Bộ trưởng Giáo dục chuẩn bị nội dung về sách giáo khoa nếu Quốc hội chất vấn

01/10/2018 19:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

Ngày 1/10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.

Tại cuộc họp báo, vấn đề về độc quyền sách giáo khoa tiếp tục được các báo quan tâm đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đỗ Thơm
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đỗ Thơm

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay, Nghị quyết 40 của Quốc hội về chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thay sách giáo khoa, bộ tài liệu phục vụ sách giáo khoa mới.

Bộ đã quyết định thành lập các nhóm tác giả biên soạn sách và thành lập Hội đồng thẩm định Quốc gia để thẩm định sách giáo khoa.

Sau đó, chuyển sang Nhà xuất bản Giáo dục in ấn, chỉnh sửa.

"Qua quá trình tổ chức, Nhà xuất bản đều đã tổ chức in ấn và tổ chức đấu thầu ở tất cả các khu vực.

Sách giáo khoa được vận chuyển từ nơi in ấn đến cho các nhà trường.

Nhà xuất bản đã chia thành 4 khu vực tiếp tục in ấn và cung cấp sách cho nhà trường để giảm kinh phí vận chuyển", ông Độ cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói thêm, để giải quyết tình trạng độc quyền, vừa rồi Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức giao quyền và nhiệm vụ cho 5 nhà xuất bản được in sách giáo khoa.

Việc xóa độc quyền sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, tổ chức một chương trình có nhiều sách giáo khoa.

Ông Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Đỗ Thơm
Ông Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: Đỗ Thơm

Theo đó, huy động các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức biên soạn và hiện đã có 5 nhà xuất bản được in ấn sách giáo khoa.

Về chiết khấu, theo báo cáo Nhà xuất bản Giáo dục, ban đầu mức chiết khấu là từ 20-25% tuy nhiên cho đến đây giờ là từ 18 -20%.

"Chiết khấu đấy chính là kinh phí vận chuyển sách từ nhà in thông qua các công ty sách trường học đến các nhà trường.

Đây là kinh phí vận chuyển và phát hành sách.

Mức chiết khấu này là để phục vụ công tác phát hành sách đến các nhà trường, học sinh", ông Độ khẳng định.

Cũng liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, quản lý sách giáo khoa là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Dư luận quan tâm ở chỗ là một năm chúng ta mất một nguồn tiền khá lớn cho in ấn sách giáo khoa.

Báo chí có đặt câu hỏi có lợi ích nhóm trong in ấn sách giáo khoa hay không", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Giáo dục chuẩn bị nội dung về sách giáo khoa nếu Quốc hội chất vấn ảnh 3Đề nghị thanh tra dấu hiệu lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa 2000

Thủ tướng chỉ đạo Bộ phải xem xét lại việc biên tập sách giáo khoa.

Tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo rõ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị giải trình nếu Quốc hội chất vấn về vấn đề này phải trả lời.

"Quan điểm của Thủ tướng là việc in ấn sách giáo khoa phải minh bạch", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt.

Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp Chính phủ tháng 9 vừa diễn ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình vấn đề này với Chính phủ.

Đỗ Thơm