Indonesia muốn mời Australia gia nhập ASEAN, tuần tra chung trên Biển Đông

17/03/2018 07:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Indonesia đã vận động hành lang các nước Đông Nam Á thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải chung trong "vùng biển tranh chấp" ở Biển Đông nhằm cải thiện an ninh.

Reuters ngày 16/3 đưa tin, Indonesia đã vận động hành lang các nước Đông Nam Á thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải chung trong "vùng biển tranh chấp" ở Biển Đông nhằm cải thiện an ninh.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm thứ Sáu cho hay, nước này không phải một bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng va chạm với Trung Quốc về các quyền đánh bắt cá trên vùng biển (đặc quyền kinh tế) quanh quần đảo Natuna.

Điều đó đã dẫn tới việc Jakarta phải mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trên quần đảo, đổi tên vùng biển (đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) phía bắc quần đảo này thành biển Bắc Natuna.

Ông Ryacudu phát biểu điều này trong cuộc họp báo chung tại Australia trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Úc. 

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia ông Ryamizard Ryacudu, ảnh: ABC News.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia ông Ryamizard Ryacudu, ảnh: ABC News.

Mặc dù không phải quốc gia thành viên, nhưng Australia đăng cai tổ chức cuộc họp này vì muốn thắt chặt quan hệ chính trị, thương mại với ASEAN trước bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho hay:

"Về Biển Đông, tôi đã trao đổi với các Bộ trưởng Quốc phòng của các nước bạn bè ASEAN, rằng mỗi nước ven Biển Đông nên tuần tra khoảng 200 hải lý, khoảng 230 km.

Nếu chúng ta nhìn vào (biên giới) từ Việt Nam xuống Indonesia và từ Philippines, chúng ta có thể thấy mình có thể làm (việc tuần tra) được một nửa Biển Đông, khu vực chúng ta định tuần tra."

Trung Quốc tuyên bố cái gọi là chủ quyền với phần lớn Biển Đông và đang xây dựng, quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo trên các rặng san hô. Một số đảo nhân tạo đã xây xong cầu cảng và đường băng khiến các nước ASEAN lo ngại.

Quốc gia này cũng đang nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông và đưa chiến đấu cơ Su-35 xuống tuần tra.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN này sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các thành viên ASEAN với Australia và chống lại mối đe dọa từ các phần tử Hồi giáo cực đoan trở về từ Trung Đông.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ảnh: EPA.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ảnh: EPA.

Ngoại trưởng Australia bà Julie Bishop cho biết, Canberra sẽ rất nghiêm túc xem xét bất kỳ lời mời nào về việc Australia chính thức gia nhập ASEAN, một động thái được Tổng thống Indonesia Joko Widodo ủng hộ. [1]

Tổng thống Joko Widodo đã gây ra một loạt các tin đồn ngày 16/3 khi ông đề nghị Australia nên gia nhập ASEAN. Ông nói với Fairfax, sẽ là ý tưởng tốt để Australia gia nhập ASEAN.

Theo ông, Australia sẽ mang lại ổn định cho khu vực ASEAN nhiều hơn về chính trị và kinh tế.

Thủ tướng Australia, Malcolm Turbull, trả lời truyền thông rằng, ông sẽ thảo luận với Tổng thống Joko Widodo về chuyện này nếu ông Widodo nêu vấn đề ra với mình. [2]

Nguồn:

[1]http://www.gmanetwork.com/news/news/nation/646894/indonesia-pushes-for-southeast-asian-patrols-of-disputed-waters/story/

[2]https://www.theguardian.com/world/2018/mar/16/indonesia-says-it-would-be-a-good-idea-for-australia-to-join-asean

Hồng Thủy