Ngày cuối năm, nhớ những lời giáo huấn của cụ Hồ

15/02/2018 07:49
Xuân Dương
(GDVN) - Chào đón năm mới, nhắc lại một vài giáo huấn của Hồ Chủ tịch với hy vọng Đảng, Nhà nước và dân chúng làm theo đúng những gì Người căn dặn trước lúc đi xa.

Chỉ còn hôm nay nữa, gần trăm triệu người Việt trong nước và kiều bào ở nước ngoài sẽ cùng nhau chào Xuân Mậu Tuất.

Hà Nội sẽ có hơn 30 điểm bắn pháo hoa, mỗi quận huyện ít nhất cũng có một điểm.

Có người mua cây bưởi, gốc đào giá vài chục triệu, có người gặp nhau hỏi “Tết ông/bà chuẩn bị đến đâu?”.

Người Việt ngày nay, chỉ cần một buổi đi chợ là sắm đủ hàng tết, đâu còn cảnh tích trữ tem phiếu, xếp hàng cả ngày mua mấy lạng thịt về gói bánh chưng.

Người Việt ngày nay cũng không hỏi nhau “Ăn tết thế nào” bởi chuyện “ăn” không còn là nỗi lo lắng với phần lớn gia đình, trừ một số vùng khó khăn hoặc nơi bị thiên tai tàn phá.

Khi vật chất không còn là nỗi lo lớn nhất thì tinh thần lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Cả nước vẫn còn hơn nửa triệu liệt sĩ chưa xác định được danh tính trong đó có khoảng 300.000 đã được quy tập về nghĩa trang và 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.

Thế có nghĩa là có hơn nửa triệu gia đình vẫn đau đáu nỗi niềm về nơi an nghỉ cuối cùng của thân nhân, vẫn đón xuân mới trong niềm vui chưa trọn vẹn.

Tư tưởng nhân đạo của Hồ Chủ tịch là nhân đạo với tất cả mọi người, trừ những loài sâu mọt đục khoét đất nước, làm suy giảm niềm tin của dân vào thể chế. Ảnh đăng trên hagiangtv.vn
Tư tưởng nhân đạo của Hồ Chủ tịch là nhân đạo với tất cả mọi người, trừ những loài sâu mọt đục khoét đất nước, làm suy giảm niềm tin của dân vào thể chế. Ảnh đăng trên hagiangtv.vn

Gần cuối năm nhận được thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải ban hành quy trình xác định danh tính liệt sĩ trong thời gian sớm nhất.

Ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nhiều việc được giao đã lâu nhưng tiến triển rất chậm, các đồng chí phải rất khẩn trương, làm rõ nguyên nhân chậm ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm. [1]

Xác định danh tính hơn nửa triệu liệt sĩ không chỉ là vấn đề tâm linh, là đòi hỏi chính đáng của gia đình các liệt sĩ mà cũng còn là trách nhiệm, là đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt, vậy tại sao lại có tình trạng “Nhiều việc được giao đã lâu nhưng tiến triển rất chậm”?

Do thiếu kinh phí, thiếu thông tin, do địa bàn trải rộng cả bên ngoài biên giới quốc gia hay do ý thức chưa cao của những người chịu trách nhiệm?

Người Việt vốn bao dung, không trách cứ sự chậm trễ này, nhiều gia đình tự bỏ tiền đi tìm phần mộ liệt sĩ, đáng tiếc là cách tìm thiếu căn cứ khoa học ấy mang lại nỗi buồn nhiều hơn niềm vui.

Ngày cuối năm, nhớ những lời giáo huấn của cụ Hồ ảnh 2Hạnh phúc của dân tộc là gì?

Bao dung đôi khi được người ta hiểu không trọn vẹn, không ít người coi bao dung đồng nghĩa với sự nương nhẹ giống như câu thành ngữ “Chín bỏ làm mười” trong tiếng Việt.

Chúng ta, những người đang sống liệu có nên ỷ lại vào sự bao dung ấy để chậm trễ thêm nữa?

Những người chịu trách nhiệm có phải chỉ là chưa hoàn thành nhiệm vụ hay còn điều gì hơn thế, có nên cứ để cho thân nhân của hơn nửa triệu liệt sĩ cứ mòn mỏi chờ đợi, nhất là những ông bố, bà mẹ đã bước vào tuổi xưa nay hiếm?

Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch từng nói: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. [2]

Tư tưởng nhân đạo của Hồ Chủ tịch là nhân đạo với tất cả mọi người, trừ những loài sâu mọt đục khoét đất nước, làm suy giảm niềm tin của dân vào thể chế.

Nhân đạo theo ý của Người cũng là sự bao dung nhưng là bao dung một cách lý trí.

Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người” phải chăng cũng mang ý nghĩa, tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ tịch.

