Quản trị giáo dục đại học chạy theo không kịp so với nhu cầu người học

28/07/2018 07:12
Thùy Linh
(GDVN) - “Trong khoảng 20 năm nữa, giáo dục đại học Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho giai đoạn giáo dục phổ cập để thích ứng với sự thay đổi”.

Khoảng hơn 20 năm gần đây, trong các bài báo và ở các hội nghị bàn về đại học, xuất hiện nhiều lần thuật ngữ “đại học đại chúng” và các luận điểm như “phải thay thế đại học tinh hoa bằng đại học đại chúng”.

Hoặc “tư duy đại học đại chúng là hướng đúng và trúng để giải quyết mối mâu thuẫn cơ bản giữa yêu cầu phát triển quy mô, nâng cao chất lượng trong khi các điều kiện về nhân lực, vật lực của ta còn rất hạn chế”…

Ngày 26/7/2018, Trường Đại học Phú Xuân (Huế) tổ chức Tọa đàm “Giáo dục đại học – các vấn đề thiết yếu”, với sự tham gia của nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Tại tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp- chuyên gia giáo dục đại học, cho rằng: Từ mô hình giáo dục đại học của Trow – giáo sư về giáo dục đại học, chính sách công, Đại học California, Berkeley đến kinh nghiệm thế giới cho thấy thế giới đang tồn phát triển giáo dục đại học tương ứng với 3 “hệ sinh thái”: đại học tinh hoa, đại học đại chúng và đại học phổ cập. 

Trong đó, mô hình trước đây là mô hình “tinh hoa” với chức năng của trường đại học là định hình tầng lớp quản lý, chuẩn bị lực lượng tinh hoa, giảng dạy theo hình thức 1-1 hoặc theo lớp. 

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rõ hơn về nội dung này, Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp cho rằng, sức ép với giáo dục đại học tăng rất nhanh dẫn đến quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học cũng phải thay đổi từ quản lý kiểu tinh hoa sang quản lý kiểu đại chúng. 

Theo Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp: "“Trong khoảng 20 năm nữa, giáo dục đại học Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho giai đoạn giáo dục phổ cập để thích ứng với sự thay đổi”. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Theo Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp: "“Trong khoảng 20 năm nữa, giáo dục đại học Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho giai đoạn giáo dục phổ cập để thích ứng với sự thay đổi”. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cũng theo Tiến sĩ Hiệp, tại Việt Nam, sự chuyển dịch từ “tinh hoa” sang “đại chúng” mới chỉ thể hiện qua số lượng người học, bởi quan điểm quản lý nhà nước, các trường đại học, đội ngũ giảng viên và người học vẫn phần nhiều nặng về “tinh hoa”, các chuyển dịch theo hướng “đại chúng” chậm và không hiệu quả. 

Ông Hiệp thông tin, hiện nay giáo dục đại học thế giới đã phát triển đến giai đoạn đại chúng, tại một số nước đã phát triển đến giai đoạn phổ cập. 

Trong nền giáo dục đại chúng/ phổ cập vẫn còn các đại học theo mô hình tinh hoa kiểu cũ (Đại học nghiên cứu Humbodlt). Bên cạnh đó, có thêm các mô hình đại học đại chúng hoặc đại học vừa tinh hoa, vừa đại chúng. 

“Xuất phát từ nhu cầu đi học và nhu cầu lao động cần được đào tạo của sự phát triển kinh tế xã hội. 

Trong khoảng 20 năm nữa, giáo dục đại học Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cho giai đoạn giáo dục phổ cập để thích ứng được với sự thay đổi của xã hội”– Tiến sĩ Hiệp khẳng định.

Quản trị giáo dục đại học chạy theo không kịp so với nhu cầu người học ảnh 2Bàn về giáo dục tinh hoa

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, hiện nay quản lý nhà nước của chúng ta đang gặp một vấn đề là bị động.

Chính sách, quy định chạy theo không kịp so với đòi hỏi quá lớn, quá nhanh của người học và thị trường.

Do đó để chuẩn bị cho giai đoạn giáo dục phổ cập tức là khi đó người đi học không phải chỉ là những người ở độ tuổi thanh niên mà có thể người đang đi làm có nhu cầu học lại, thậm chí người già có nhu cầu học tiếp thì trước tiên khung pháp lý cần phải chuyển dịch để xóa khoảng cách giữa học tập tại chức và chính quy.

Điều này đã được đặt ra và bàn luận trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018. 

Cùng với đó, các nhà trường cần đa dạng hình thức đào tạo (bao gồm: online, lên lớp (offline)) chứ không chỉ đơn thuần là lên lớp như hiện nay. 
Thậm chí, phương pháp giảng dạy, Nhà trường cũng phải điều chỉnh theo để phù hợp đối với đối tượng đi học. 

Và khi phổ cập, chương trình đào tạo cũng phải điều chỉnh, các trường đại học cần có bộ phận chuyên biệt làm nhiệm vụ phát triển chương trình đáp ứng kịp thời các kiểu học, nhu cầu học khác nhau thay vì dựa vào đội ngũ giáo viên như hiện nay. 

Tuy nhiên, hiện nay, quán tính của quản lý nhà nước kiểu kiểm soát của nền giáo dục đại học tinh hoa vẫn còn quá lớn. Hoặc cũng có thể chúng ta đang thiếu mất một đầu mối có thể điều phối được nên những chuyển dịch theo hướng nhà nước giám sát chậm hơn so với kỳ vọng.  

Ví dụ, so với các nước cùng mức độ phát triển thì Việt Nam tiếp xúc với kiểm định chất lượng đại học khá sớm. Tuy nhiên, mọi thứ dường như vẫn chạy hơi chậm. 

Bởi đáng ra, với việc được định hình lâu như vậy thì phải chạy nhanh hơn, bộ máy vận hành kiểm định phải tốt hơn. 

Nhưng do nhiều nguyên nhân, kiểm định chất lượng của chúng ta vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa được áp dụng triệt để trong cả nước. 

Thùy Linh