 

Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ” ảnh 4

Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

“Giáo dục công dân hay giáo dục An ninh Quốc phòng có thể lấy một vài sự kiện, kiến thức lịch sử để xây dựng bài học theo mục đích của môn đó. 

Nhưng lịch sử còn rất nhiều những vấn đề, sự kiện khác không thể ghép vào các môn kia, vì vậy tôi không hình dung được là chúng ta sẽ tích hợp như thế nào” [3]. 

Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã chia sẻ: 

“Không thể nói, lịch sử có trong môn Văn học, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng… mà tích hợp vào những môn đó. 

Không thể “xé nát” môn Lịch sử ra để mỗi môn học giảng dạy một chút.

Giáo dục lịch sử có tính đặc thù, phải được tiến hành một cách hệ thống, được thực hiện bởi đội ngũ những nhà chuyên môn được đào tạo một cách chuyên nghiệp, với những phương pháp dạy học đặc trưng, chứ không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể giảng dạy được môn học này” [3]. 

Đồng quan điểm việc không tán thành việc gộp môn Lịch sử với một số môn học khác thành môn tích hợp, Phó giáo sư Tiến sĩ Văn Như Cương cho rằng:

"Để tiến hành công việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu kỹ, chứ không phải thấy người ta làm mình cũng làm. 

Việc chúng ta gán cho nó dưới danh nghĩa là tích hợp mà chưa có sẵn những tiền đề để thực hiện vô tình biến sự việc trở nên quá ôm đồm, to tát" [3]. 

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê - một trong những chuyên gia đầu ngành của Lịch sử nước nhà thì nói: 

“Việc tích hợp Sử với môn khác là xu thế của giáo dục hiện đại, Hội không phản đối mà còn ủng hộ vì sử học có mối quan hệ với các ngành khác. 

Nhưng phải hiểu tích hợp là gì? Đó không phải là gán ghép một cách cơ học một bộ phận của môn này với bộ phận của môn khác. Như vậy không phải là tích hợp mà là sự cắt xén và gán ghép cơ học” [4].

Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ” ảnh 5

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

Sự việc không tán đồng gộp dồn một số môn học, trong đó có môn Lịch sử để thành môn tích hợp đã trở thành cao trào. 

Vì thế, tại hội thảo “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15/11/2015 ở Hà Nội đã có nhiều ý kiến trái chiều, căng thẳng đến mức chính thầy Nghiêm Đình Vỳ phải thốt lên: 

“Tôi từng điều hành nhiều hội thảo nhưng chưa hội thảo nào như hội thảo này” [5].

Từ những phản biện gay gắt, xác đáng của giới khoa học và thầy cô giáo đang giảng dạy môn Lịch sử trên cả nước nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đành phải gác lại việc tích hợp môn Lịch sử- Giáo dục công dân- Quốc phòng an ninh thành môn học mới có tên là “Công dân với tổ quốc” ở cấp trung học phổ thông.

Nhưng trong phiên bản 2, các nhà biên soạn vẫn “ép duyên” môn Lịch sử với môn Địa lí thành môn học có tên rất kì lạ: Lịch sử và Địa lí từ lớp 4 của cấp tiểu học đến lớp 9 cấp trung học cơ sở.

Bài học thất bại của sách giáo khoa hiện hành vẫn đang hiện hữu

Câu chuyện “tích hợp” môn học đang trong quá trình chuẩn bị và sẽ được hoàn thành và đưa vào áp dụng trong vài năm tới. 

Khi những cuốn sách giáo khoa hoàn thiện cũng đồng nghĩa kết thúc một dự án và khi đó, những người biên soạn sách giáo khoa sẽ hoàn thành công việc của mình. 

Những sai sót, bất cập trong giảng dạy lại là nhiệm vụ của những người khác. Rồi có thể người ta sẽ lại đẻ ra các dự án trăm tỉ, ngàn tỉ để chỉnh lí, bổ sung như chương trình sách giáo khoa hiện hành…

Chúng tôi cho rằng muốn có một bộ sách giáo khoa tốt phải xuất phát từ nhận thức đúng. Khi đã nhận thức đúng sẽ mang đến một tư duy đúng. 

Sự đổi mới nào cũng quan trọng, nhất là đổi mới của ngành giáo dục bởi nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ và liên quan đến hàng triệu con người.  

Cho dù những năm qua, học sinh xem nhẹ môn Sử, chưa chú tâm với môn Sử, nhưng với một đất nước có hàng nghìn năm phải đối mặt với họa xâm lăng thì việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các em học sinh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Vì thế, môn Lịch sử phải là một môn học độc lập như hiện nay, những người biên soạn không thể tùy hứng gán ghép môn học này với môn học khác để thành môn học “tích hợp” một cách giản đơn như phép tính cộng đơn thuần trong toán học!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baotintuc.vn/giao-duc/ly-giai-ve-viec-tich-hop-mon-lich-su-20151202174334779.htm&usg

[2]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/mon-lich-su-trong-sach-giao-khoa-moi-se-thay-doi-nhu-the-nao-713355.vov

[3]https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tich-hop-mon-hoc-lich-su-su-cong-gop-song-suong/644551.antd&usg

[4]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-phan-huy-le-gioi-su-hoc-khong-quay-lung-voi-tich-hop-3325021.html&h

[5]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tich-hop-mon-lich-su-bo-gd-dt-bi-chi-trich-du-doi-20151115223542772.htm&usg

Nguyễn Nguyên