Ông Trần Đình Bá đề nghị lãnh đạo Cục Hàng không nên có văn hoá từ chức

05/05/2018 07:09
Vũ Phương
(GDVN) - Chuyên gia Trần Đình Bá cho rằng, ở nhiều nước khi xảy ra liên tiếp sự cố hàng không như Vietnam Airlines thì sẽ có lãnh đạo từ chức.

Vụ máy bay hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) vào chiều 29/4 khiến không ít người lo lắng về sự an toàn cho bản thân và gia đình khi sử dụng dịch vụ của Vietnam Airlines.

May mắn đã mỉm cười với 203 hành khách trên chuyến bay số hiệu VN -7344 của hãng hàng không Vietnam Airlines, chỉ có động cơ, cánh máy bay bị hư hỏng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia thì đã thẳng thắn chỉ ra rằng may mắn ấy có thể không còn lặp lại nếu tiếp tục xảy ra sự cố như vậy, mà thay vào đó hoàn toàn có thể là một thảm họa.

Vì vậy sự cố hạ cánh nhầm đường băng ở sân bay Cam Ranh là một sự cố không thể chấp nhận được, đe dọa nghiêm trọng an toàn, an ninh hàng không, cần thiết phải xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu Vietnam Airlines và Cục Hàng không.

Ông Trần Đình Bá đề nghị lãnh đạo Cục Hàng không nên có văn hoá từ chức ảnh 1Phi công hơn 30 năm kinh nghiệm giật mình trước sự cố hạ cánh nhầm đường băng

Không ai dám chắc sự cố tương tự còn tiếp tục xảy ra hay không nếu vẫn giữ cung cách quản lý, đặt vấn đề an toàn bay lên hàng đầu mang tính hô hào, nặng về hình thức như thời gian dài vừa qua.

Theo Đại tá Bùi Quốc Tế - người đã có hơn 1.700 giờ bay thì sự cố trên đặc biệt nghiêm trọng (mức B) và chỉ xếp sau tai nạn (mức A).

Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, bởi việc hạ cánh nhầm xuống đường băng đang xây dựng có thể dẫn đến nổ lốp, gãy cánh, chật đường băng… sẽ gây hậu quả khôn lường.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia hàng không Trần Đình Bá thẳng thắn cho rằng: “Việc Cục Hàng không Việt Nam đổ lỗi như công bố là bao biện, thiếu hiểu biết về công nghệ hàng không.

Máy bay muốn đáp xuống đường băng phải hay trái, số 1, số 2... phải chịu sự chỉ huy, điều hành của không lưu trên mặt đất trước khi chuẩn bị hạ cánh.

Hơn nữa, nói nguyên nhân do không tham chiếu đến đèn dẫn đường PAPI khi thực hiện phương thức hạ cánh bằng mắt là vô duyên vì khi hạ cánh máy bay bay với vận tốc 300-120km/h thì không thể điều khiển kịp.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Hàng không Việt Nam yếu kém và đang trốn tránh trách nhiệm”.

Chiếc máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường bay chưa khai thác được xem là sự cố nghiêm trọng (mức B) chỉ sau tai nạn (mức A). Ảnh: TTXVN.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường bay chưa khai thác được xem là sự cố nghiêm trọng (mức B) chỉ sau tai nạn (mức A). Ảnh: TTXVN. 

Chuyên gia Trần Đình Bá cũng chỉ rõ: “Cục Hàng không Việt Nam cần phải xin lỗi về sự quản lý yếu kém của mình và nghiêm túc nhận trách nhiệm.

Người đứng đầu nên có văn hóa từ chức, bởi lần này không phải lần đầu mà nhiều sự cố nghiêm trọng mà đã tái diễn lại nhiều lần.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phụ trách lĩnh vực hàng không cũng nên nhận trách nhiệm. Nhiều nước để xảy ra sự cố như vậy họ từ chức từ lâu rồi chứ không phải chờ hết lần này đến lần khác. Còn tự trọng thì nên từ chức”.

Chuyên gia Trần Đình Bá nhấn mạnh: “Ngành hàng không là ngành yêu cầu an toàn cao nhất bởi hàng mỗi chuyến bay chở hàng trăm hành khách. Bởi vậy, yêu cầu người có năng lực, trình độ thì làm, còn không thì nên nhường ghế cho người khác đủ tâm và tầm.

Thực tế, ngành hàng không Việt Nam đang không hơn gì so với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanma, thậm chí còn thua họ.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nên xem lại và nên có văn hóa từ chức để ngành hàng không Việt Nam phát triển”.

Chuyên gia hàng không Trần Đình Bá thẳng thắn cho rằng, trước hàng loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực hàng không, những người quản lý lĩnh vực này nên học văn hóa từ chức. Ảnh: NVCC.
Chuyên gia hàng không Trần Đình Bá thẳng thắn cho rằng, trước hàng loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực hàng không, những người quản lý lĩnh vực này nên học văn hóa từ chức. Ảnh: NVCC. 

