Nỗi khổ của giáo viên học Đại học… phải nhận lương trung cấp, cao đẳng

26/10/2018 07:21
Tấn Tài
(GDVN) - Nhiều giáo viên trúng tuyển kỳ thi viên chức nhưng không đến nhận việc vì mức lương quá thấp so với trình độ được đào tạo.

LTS: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ tại các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (sau đây viết tắt là thông tư 20, 21 và 22) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.

Tuy nhiên, những quy định trong các thông tư này đã nảy sinh nhiều bất cập trong thực tiễn, khiến đời sống giáo viên vốn gặp nhiều khó khăn nay càng chật vật hơn.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài phản ánh về thực trạng này.

Trong đó có ghi nhận kiến nghị của các địa phương về đòi hỏi cấp thiết phải sửa đổi các quy định của trong ba thông tư nói trên.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Thi tuyển “đòi” Đại học nhưng trả lương trung cấp

Tháng 6/2018, Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê (Đà Nẵng) thông báo tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc quận Thanh Khê năm học 2018 – 2019.

Cô giáo trường mầm non Bình Minh đọc sách cho học sinh, ảnh minh họa: Tấn Tài / GDVN.
Cô giáo trường mầm non Bình Minh đọc sách cho học sinh, ảnh minh họa: Tấn Tài / GDVN.

Trong đó, bậc mầm non có 15 chỉ tiêu giáo viên mầm non hạng IV, bậc tiểu học có 41 chỉ tiêu giáo viên tiểu học hạng IV.

Trong điều kiện đăng ký thi tuyển của quận này yêu cầu thì đối với bậc mầm non, người dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm mầm non trở lên, có trình độ ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn...

Đối với bậc tiểu học, cũng yêu cầu gười dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm tiểu học hoặc Đại học sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn đăng ký dự tuyển…

Theo tìm hiểu, sau kỳ thi tuyển, nhiều giáo viên (đều có trình độ Đại học trở lên) trúng tuyển đã đến nhận quyết định phân công công tác.

Sự thật về lương và phụ cấp của nhà giáo, có ai tin được những con số dưới dây?

Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 20 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non thì đối với giáo viên mầm non hạng IV (chỉ đòi hỏi có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên) thì mức lương được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số lương 1,86 - hệ số lương bậc trung cấp).

Nhiều giáo viên trúng tuyển đã bày tỏ bức xúc vì dù tốt nghiệp Đại học nhưng khi về nhận công tác giảng dạy, họ phải nhận mức lương hệ trung cấp.

“Với mức lương hệ số 1,86, kể cả các khoản phụ cấp thêm thì mỗi tháng em thực nhận chưa đến 2,7 triệu đồng. Với các khoản chi phí đắt đỏ ở một thành phố lớn thì mức lương đó không đủ để trang trải”, một giáo viên mầm non chia sẻ.

Cũng theo giáo viên này thì có nhiều “bất công” đối với giáo viên được tuyển dụng căn cứ theo các Thông tư này.

“Thứ nhất, cùng một bậc học nhưng những giáo viên tốt nghiệp Đại học hay trung cấp đều phải nhận mức lương như nhau là không hợp lý.

Giáo viên hợp đồng cay đắng cất bằng khen, chứng nhận dạy giỏi để…tìm việc khác

Thứ hai, những giáo viên được tuyển dụng trước khi Thông tư này có hiệu lực lại được hưởng mức lương ngang với trình độ của họ, còn từ năm 2016 (sau khi Thông tư có hiệu lực) trở đi thì phải hưởng mức lương trung cấp”.

Tương tự như vậy, đối với bậc Tiểu học thì áp dụng thông tư 21 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập thì các giáo viên tốt nghiệp Đại học trúng tuyển cũng chỉ được xếp loại là giáo viên tiểu học hạng IV (có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên).

Mức lương mà các giáo viên này được áp dụng là hệ số lương viên chức loại B (1,86).

Nhiều giáo viên cũng băn khoăn khi quy định tiêu chuẩn đầu vào là trình độ Đại học trở lên nhưng mức lương áp dụng lại là hệ trung cấp (!?).

Nhiều giáo viên trúng tuyển không đến nhận quyết định

Ông Đặng Hữu Yên – Trưởng phòng Nội vụ quận Thanh Khê (Đà Nẵng) thừa nhận những bất cập của các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dẫn đến những bất cập trên.

Thành tích nào của giáo viên dùng để nâng lương trước niên hạn?

Theo ông Yên thì sau kỳ thi tuyển dụng giáo viên đối với ba bậc học gồm: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, Ủy ban nhân dân quận đã tiến hành làm quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp thí sinh trúng tuyển.

Tuy nhiên, đã xảy ra trường hợp nhiều giáo viên trúng tuyển không đến nhận việc.

“Có nhiều lý do thí sinh không đến nhận quyết định như: chuyển đến nơi làm việc khác, hoàn cảnh gia đình… Có thí sinh vì mức lương quá thấp.

Các thí sinh này tốt nghiệp Đại học ra nhưng đối với vị trí tuyển dụng này thì chỉ được nhận mức lương trung cấp. Do đó, họ không đến nhận công tác”, ông Yên nói.

Theo ông Yên thì hiện ở bậc tiểu học và mầm non thì giáo viên phải nhận lương trung cấp (dù tốt nghiệp Đại học), còn bậc trung học cơ sở thì nhận mức lương cao đẳng (dù tốt nghiệp Đại học).

Điều này khiến nhiều giáo viên dù trúng tuyển những không đến nhận lớp. Các giáo viên đang giảng dạy cũng “tâm tư” vì mức lương không đáp ứng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, thực tế, các thông tư liên tịch của Bộ giáo dục và Bộ Nội vụ đang khiến nhiều giáo viên dù tốt nghiệp Đại học nhưng phải nhận mức lương trung cấp, cao đẳng.

Giáo dục - Có hay không sự bất công đến từ chính sách?

“Hiện trên địa bàn quận thì chưa có trường hợp nào giáo viên nghỉ việc vì chính sách này. Nhưng đây là một bất cập cần phải tháo gỡ.

Bởi xu thế là nâng chuẩn giáo viên, đòi hỏi giáo viên có trình độ chuyên môn nhưng lại áp một mức lương không phù hợp.

Về số liệu cụ thể giáo viên học Đại học phải nhận lương trung cấp, cao đẳng trên địa bàn quận thì Phòng Nội vụ nắm cụ thể, chi tiết hơn”, bà Hà cho hay.

Liên quan đến những bất cập của 3 thông tư này, Đà Nẵng đã có kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét giải quyết vấn đề này. Chúng tôi sẽ đề cập trong các số báo sau.

Tấn Tài