Ông Phạm Trọng Đạt: Tài sản quan chức mà đứng tên anh, chị em, bố mẹ vẫn chịu!

14/06/2018 07:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng đã chia sẻ như vậy khi dự thảo Luật không yêu cầu bố mẹ, anh chị của quan chức phải kê khai tài sản.

Bên hành lang Quốc hội ngày 13/6, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã có trao đổi với báo chí xung quanh dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo ông Phạm Trọng Đạt: “Việc kê khai tài sản chỉ nên tập trung vào một số đối tượng là người thân. Đấy là con, bố mẹ, anh chị em ruột kể cả bên chồng, bên vợ và kể cả con nuôi cũng là người thân.

Nhưng dự luật lần này không đưa những điều này vào. Ban đầu ban soạn thảo có đề nghị như vậy nhưng nhiều cơ quan không đồng ý, bây giờ chỉ quy định con chưa thành niên và vợ hoặc chồng phải có nghĩa vụ kê khai”.

Ông Phạm Trọng Đạt. (Ảnh: VOV)
Ông Phạm Trọng Đạt. (Ảnh: VOV)

Ông Đạt nhấn mạnh: “Bây giờ tài sản quan chức mà đứng tên anh, chị em, bố mẹ thì chịu mà nếu làm doanh nghiệp nữa thì càng chịu. Mình lấy quyền gì để đòi doanh nghiệp.

Mở rộng đối tượng kê khai tài sản đối với người thân phải tính toán nhưng bây giờ người ta nói đối tượng kê khai nhiều quá, không kiểm soát được.

Nhưng theo tôi, thật sự muốn quản lý, kiểm soát tham nhũng thì phải kê khai tài sản của cả người thân quan chức.

Có quan chức nào có 4, 5 cái nhà mà lấy tên mình, vợ mình đâu.

Toàn lấy tên những người thân cả, mà người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra người ta vì họ không thuộc đối tượng kê khai”.

Ông Đạt cũng nhấn mạnh, đây chính là kẽ hở để quan chức đưa, chuyền tài sản cho người khác.

Quan chức đưa tài sản cho người khác nhưng chúng ta không thể làm gì được vì không có quy định.

Theo ông Đạt, lo ngại đối tượng kê khai nhiều quá, không kiểm soát được cũng hợp lý nhưng đứng một khía cạnh nào đó về mặt phòng chống tham nhũng, đã là quan chức thì phải chấp nhận những ràng buộc như thế không thì đừng làm.

Ông Đạt chia sẻ, ban soạn thảo lúc đầu đề nghị là tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì tịch thu luôn. Tuy nhiên, điểm này sau đã được thay đổi bằng đánh thuế 45%.

Ông Phạm Trọng Đạt: Tài sản quan chức mà đứng tên anh, chị em, bố mẹ vẫn chịu! ảnh 2Giám đốc Sở tham nhũng, Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm?

“Quản lý của mình nhiều cái không hợp lý lắm, khó lắm cho nên phải từng bước, làm dần dần thôi.

Có người bảo như thế là hợp pháp hoá tham nhũng nhưng không phải. Bởi vì thuế cứ đánh, phạt cứ phạt nhưng nếu cơ quan chức năng phát hiện ra tài sản này là tham nhũng vẫn khởi tố, không loại trừ trách nhiệm hình sự.

Nhưng ít nhiều quy định này cũng thu được một phần nào đó dù chưa được hết”, ông Đạt nêu quan điểm.

Trước ý kiến một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải có cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, độc lập hay không độc lập, đặt ở cơ quan này hay cơ quan khác thì quan trọng nhất vẫn chính là cơ chế, sự chỉ đạo và yếu tố con người.

“Vấn đề giáo dục, đào tạo, tạo cơ chế để thực thi nhiệm vụ vẫn là yếu tố quyết định. Cơ chế phải chặt chẽ để làm sao các đối tượng không thể, không dám và không muốn tham nhũng”, ông Đạt nhận định.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho hay, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này của Thanh tra Chính phủ, hiện nhân sự cũng chỉ có vài chục con người, trong khi nhiệm vụ rất nặng nề. Sự phân công, phân cấp cũng không ít vướng mắc.

“Cần có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị mới phòng chống tham nhũng tốt hơn chứ không riêng một cơ quan nào có thể làm được.

Ngay trong việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ được giao trách nhiệm chính nhưng hiện cũng mới chủ yếu tổng hợp, nghe báo cáo là chính.

Ngay yêu cầu các cơ quan, địa phương gửi báo cáo để tổng hợp báo cáo cũng mệt mỏi lắm, nhiều khi hết hạn cũng chưa thấy nộp.

Ông Phạm Trọng Đạt: Tài sản quan chức mà đứng tên anh, chị em, bố mẹ vẫn chịu! ảnh 3Tài sản bất minh, tịch thu được không?

Đến bây giờ cũng còn nhiều cơ quan chưa nộp báo cáo về kê khai tài sản dù hết hạn rồi”, ông Đạt nêu khó khăn.

Ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, cần có một cơ quan chuyên về quản lý, lưu trữ, thẩm định, xác minh việc kê khai tài sản.

Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập này phải chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý kê khai tài sản. Có vậy mới thống nhất, mới có cơ sở pháp lý và mới triển khai hiệu quả được.

“Thời gian qua, ở các địa phương, bộ ngành có phát hiện được trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực đâu, rất hiếm.

Quốc hội cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, còn con người thì đã sẵn sàng hết rồi”, ông Đạt nói.

Đỗ Thơm