Khát vọng chở chữ ra đảo Trường Sa

05/01/2019 06:49
Hưng Long
(GDVN) - Ấp ủ ước mơ chở chữ ra đảo Trường Sa của người thầy đi từ khát vọng đến hiện thực.

Bài trước

Chuyện “trồng người” trên đảo

Hằng ngày, mỗi buổi sáng, thầy Bành Hữu Tình - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) thường thức dậy lúc 5h để tập thể dục và làm vệ sinh xung quanh khuôn viên nhà trường.

Trên đảo, chỉ cần một tiếng gà gáy sớm cũng đủ làm vang vọng, đánh thức người dân bắt đầu cho một ngày mới.

Các em học sinh trong một tiết mục văn nghệ của lớp. (Ảnh: H.T)
Các em học sinh trong một tiết mục văn nghệ của lớp. (Ảnh: H.T)

Người dân lại cùng thức dậy để tập thể dục dưới ánh bình minh bên những chiếc lá còn đọng giọt sương mai.

Sau đó, thầy Tình bắt đầu chuẩn bị cho công việc giảng dạy và các em học sinh được phụ huynh dắt tay đến lớp.

Phụ huynh rất quan tâm đến việc học của các em và luôn phối hợp với nhà trường trong vấn đề giáo dục các cháu trong mọi hoạt động.

Nhờ sự gắn kết và phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh nên các em học sinh luôn ngoan, lễ phép; biết vâng lời và có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Buổi trưa đến, khi tiếng trống tan trường vang lên cũng là lúc các em học sinh lần lượt ra về. Thầy Tình lại kết thúc một ngày cùng các em đùa vui với những con chữ.

Học sinh trên đảo Trường Sa. (Ảnh: H.T)
Học sinh trên đảo Trường Sa. (Ảnh: H.T)

Ở trên đảo, quân và dân chỉ hướng đến các trò chơi thể thao để rèn luyện cơ thể và tránh các loại bệnh tật. Các môn thể thao thường xuyên được tập luyện, như: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn…  

Buổi tối, ti-vi là người bạn thân thiết của quân và dân trên đảo. Thầy Tình cùng mọi người xem các chương trình thời sự và giải trí để nắm bắt kịp các sự kiện đang diễn ra ở đất liền.

Thầy Tình dành những ngày nghỉ hay cuối mỗi buổi chiều để tăng gia trồng rau xanh, chăm sóc và tưới hoa, cây cảnh.

Rau xanh và thịt là những thức ăn hiếm hoi nên được người dân nuôi trồng và chăm sóc từng tí một. Rau sống nhờ nước ngọt mà nước ngọt dành cho sinh hoạt trên đảo còn khan hiếm nên trồng được cho cây đến lớn không phải đơn giản.

Các em học sinh tập thể dục giữa giờ. (Ảnh: H.T)
Các em học sinh tập thể dục giữa giờ. (Ảnh: H.T)

Thầy Tình phải chắt chiu từng giọt nước, sử dụng cho sinh hoạt cá nhân rồi mới dùng làm nước tưới rau, cây cảnh. Mùa mưa thì hứng nước mưa, còn mùa khô hạn thì nước sinh hoạt dùng rất dè xẻng.

Vào những dịp lễ, thầy Tình còn tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thi đấu thể dục thể thao trên đảo. Nhiều phong trào sôi nổi có sự góp mặt cùng quân và dân luôn đầy ắp tiếng cười.

Sức sống mãnh liệt nơi đảo xa

Thầy Tình kể, rác thải và rác sinh hoạt trên đảo cũng là vấn đề đáng quan tâm của người dân. Ở trên đảo, mà đặc biệt là Trường Sa thì ý thức bảo vệ môi trường phải đặt lên hàng đầu.

Để các học sinh làm theo, thầy Tình tiên phong trong các hoạt động vệ sinh môi trường do lãnh đạo trên đảo tổ chức. Thầy và người dân sống trên đảo luôn để tâm đến các loại rác không thể tiêu hủy và có thể gây hại ra môi trường.

Phong trào luyện tập thể thao trên đảo Trường Sa. (Ảnh: H.T)
Phong trào luyện tập thể thao trên đảo Trường Sa. (Ảnh: H.T)

Nhờ đó, các em học sinh hình thành tính cách bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ.

Sống xa gia đình, xa người thân, thầy Tình xem Trường Sa như mái nhà và quân – dân trên đảo như người thân.

Trường Sa khai giảng năm học mới 

Mỗi chiều, nhìn tia nắng cuối cùng đang tắt dần ở góc chân trời giữa biển cả mênh mông mà lòng thầy Tình thấy nao nao.

Thầy Tình chia sẻ, thầy thường hay hát khi ngồi ngắm ánh hoàng hôn: “Mỗi tia nắng mai rực hồng màu xanh biển đảo, rọi sáng dáng hình của Tổ quốc giữa khơi xa”. Hình ảnh ánh hoàng hôn cuối ngày tắt đi hứa hẹn một ngày mới sẽ lại đến.

Đây cũng chính là hình ảnh đã để lại trong thầy Tình nhiều kỷ niệm đẹp nhất về đảo Trường Sa thân yêu, nơi được mệnh danh là “Thủ đô” trên biển của Việt Nam.

Các em học sinh lớp trên biểu hiện sự yêu thương, sẻ chia cuốn tập, cây bút cùng học sinh lớp nhỏ hơn. (Ảnh: H.T)
Các em học sinh lớp trên biểu hiện sự yêu thương, sẻ chia cuốn tập, cây bút cùng học sinh lớp nhỏ hơn. (Ảnh: H.T)

Thầy Tình khẳng định, khi hoàn thành nhiệm vụ dạy học trên đảo sẽ không quên được những hàng cây phong ba, cây bàng vuông và cả những cây bão táp xanh phủ bóng mát xen kẽ, hòa quyện vào nhau.

Những hàng cây tạo nên một hình ảnh mạnh mẽ của sức sống mãnh liệt, một không khí mát mẻ, trong lành và dễ chịu.

Nếu những hàng cây chỉ là hình tượng ví von về sự gắn kết của sức sống trên đảo thì sự đoàn kết, gắn bó keo sơn của cán bộ, chiến sĩ với quân và dân trên đảo lại là minh chứng cho sự nồng ấm, nghĩa tình.

Thầy Bành Hữu Tình đúc kết vấn đề, đó cũng chính là yếu tố then chốt, quyết định tạo nên sức mạnh vững chắc để tất cả cùng hướng đến một mục tiêu “Bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương Việt Nam”.

Hưng Long