Nhiều nhà giáo không có nghỉ hè

13/07/2018 06:43
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Cái suy nghĩ "giáo viên là sướng nhất, tỷ phú về thời gian, nghỉ hè vô tư" xem ra không còn đúng nữa rồi.

LTS: Giáo viên thường có khoảng 3 tháng nghỉ hè, tuy nhiên, thực tế không phải giáo viên nào cũng được tận hưởng kỳ nghỉ đó.

Trong bài viết này, thầy giáo Sông Trà đề cập đến câu chuyện của những nhà giáo không có nghỉ hè.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Giáo viên học tiểu học và trung học cơ sở bây giờ ít liên quan đến thi cử, chuyển cấp nên kết thúc năm học họ được nghỉ hè khá thoải mái.

Trong khi đó, một bộ phận thầy cô giáo trung học phổ thông gần như không có thời gian nghỉ hè, vì phải tham gia hai kỳ thi lớn, tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Trong khi các đồng nghiệp khác được nghỉ hè, nhiều giáo viên vẫn tham gia công tác coi thi, chấm thi Trung học phổ thông Quốc gia. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Trong khi các đồng nghiệp khác được nghỉ hè, nhiều giáo viên vẫn tham gia công tác coi thi, chấm thi Trung học phổ thông Quốc gia. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Cô Bùi Thị Nhàn, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (Thành phố Quảng Ngãi) có chồng là giáo viên dạy văn Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố này cho biết:

"Từ đầu tháng 6 đến nay, tôi và các cô giáo dạy tiểu học ở đây được nghỉ hè dài dài, hiếm khi đến trường.

Còn chồng tôi, anh ấy đi làm suốt. Ôn tập cho học sinh lớp 12 đến tận ngày 15/6 mới xong.

Rồi hết coi thi, chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 lại coi thi, chấm thi Trung học phổ thông Quốc gia.

Anh ấy thuộc diện ở tại trường làm thư ký điểm, hội đồng thi nên vất vả, cực nhọc hơn, thêm nhiều ngày để lo chuẩn bị, sắp xếp giấy tờ, biểu mẫu, dữ liệu…cho nhà trường, hội đồng thi.

Chưa kể đi họp đảng, đi xác minh lý lịch cho một số quần chúng trong tổ chuyên môn trong thời gian hè…

Do hiểu công việc, đặc thù của cấp học Trung học phổ thông nên tôi rất thông cảm, chia sẻ với chồng mình. ” 

Hầu hết các Ban giám hiệu trường học gần như không có nghỉ hè.

Phân công, thay nhau trực trường, đi họp bên đảng, bên chính quyền, giải quyết các công việc như làm báo cáo, phụ huynh có nhu cầu chuyển đến, chuyển đi…

Có trường thì gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất để đón nhận danh hiệu trường chuẩn trong năm tới.

Có trường tích cực triển khai mở rộng khuôn viên theo quy hoạch.

Có trường lại triển khai mở rộng hoạt động bán trú trong các khối lớp nên khi học sinh vừa nghỉ hè thì nhiều thầy cô giáo bắt tay để hoàn thiện khu nội trú đảm bảo chất lượng sinh hoạt học tập cho học sinh.

Giáo viên cùng bắt tay mở rộng thêm phòng học; xây dựng thư viện xanh theo đúng tiêu chuẩn, làm thêm bờ rào, làm lại sân trường, vườn cảnh…

Nhiều nhà giáo không có nghỉ hè ảnh 2Giáo viên có phải bắt buộc trực trường trong thời gian nghỉ hè?

Mọi việc phải gấp rút hoàn thành để đón học sinh trở lại trường.

Đối với các trường ở miền núi khó khăn thì công tác nâng cấp, sửa chữa trường lớp càng trở thành yêu cầu gấp rút hơn.

Bởi nhiều năm qua cơ sở vật chất còn ở diện tạm bợ, luôn trong tình trạng cái khó bó cái khôn, cơ sở vật chất làm ảnh hưởng nhất định tới chất lượng dạy học.

Nhiều cơ sở giáo dục tranh thủ sự ủng hộ của các đoàn thể, cá nhân, huyện, tỉnh… đã dựng mới nhà cấp 4, sửa chữa được nhiều điểm trường, ổn định các phòng học, công trình nhà vệ sinh học sinh…. 

Trả lời phóng viên báo Giáo dục và Thời đại số ra gần đây, thầy Phạm Thanh Tuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Ván, thuộc vùng khó khăn của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cho hay:

Mặc dù trường nằm ở vùng khó, học sinh chủ yếu người dân tộc, đội ngũ giáo viên của trường khá ổn định có chất lượng song không vì thế mà chủ quan.

Công tác bồi dưỡng giáo viên nói chung trong dịp hè nói riêng được nhà trường hết sức quan tâm.

Lịch bồi dưỡng giáo viên từ trên Sở Giáo dục và Đào tạo được nhà trường phổ biến tới từng giáo viên để các thầy cô chủ động tham gia đầy đủ.

Giáo viên của trường để tham gia các khóa tập huấn vất vả lắm, phải vượt núi rừng cả 100 km.

Song ban giám hiệu luôn quán triệt giáo viên thực hiện nghiêm túc, tham gia với phương châm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.” 

Nhiều nhà giáo không có nghỉ hè ảnh 3Nghỉ hè giáo viên làm gì?

Đến thời điểm này, các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo trên cả nước đã gửi thông báo, kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng hè năm 2018 tới tất cả cơ sở giáo dục.

Cuối tháng 7, sang đầu tháng 8, các cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các bộ môn, tổng phụ trách đoàn, đội… đều đồng loạt lên đường đi tập huấn, bồi dưỡng.

Có khi ở trong huyện, tỉnh, có khi phải đi ngoài tỉnh 5- 10 ngày.

Tiếp thu ở trên xong rồi, trong tháng 8 và đầu tháng 9, nhà trường, các tổ, nhóm chuyên môn lo tổ chức tập huấn lại cho mọi giáo viên.

Công việc nối tiếp công việc. Được nghỉ hè ngày nào, tuần nào thì hay ngày, tuần nấy để còn nghỉ ngơi, xả hơi, chăm lo nhiều việc của gia đình, bản thân.

Cái suy nghĩ "giáo viên là sướng nhất, tỷ phú về thời gian, nghỉ hè vô tư" xem ra không còn đúng nữa rồi.

Một bộ phận nhà giáo hôm nay luôn bận rộn với công việc, trường lớp.

SÔNG TRÀ