Cho học sinh quyền lưu ban thầy cô đối diện với nhiều thử thách và thiệt thòi

07/10/2018 06:09
Việt Đăng
(GDVN) - Để cho học sinh cơ hội lưu ban thì trước hết từng giáo viên cần phải vứt bỏ căn bệnh thành tích trong chính bản thân mình.

LTS: Quyền lưu ban của học sinh tưởng chừng như là một việc hiển nhiên nhưng hiện nay không phải giáo viên nào cũng mạnh dạn cho học sinh quyền này.

Nhà giáo Việt Đăng phản ánh thực tế trên trong bài viết sau đây.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu chuyện “bao giờ học sinh có quyền lưu ban” dù đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Bởi chính Bộ Giáo dục và Đào tạo nơi áp các chỉ tiêu xuống cơ sở vẫn chưa lên tiếng.

Và rồi cứ vào đầu năm, các trường học lại đăng kí thi đua đưa ra những chỉ tiêu cao ngất ngưởng và cuối năm sẽ bằng mọi cách đạt được.

Nếu giáo viên cùng đồng tình cho học sinh quyền lưu ban thì liệu có học sinh ngồi nhầm lớp. Ảnh: http://baodaknong.org.vn
Nếu giáo viên cùng đồng tình cho học sinh quyền lưu ban thì liệu có học sinh ngồi nhầm lớp. Ảnh: http://baodaknong.org.vn

Học sinh không có quyền lưu ban nhưng giáo viên có quyền cho học sinh ở lại lớp không? Đương nhiên là thầy cô giáo có quyền này.

Vì chưa có một công văn, một quyết định nào tước đi cái quyền này của các thầy cô.

Vậy vì sao giáo viên lại không dám thực hiện cái quyền của mình mà luôn bức xúc và ao ước?

Giáo viên phải chịu thiệt thòi và sợ trách nhiệm 

Để học sinh ngồi nhầm lớp, chúng ta lên án việc áp chỉ tiêu.

Thế nhưng nếu tất cả giáo viên đều đồng lòng, đều quyết tâm đánh giá học sinh một cách trung thực và mạnh dạn, thẳng tay cho những học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng ở lại lớp thì sao nhỉ?

Nếu điều này là sự thật sẽ chẳng ai ngăn cản ngăn nổi. Thế nhưng chẳng nhiều giáo viên làm được điều này. Bởi vì, người nào cũng lo “thủ thế”, cũng sợ mình làm phật lòng cấp trên.

Cho học sinh quyền lưu ban thầy cô đối diện với nhiều thử thách và thiệt thòi ảnh 2Có cho học trò lưu ban được không?

Vì sao ư? Vì giáo viên phần nhiều thích an phận.

Nếu nhất quyết cho học sinh ở lại lớp là trực tiếp đối đầu với Ban giám hiệu nhà trường. Để mất lòng sếp ư?

Có khối điều phải đương đầu nên phần nhiều thầy cô đều không muốn.

Một số đồng nghiệp của chúng tôi kể rằng, họ từng cương quyết cho học sinh ở lại lớp.

Sau nhiều lần bị Ban giám hiệu thuyết phục vẫn không lay chuyển, những đồng nghiệp này đã bị dự giờ thăm lớp thường xuyên, bị làm khó trong mọi chuyện.

Không chỉ danh hiệu của bản thân bị hạ mà lớp chủ nhiệm cũng bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, lớp sẽ không đạt xuất sắc, bản thân giáo viên ấy không đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ như bao người.

Trong tình hình tinh giản biên chế như hiện nay, nếu giáo viên chỉ hoàn thành nhiệm vụ trong khi xung quanh đồng nghiệp của mình đều đạt thành tích cao hơn cũng có nguy cơ bị sa thải.

Bởi thế, sao họ dám phiêu lưu đánh đổi để nhận lấy những điều bất lợi ấy về mình?

Giáo viên sợ bị “hành”

Cho học sinh quyền lưu ban thầy cô đối diện với nhiều thử thách và thiệt thòi ảnh 3Bao giờ học sinh mới có quyền lưu ban?

Cuối năm, nếu lớp nào có học sinh yếu (đối diện với nguy cơ lưu ban) theo quy định đầu tháng 8 những giáo viên này sẽ phải lên trường dạy kèm, dạy ôn (đương nhiên là miễn phí) giúp học sinh thi lại.

Các em thi lần 1 không đạt, tiếp tục dạy để thi lần 2, lần 3…

Từ thực tế cho thấy, những học sinh đã nằm trong diện quá yếu thì dù có dạy kèm vài tuần cũng chẳng thể tiến bộ hơn.

Cách mà nhiều trường áp dụng buộc thầy cô có học sinh yếu phải dạy và thi, rồi dạy và thi… như thế chẳng qua cũng ngầm thông báo “cái giá phải trả của việc dám để học sinh ở lại lớp”. 

Dần dà, nhiều giáo viên bảo nhau cứ để học sinh yếu lên lớp theo ý sếp cho bản thân đỡ bị hành. 

Chẳng ai cấm thầy cô cái quyền cho học sinh ở lại. Nhưng phần lớn các thầy cô giáo đều chọn cho mình cái giải pháp an toàn nhất cho bản thân.

Vậy nên để cho học sinh cơ hội lưu ban trong khi chờ đợi sự điều chỉnh một số Thông tư về chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì từng giáo viên cần phải vứt bỏ căn bệnh thành tích trong chính bản thân mình.

Cùng đoàn kết kiểu “đồng tâm hiệp lực”, cương quyết phản đối sự ép buộc từ cấp trên. Có thế mới mong dạy thật và học thật.

Việt Đăng