Liên tiếp những sự cố gần đây cho thấy từ trình độ, năng lực con người đến máy móc, động cơ trục trặc của một số hãng hàng không liên tục gặp sự cố là có vấn đề như Vietnam Airlines.

Điều này khiến không ít ý kiến ghi ngại về quy trình kiểm định, kiểm tra động cơ máy bay đang bị cắt xén, về con người thì tuyển người thiếu đạt chuẩn để trả lương thấp.

Về ý kiến này, chuyên gia Trần Đình Bá cho hay: “Vietnam Airlines đang nợ khá nhiều, nếu cứ làm ăn kiểu này sẽ không có lãi, việc trả nợ càng khó.

Kinh tế eo hẹp, làm ăn không có lãi, không loại trừ Vietnam Airlines có thể phải thuê phi công thiếu chuẩn. Như trước đây Vietnam Airlines đã thuê một phi công sử dụng bằng giả lúc máy hạ cánh đã không thể hạ cánh khiến sân bay náo loạn.

Sự bần cùng, khó khăn về tài chính rất có thể sinh cẩu thả, bớt xén, cắt giảm quy trình kiểm định, đăng kiểm máy bay… là một trong những nguyên nhân liên tiếp xảy ra sự cố như thời gian vừa qua”.

Tính từ đầu năm đến nay hãng hàng không Vietnam Airlines xảy ra không ít sự cố được đánh giá là nghiêm trọng. Điều này cho thấy vấn đề an toàn bay đang bị hãng này xem nhẹ. Còn về phía quản lý nhà nước lĩnh vực hàng không là Cục Hàng không Việt Nam được cho là buông lỏng, quản lý yếu kém.

Ông Trần Đình Bá đề nghị lãnh đạo Cục Hàng không nên có văn hoá từ chức ảnh 4Liên tiếp xảy ra sự cố an ninh hàng không, bộc lộ năng lực quản lý yếu kém

Một vụ việc khó tin gần đây đó là một người nước ngoài mua vé máy bay Thành phố Hồ Chí Minh đi Myanmar của Vietnam Airlines đã lên nhầm máy bay đi Singapore vào ngày 20/2/2018.

Đây là sự cố khó tin nhưng có thật bởi nhiều người nghĩ đi xe bus, đi xe khách hi hữu lắm mới có trường hợp nhầm, còn máy bay thì càng không bởi để hành khách lên được máy bay sẽ qua rất nhiều quy trình kiểm tra, kiểm soát giấy tờ và an ninh.

Còn vụ việc hy hữu nữa xảy ra tại sân bay Vinh vào ngày 3/3/2018, một nam thanh niên đã trèo tường đột nhập và lên máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Đáng nói, hệ thống an ninh dày đặc của sân bay đã để lọt thanh niên có biểu hiện tâm thần qua chốt kiểm soát an ninh của sân bay để lên máy bay.

Trước đó, rất nhiều những sự cố hi hữu, khó tin đã xảy ra tại các cảng hàng không như bò tót đột nhập vào cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) khiến sân bay phải đóng cửa, người đàn ông say rượu đã vượt rào vào sân bay Buôn Ma Thuột leo lên máy bay ngủ…

Sự cố đáng nói nữa, giữa lúc máy bay đang cần sự hướng dẫn của nhân viên không lưu thì hai kiểm soát viên Đài kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất lao vào ẩu đả khiến công tác điều hành bị gián đoạn..

Còn 2 ngày nghỉ lễ vừa qua, nhiều hành khách đi máy bay Vietnam Airlines cũng phản ánh hãng chậm nhiều giờ cất cánh do trục trặc động cơ.

Trước hàng loạt sự cố xảy ra gần đây liên quan đến an toàn, an ninh hàng không, đáng nói có sự cố đặc biệt nghiêm trọng, có ý kiến cho rằng  quản lý ngành hàng không đang có quá nhiều vấn đề.

Những sự cố gần đây đã bộc lộ tư duy, trình độ quản lý ngành hàng không đáng báo động. Lỗi ở đây là lỗi hệ thống, lỗi quản lý chứ không thể đổ do phi công, do khách quan.

Như sự cố hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh vừa qua, dư luận lại được Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines đổ lỗi cho đội bay, cho phi công. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự quản lý thiếu chuyên nghiệp, yếu kém.

Trước hàng loạt sự cố hàng không nghiêm trọng xảy ra gần đây, nhưng câu chuyện vẫn là “rút kinh nghiệm”, “xử lý nghiêm”, nhưng chẳng cá nhân nào chịu trách nhiệm, cũng như xin từ chức.

Vũ Phương