Tiền Giang có luật riêng bắt giáo viên trực đêm, hay ông Tuấn nói bừa?

13/09/2018 08:44
NHẬT KHOA
(GDVN) - Giáo viên chỉ là những nhà giáo không hề được đào tạo về việc phải trực trường để bảo vệ tài sản, giáo viên chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục...

LTS: Bày tỏ sự bức xúc khi giáo viên phải yêu cầu tham gia trực trường vào ban đêm tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, thầy giáo Nhật Khoa chia sẻ quan điểm của mình trong bài viết sau đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sự việc giáo viên trong đó có giáo viên nữ ở các trường trong địa bàn ở Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang phải tham gia trực trường ngay cả vào ban đêm mà không có bất kỳ chế độ nào không chỉ trái luật mà còn là việc làm gây bức xúc rất lớn trong lực lượng giáo viên.

Chưa dừng lại ở đó, sự bức xúc của giáo viên còn tăng cao khi mới đây trả lời phỏng vấn của phóng viên Phương Linh (đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/9), ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây, Tiền Giang cho rằng đây không chỉ là chủ trương của huyện Gò Công Tây mà còn là chủ trương của tỉnh Tiền Giang?

Ông cho biết thêm “Giáo viên nào ít nhất cũng phải trực một lần mỗi tháng”.

Ông còn nhấn mạnh rằng: “Việc trực đêm là công việc của giáo viên, nên trước khi vào trường trực, thì các thầy cô phải dặn dò, nhắn nhủ công việc cho những người ở nhà biết”.

Lịch trực đêm tại trường Tiểu học Vĩnh Bình 1 và trường Tiểu học Bình Phú (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: VTCNews
Lịch trực đêm tại trường Tiểu học Vĩnh Bình 1 và trường Tiểu học Bình Phú (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: VTCNews

Ông Phó Chủ tịch huyện cố tình không hiểu Luật hay đứng trên Luật

Thưa ông phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện Gò Công Tây, trong các văn bản quy định về việc thực hiện nhiệm vụ giáo viên theo Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức, Luật Nhà giáo, thông tư quy định điều lệ trường học, và ngay cả các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chưa hề có bất kỳ quy định nào về việc giáo viên phải trực trường ngay cả trong thời gian nghỉ hè chứ đừng nói việc giáo viên trực không lương vào ban đêm.

Tôi xin trích dẫn nguyên văn phần tư vấn pháp luật của bạn đọc đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại khi trả lời bạn đọc như sau:

Bạn đọc hỏi: “Theo quy định giáo viên được nghỉ hè 2 tháng hưởng nguyên lương và phụ cấp. Tuy nhiên, trường chúng tôi có phân công cho giáo viên phải trực hè.

Xin hỏi, chúng tôi có được hưởng tiền làm thêm giờ hay không? Trần Quốc Hoàn (tranquochoan***@gmail.com)”.

Trả lời:

Nội dung bạn quan tâm, chúng tôi xin được tư vấn như sau: Theo Thông tư số: 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số: 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Tiền Giang có luật riêng bắt giáo viên trực đêm, hay ông Tuấn nói bừa? ảnh 2Cô giáo bị xâm hại khi trực trường, trách nhiệm của Hiệu trưởng đến đâu?

Như vậy, việc giáo viên được nghỉ 2 tháng là thuộc về quyền lợi của giáo viên.

Do đó, nếu giáo viên được cử đi trực hè thì được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định hiện hành.

Cụ thể: Điều 97 Bộ luật Lao động quy định: Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày”.

Như vậy là đã rõ, giáo viên không có quy định trực hè chứ đùng nói đến trực đêm mà không có bất kỳ chế độ nào cũng như không ai bảo vệ giáo viên, và trực thì phải chi trả chế độ thêm giờ cho giáo viên

Ông có biết việc giáo viên, nhất là giáo viên nữ trực đêm là rất nguy hiểm không? Ông có biết việc cô giáo P.T.N.N – giáo viên Trường trung học cơ sở Lê Thuyết (Thừa Thiên Huế) bị xâm hại khi đang trực trường vào ban ngày không?

Nếu giáo viên nữ mà trực vào ban đêm còn nguy hiểm gấp bội phần, nếu lỡ xảy ra vụ việc trên hay có giáo viên nào trực đêm mà thiệt mạng thì ông có chịu trách nhiệm nổi không?

Ông có biết, giáo viên chỉ là những nhà giáo không hề được đào tạo về việc phải trực trường để bảo vệ tài sản, giáo viên chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và các công việc khác liên quan như vận động học sinh, học tập chuyên môn nghiệp vụ,….

Rõ ràng với các nội dung trên, qua phần trả lời phỏng vấn của ông Phó Chủ tịch huyện Gò Công Tây, tôi nhận thấy rõ ràng ông đã cố tình hiểu sai Luật hoặc cố tình đứng trên Luật, đó là phát biểu và việc giáo viên phải trực đêm không lương là việc làm thiếu cả tình lẫn lý!

Đây có phải là chủ trương của tỉnh Tiền Giang?

Tiền Giang có luật riêng bắt giáo viên trực đêm, hay ông Tuấn nói bừa? ảnh 3Giáo viên có phải bắt buộc trực trường trong thời gian nghỉ hè?

Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây, Tiền Giang ông cho rằng đây không chỉ là chủ trương của huyện Gò Công Tây mà còn là chủ trương của tỉnh?

Tôi rất mong Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho giáo viên trong địa bàn tỉnh được biết rằng đó là chủ trương của ông Nguyễn Thanh Tuấn hay chủ trương của Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Tây, hay đó sự thật là chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang?

Nếu như đó sự thật là chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang thì xin Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết chủ trương giáo viên phải trực đêm bảo vệ tài sản trường không lương trong đó có cả giáo viên nữ là nằm trong văn bản nào?

Ai ký chủ trương trên? Chủ trương đó có được thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang chưa? Nó có trái luật không?

Nếu đó không phải là chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh như lời ông Nguyễn Thanh Tuấn phát biểu thì là ông Tuấn đã nói không đúng, Ủy ban nhân dân tỉnh có xử lý phát ngôn bừa bãi trên không?

Giáo viên ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang rất mong câu trả lời chính thức từ Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang để giáo viên an tâm công tác.

NHẬT KHOA