Tại sao 10 năm chỉ di dời được đúng 1 trường đại học?

30/07/2018 07:31
Theo Báo điện tử Xây dựng
(GDVN) - Chủ trương di dời các cơ sở giáo dục, trường đại học đã có từ lâu, song thực tế, kết quả đạt được lại chưa như mong muốn.

Gần 10 năm, chỉ có 1 trường di dời

Nhằm giảm áp lực hạ tầng giao thông cho thành phố, chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp, cơ sở y tế, giáo dục và một số trụ sở Bộ, ngành đã được xác định và kỳ vọng mang lại tính hiệu quả.

Năm 2011, thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu di dời 12 cơ sở giáo dục trong đó có các trường:

Đại học Công đoàn, Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Răng Hàm Mặt, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng, Viện Đại học Mở Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Cao đẳng Y tế Hà Nội.

Đại học Xây dựng là trường có bề dày lịch sử.
Đại học Xây dựng là trường có bề dày lịch sử.

Các trường di dời theo đó sẽ được bố trí ở các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc...

Tuy nhiên, do khó khăn về vốn và nhiều nguyên nhân mà hiện nay mới chỉ có trường Đại học Y tế công cộng di dời ra quận Bắc Từ Liêm.

Còn dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, dù được khởi công từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện vì gặp nhiều khó khăn về vốn và nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Hoàng Đức Thắng - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc cho biết:

Khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là vốn, mà không có vốn thì dự án không thể triển khai được.

Chúng tôi cũng kiến nghị lên Chính phủ, các Bộ, ban, ngành về giải phóng mặt bằng và tái định cư, thành phố cần xem xét để tháo gỡ khó khăn, còn về vốn, Chính phủ cần quan tâm bố trí vốn, tăng vốn cho dự án.

Thứ hai là xem xét một số cơ chế đặc thù để Đại học quốc gia chủ động hơn cho dự án này.

Nhiều trường đại học có bề dày lịch sử

Cũng trong danh sách di dời nhưng trường Đại học Công đoàn – cái nôi đào tạo các cán bộ công đoàn Việt Nam lại có ý nghĩa lịch sử to lớn khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh 5 lần tới thăm.

Hiện trong sân trường đại học vẫn còn tượng đài của Bác như để chứng minh cho ý nghĩa lịch sử cũng như vai trò quan trọng của lực lượng cán bộ giáo viên trường Đại học Công đoàn đối với sự nghiệp đào tạo các cán bộ công đoàn Việt Nam.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tĩnh - Hiệu phó trường Đại học Công đoàn cho biết: Các thế hệ cán bộ, đoàn viên, nhà giáo, người lao động trường Đại học Công đoàn luôn tự hào về ngôi trường của mình khi được Bác Hồ 5 lần tới thăm vào các năm 1957 (hai lần), 1958, 1959 và 1962.

Nhà trường cũng xây dựng tượng đài Bác tại sân trường và coi đây như một di tích lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nhà trường. Do vậy, nếu phải di dời thì đây là việc rất khó.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tĩnh cũng cho biết: Trường cũng có cơ sở 2 tại Hưng Yên, nhưng qua quá trình giải phóng mặt bằng cũng đã rất mệt mỏi, trong khi nguồn vốn hạn hẹp.

Hướng triển khai xong sẽ có một số hoạt động, nhưng muốn có một ngôi trường hoàn chỉnh thì còn rất nhiều vấn đề.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sân trường Đại học Công đoàn có ý nghĩa lịch sử to lớn. (Ảnh: TL)
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sân trường Đại học Công đoàn có ý nghĩa lịch sử to lớn. (Ảnh: TL)

Phía trường Đại học Xây dựng cũng chia sẻ: Trường cũng đang xây dựng cơ sở 2 tại Hà Nam với diện tích trên 24ha nhưng do nguồn vốn tự chủ nên cũng gặp không ít khó khăn. Từ giải phóng mặt bằng đến hạ tầng san lấp, nhà trường đều phải sử dụng vốn tự có.

