Không bàn cãi gì nữa, giáo dục quyết định vận mệnh đất nước

13/10/2018 07:49
Thùy Linh
(GDVN) - Mọi quốc gia văn minh đều thừa nhận sự nghiệp giáo dục quyết định vận mệnh đất nước, do đó những người làm giáo dục là những người làm nghề đặc thù.

Thời gian qua, tình trạng thừa thiếu giáo viên diễn ra cục bộ ở nhiều địa phương dẫn tới gây tâm lý hoang mang trong đội ngũ giáo viên.

Và cũng do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như: Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Hà Nội (Thanh Oai), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.
 
Theo Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thông tin tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cho biết, hiện số lượng giáo viên mầm non, tiểu học thiếu rất nhiều do 3 năm gần đây không tăng biên chế, Bộ Nội vụ không giao cho các địa phương, các địa phương phải căn chỉnh, co kéo mới sinh ra hợp đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua việc sử dụng hợp đồng cũng chưa hợp lý. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không đồng tình với cách tuyển dụng này vì giáo viên phải có chế độ chính sách, có tính ổn định để họ yên tâm với công việc chứ không phải theo mùa vụ hay dạy theo tiết học.

Mọi nền giáo dục văn minh đều thừa nhận sự nghiệp giáo dục quyết định vận mệnh đất nước, do đó những người làm giáo dục là những người làm nghề đặc thù. (Ảnh minh họa: VTV)
Mọi nền giáo dục văn minh đều thừa nhận sự nghiệp giáo dục quyết định vận mệnh đất nước, do đó những người làm giáo dục là những người làm nghề đặc thù. (Ảnh minh họa: VTV)

Nhìn nhận về việc không tăng biên chế, ông Ngô Văn Qúy – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, chính sách tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính là phù hợp nhưng ngành giáo dục thì cần xem xét lại.

Ông Qúy nêu, trung bình mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 20.000 học sinh, đặc biệt năm học 2018-2019 vừa qua số lượng học sinh tăng tới 70.000 học sinh. Với lượng học sinh như vậy thì số lượng giáo viên mà Hà Nội cần là rất lớn do đó nếu không tăng biên chế thì khó đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Trong khi đó giữa trường công lập và ngoài công lập lại có sự khác biệt, cụ thể, trường công lập thì được bao cấp hoàn toàn còn trường ngoài công lập thì không được bao cấp do đó cách phát triển của trường ngoài công lập cũng chỉ có mức độ.

Không bàn cãi gì nữa, giáo dục quyết định vận mệnh đất nước ảnh 2Bộ Nội vụ đang làm gì với “Quốc sách hàng đầu” vậy?

“Thiết nghĩ, muốn trường ngoài công lập phát triển được thì chúng ta nên tính toán đến phương án đối với học sinh phổ cập thì dù học trường công lập hay ngoài công lập cũng đều được nhà nước đầu tư, hỗ trợ bao nhiêu tiền/ học sinh”, ông Qúy đề xuất.

Trong khi đó, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam (IPD) cho rằng:

Nếu một đất nước có nền giáo dục tốt thì quốc gia đó sẽ phát triển và ngược lại do đó nếu cào bằng trong quan niệm là ngành giáo dục không đặc thù, giống các ngành khác là hoàn toàn sai lầm.

“Mọi quốc gia văn minh đều thừa nhận sự nghiệp giáo dục quyết định vận mệnh đất nước, do đó những người làm giáo dục là người làm nghề đặc thù”, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh, cải cách giáo dục không chỉ là ở sách giáo khoa hay chương trình mà cần quan tâm tới chất lượng đào tạo đội ngũ sư phạm, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ cần xem xét thấu đáo, phối hợp chặt chẽ, tránh trường hợp máy móc cắt giảm 10% biên chế, có như vậy giáo viên mới yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. 

Thùy Linh