Cách đây không lâu, ngày 24/3/2017 Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng nguyên văn một số bản di chúc của Hồ Chủ tịch, bản đầu tiên viết năm 1965, các bản sửa chữa, bổ sung sau đó và bản cuối cùng công bố chính thức năm 1969 là tổ hợp từ các bản trước đó.

Các bản di chúc này có thể tìm thấy trong cuốn “Hồ Chí Minh - Biên niên sử - tập 10” (thời kỳ từ 1/1967 đến 2/9/1969).

Trong bản di chúc đầu tiên viết ngày 15/5/1965 và bản viết ngày 10/5/1969, đoạn về việc riêng Hồ Chủ tịch viết:

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”.

Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”… [3]

Ngày cuối năm, nhớ những lời giáo huấn của cụ Hồ ảnh 3Chào 2018 - Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng

Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Cụ Hồ viết bản di chúc đầu tiên, đọc những lời Người viết càng thấm thía nhân cách, đạo đức, tầm nhìn xa trông rộng của Người.

Điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chủ tịch là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trong những mong muốn của Người “hoà bình, thống nhất, độc lập” đã thành hiện thực, “dân chủ và giàu mạnh” là những định hướng đã được khẳng định qua các kỳ đại hội Đảng kể từ Đại hội lần thứ 10: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Để xây dựng một xã hội lý tưởng như vậy, điều quan trọng nhất là toàn dân đồng lòng, là chủ trương đúng đắn và sự gương mẫu của người lãnh đạo.

Mấy chục năm qua, niềm tin của dân vào thể chế có suy giảm nhưng chưa mất, chủ trương đúng đắn có nhiều nhưng không phải là không có sai lầm như trong việc hình thành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà đến nay hậu quả ta đang phải khắc phục.

Vấn đề yếu nhất là sự gương mẫu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ cao cấp.

Phải chăng chúng ta đang “nhân đạo quá” nên có kẻ phá hoại kinh tế, phá hoại hình ảnh đất nước, chạy trốn ra nước ngoài vẫn xin được xuất ngoại chăm sóc vợ con?

Ngày cuối năm, nhớ những lời giáo huấn của cụ Hồ ảnh 4Đón Xuân, mừng Đảng, nhớ lời Bác dạy

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng bị kỷ luật cảnh cáo.

Trả lời báo chí ông Dũng nói: “Tôi nghỉ hưu rồi, họ muốn xử sao thì xử".

Đại từ “họ” được sử dụng trong câu nói này cho thấy người này đã tự tách mình khỏi tổ chức, đã không xem mình còn là đảng viên, vậy khi nào sẽ khai trừ ông ta khỏi đảng?

Một câu nói rất khó nghe, đùa giỡn với kỷ luật cho thấy “kỷ luật” không làm người ta sợ. Nếu “kỷ luật” chỉ là đánh vào danh dự thì dường như không có tác dụng.

Phải chăng vì thế hơn 70 năm trước Hồ Chủ tịch đã nói “giết đi một con sâu” để “cứu cả rừng cây”?

Mức độ kiên quyết trong chỉ đạo của Người về phòng chống tham nhũng đã giữ cho hình ảnh người Đảng viên không bị tổn hại.

Đã là sâu hại thì phải “giết” chứ không có chuyện “rút kinh nghiệm sâu sắc”  hay “nghiêm túc kiểm điểm”.

Cùng với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, liệu có ai nghĩ chúng ta nên có một cuộc kiểm điểm xem những gì mà Người căn dặn chưa được “học tập”, chưa được “làm theo”, có gì đó mà thế hệ hôm nay chưa làm đúng mong muốn của người?

Kết thúc năm Đinh Dậu với những thành tích chưa từng có về kinh tế nhưng thật lòng mà nói, nếu phong trào “Lò nóng - Củi tươi” được phát động từ hơn chục năm trước, ngay khi Đại hội X khẳng định chiến lược phát triển: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đâu chỉ hơn 400 tỷ USD, và có lẽ Đảng cũng không phải kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp, trong đó có cả Ủy viên Bộ chính trị.

Trong không khí rộn ràng chào đón năm mới, nhắc lại một vài giáo huấn của Hồ Chủ tịch với hy vọng Đảng, Nhà nước và dân chúng làm theo đúng những gì Người căn dặn trước lúc đi xa.

Không làm được việc đó, chẳng phải chúng ta có lỗi với Người, có lỗi với chính thế hệ mình?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Khan-truong-hoan-thien-quy-trinh-xac-dinh-danh-tinh-liet-si/324405.vgp

[2]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/869193/giu-nghiem-ky-luat---tu-tu-tuong-ho-chi-minh-den-quyet-tam-cua-dang-ta-hien-nay

[3]http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/tieu-su/books-191820152384256/index-0918201523332569.html

Xuân Dương