Thứ hai là về vấn đề lịch sử, trường Đại học Xây dựng đã có từ lâu đời nên muốn duy trì một cách hiệu quả cũng không thể di dời 100% được.

Hơn nữa, nếu di dời trường thì hàng trăm giáo viên đã làm việc nhiều năm, gia đình họ đều định cư tại đây mà bây giờ nói di chuyển đến nơi khác, họ có chịu hay không?

Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng: Đại học Y có đặc điểm gắn liền với bệnh viện, ở đó có các phòng thí nghiệm cho sinh viên nên nói di dời thực sự cũng không phải chuyện dễ.

Thế giới coi các trường đại học như một di sản

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Chủ trương di dời một số trường đại học với mục tiêu giảm tải hạ tầng trung tâm là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Nhưng tại Thủ đô các nước như Anh, Mỹ... bao giờ cũng có các trường đại học và chỉ có trường đại học mới thành lập họ mới đưa ra ngoài.

Bởi các nước coi các trường đại học đó là một di sản, nó gắn liền với quá trình phát triển của đất nước đó.

Tại sao Thủ đô Hà Nội có Đại học Dược ở Lê Thánh Tông, Đại học Bách Khoa ngay gần ngay công viên Thống Nhất, cái này là vấn đề lịch sử.

Chúng ta chỉ đơn thuần là đưa đi hết nhưng lại quên đi khía cạnh lịch sử hình thành của các trường. Do vậy, vấn đề này cần phải xem xét lại.

Vẫn chưa thống nhất tiêu chí di dời trường đại học

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cũng cho biết: Chúng ta cũng có dự án Đại học quốc gia Hà Nội tại Láng Hoà Lạc, tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, việc đầu tư xây dựng vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Nơi đây được kỳ vọng là khu đô thị đại học và có cả quỹ đất dành cho các trường đại học, nhưng dù trồng nhiều cây xanh đến mấy, nó vẫn giống như một ốc đảo.

Năm 2017, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đẩy nhanh giải phóng mặt bằng tại Hòa Lạc để xây dựng Đại học quốc gia Hà Nội. Nhưng đến nay do vấn đề về vốn nên dự án gặp không ít khó khăn.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội chia sẻ: Hà Nội hiện nay có khoảng 60 các trường đại học, trong đó có rất nhiều trường đã có quá trình lịch sử và có trụ sở đóng ở trung tâm nên cần có sự phân định rõ ràng để có cơ chế đặc thù hơn.

Thứ nhất về chức năng sử dụng đất, sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, quy hoạch vệ tinh đã xác định khu các trường đại học nhưng khâu giải phóng mặt bằng chưa thực hiện được.

Thứ hai, cơ sở vật chất chưa hợp lý, chưa có sức hấp dẫn nên không thu hút các trường đại học ra ngoài.

Thứ hai là vấn đề nguồn lực xây dựng ở địa điểm mới. Hiện nay có trường tự chủ được, nhưng có trường thuộc các Bộ, ngành nên phải dùng vốn ngân sách, mà dùng vốn ngân sách xây dựng như thế nào cũng chưa cụ thể.

Mặt khác, khi xây dựng các trường đại học chúng ta không chỉ xây trường học mà còn ký túc xá, khu nhà ở cho giáo viên. Những chính sách này, hiện nay vẫn đang thiếu.

Cụ thể như trong xây dựng dự án Đại học quốc gia tại Hòa Lạc, chúng ta có xây dựng các khu học tập nhưng để di dời số lượng giáo viên lớn ra thì phải có chính sách ưu tiên về nhà ở cho giáo viên.

Nhưng do không chú trọng nên các giáo viên, kể cả những người phục vụ trong ngành họ cũng không muốn đến nơi xa.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Báo điện tử Xây dựng