Thay đổi mẫu mã để tăng giá sách VNEN?

28/09/2018 09:25
Phan Tuyết
(GDVN) - Tính ra, dù làm cách nào thì nhà xuất bản, những người biên tập sách cũng ẵm lợi nhuận khủng. Người thiệt thòi chỉ là học sinh và cha mẹ các em.

LTS: Phản ánh tình trạng bộ sách VNEN thường xuyên có sự thay đổi mẫu mã, cô giáo Phan Tuyết đặt nghi vấn về các chiêu thức mà nhà xuất bản và những nhà biên soạn sách áp dụng để tăng doanh thu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thông tin doanh thu từ sách VNEN năm 2017, nếu tính theo sản lượng phát hành và giá bán, đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm, tương đương 1/3 doanh thu từ sách giáo khoa 2000 do bà Hoàng Thị Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết đã làm nhiều người quan tâm đến giáo dục phải bàng hoàng sửng thốt.

Để có doanh thu khủng như thế, bộ sách VNEN đã được làm giá cao gấp 3 đến 4 lần bộ sách 2000 (chưa nói đến việc học sinh học sách VNEN còn phải mua thêm một số sách giáo khoa 2000 và một số vở bài tập khác).

Dù đắt như thế nhưng chỉ học một năm là phải bỏ đi vì năm nào sách cũng chỉnh lý một ít.

Giáo viên đã từng phản ánh tình trạng sách VNEN bị bung rách rời nhau. Ảnh: Thảo Ly/ Giaoduc.net.vn
Giáo viên đã từng phản ánh tình trạng sách VNEN bị bung rách rời nhau. Ảnh: Thảo Ly/ Giaoduc.net.vn

Nhiều câu hỏi được đặt ra “Vì sao sách VNEN lại đắt đến mức như thế?” trong khi nội dung kiến thức của sách VNEN gần như sao y hoàn toàn những nội dung kiến thức của sách giáo khoa 2000?

Điểm khác biệt lớn nhất của sách giáo khoa VNEN với sách giáo khoa thường về nội dung có lẽ chỉ là sách VNEN được trình bày như một thiết kế hướng dẫn cách học ở từng hoạt động. Ví như hoạt động 1 gợi ý cách học theo nhóm, cặp đôi, học cá nhân hay cả lớp…

Cải tiến mẫu mã để tăng giá?

Nội dung kiến thức sách giáo khoa VNEN (so với sách giáo khoa năm 2000) đã được giảm bớt khoảng 1/3 lượng kiến thức nhưng số lượng cuốn sách lại được tăng gấp đôi.

Do sách VNEN được in với khổ lớn 19x27cm. Trong khi sách giáo khoa thông thường in khổ sách 17x24cm.

Thay đổi mẫu mã để tăng giá sách VNEN? ảnh 2Sách VNEN cùng câu chuyện buồn của chị mua đồng nát

Lý giải việc sách VNEN đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa thông thường khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết “Giá sách Hướng dẫn học theo mô hình VNEN cũng do Bộ Tài chính quản lí như đối với sách giáo khoa”.

Thế nên ai cũng tự hiểu, việc in sách với khổ lớn để kéo giãn kênh chữ và kênh hình (nói một cách khó nghe là "bôi ra") cho được nhiều cuốn sách nhằm tăng giá bán một cách hợp pháp?

Sách được in màu trên nền giấy đẹp nhìn bắt mắt hơn sách thường. Nhưng chỉ là những cuốn sách in ra thời gian đầu tiên của dự án.

Những bộ sách VNEN sau này in trên nền giấy thường, sách được đóng một cách cẩu thả (học sinh chỉ học vài tuần là rơi từng tờ ra ngoài hoặc sách khá xọc xạch).

Năm học này, sách giáo khoa VNEN lại được chỉnh sửa về hình thức, khổ in nhỏ hơn, rút số lượng các cuốn sách xuống còn một nửa. Thế nhưng giá sách vẫn cứ y như cũ.

Tính ra, dù làm cách nào thì nhà xuất bản, những người biên tập sách cũng ẵm lợi nhuận khủng. Người thiệt thòi chỉ là học sinh và cha mẹ các em.

Người học thiệt đơn thiệt kép

Thay đổi mẫu mã để tăng giá sách VNEN? ảnh 3Ai đang bòn rút từng đồng từ túi dân nghèo đằng sau những cuốn sách giáo khoa?

Những cuốn sách giáo khoa VNEN được trình bày theo kiểu "nửa nạc nửa mỡ" nghĩa là vừa như sách giáo khoa, vừa như vở bài tập.

Thế nên, cha mẹ học sinh năm nào cũng phải bỏ tiền mua sách mới cho con.

Đã thế sách VNEN chỉ có 3 môn Toán, Tiếng Việt và Tự nhiên & Xã hội.

Phụ huynh dù đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ mua sách VNEN còn phải mua thêm khá nhiều sách giáo khoa năm 2000 mới đủ bộ sách cho con học.

Chưa hết, sách VNEN còn được bán theo kiểu độc quyền nên người học phải trả đúng giá bìa mà không được bớt lại phần trăm hoa hồng như khi mua ở ngoài các hiệu sách.

Người học càng thiệt thòi thì người sản xuất càng thu nhiều lợi nhuận. Để nghịch lý này không xảy ra, chuyện xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa như hiện nay là rất cần thiết.

Có thế người học mới không bị những người làm giáo dục thiếu tâm bóp nặn hầu bao một cách trắng trợn như hiện nay.

Phan Tuyết