Rác kỷ yếu phá hỏng hình ảnh của học sinh, sinh viên

04/01/2019 13:52
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhiều người lắc đầu ngán ngẩm trước những bộ kỷ yếu “sáng tạo” quá trớn của các bạn học sinh, sinh viên.

Nhiều người lắc đầu ngán ngẩm trước những bộ kỷ yếu "sáng tạo" quá đà của học sinh, sinh viên.

Từ rác trong ý tưởng

Mới đây dư luận xã hội lại được một phen dậy sóng khi trang Fanpage cộng đồng sinh viên HCMUPer’s Confessions đăng loạt ảnh hai cô sinh viên sư phạm mặc áo dài với quần đùi chụp ngay tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Xung quanh vấn đề này có rất nhiều ý kiến tranh cãi phần lớn chỉ trích ý tưởng và hành vi phản cảm của hai nữ sinh khi kết hợp trang phục dân tộc áo dài với quần đùi.

Hình ảnh của hai nữ sinh Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh bị dư luận ném đá
Hình ảnh của hai nữ sinh Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh bị dư luận ném đá

Vũ Mai Phương, một cô giáo mầm non mới nhận công tác bày tỏ:

"Mình cũng từng trải qua quãng thời gian sinh viên như các bạn. Cũng đã từng nghịch ngợm đủ trò. Ai cũng nói nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.

Tuy nhiên khi các bạn trưởng thành, đi làm, đứng trên bục giảng các bạn mới thấy những hành động nông nổi trước đây thật dại dột.

Khi mình đứng trên bục giảng, vị trí, suy nghĩ về nghề cũng thay đổi, mình tự nhận thấy rằng những trò đùa gây phản cảm và ảnh hưởng đến hình ảnh người giáo viên là không nên có".

Rác kỷ yếu phá hỏng hình ảnh của học sinh, sinh viên ảnh 2Dù thế nào, đừng bao giờ xúc phạm thầy cô

Trần Thị Lan Hương, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết:

"Lớp mình cũng mới tổ chức chụp kỷ yếu. Cả lớp chụp ở trường với áo dài, áo cử nhân rất vui vẻ.

Sau đó bọn mình có đi chụp thêm ở Văn Miếu và tổ chức đi chơi.

Nhiều bạn bảo chụp như thế thì không vui phải có concept xịn, ý tưởng chất. Nhưng mà mình thấy cứ đơn giản như thế này là vui.

Kỷ yếu quan trọng cả lớp cùng nhau vui vẻ. Chứ bày vẽ ra nhưng sau này ra trường quên nhau thì mình thấy dù đầu tư đến mấy thì có ích gì".

Kỷ yếu đơn giản như thế này không phải cũng rất đẹp sao? (Ảnh: Vũ Ninh)
Kỷ yếu đơn giản như thế này không phải cũng rất đẹp sao? (Ảnh: Vũ Ninh)

"Mùa kỉ yếu" bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 hằng năm và kéo dài cho đến hết năm học. Đây là quãng thời gian các bạn sinh viên bắt đầu bước vào thời kì thực tập.

Nhiều năm trở lại đây, dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ và hái ra tiền.

Thay vì trước đây kỷ yếu chỉ chụp với áo dài hoặc bộ cử nhân thì hiện nay các bạn trẻ đã sáng tạo nhiều ý tưởng chụp kỷ yếu: độc đáo có, hài hước có, ý nghĩa cũng có.

Tuy nhiên đến hẹn lại lên cứ mỗi mùa kỷ yếu trôi qua lại có vài ý tưởng bị phê phán vì phản cảm hoặc phản giáo dục.

Điển hình là những bộ kỷ yếu khiến người xem "đỏ mặt" như nhóm sinh viên xếp hình chữ S.E.X tại Hoàng thành Thăng Long hay những bộ ảnh kỷ chụp các động tác, cử chỉ khiếm nhã. Mới đây nhất là hình ảnh 2 nữ sinh mặc áo dài, quần đùi.

Những bộ kỷ yếu phản cảm như thế này ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh học sinh, sinh viên trong mắt mọi người.

Hoàng Ngọc Chi, một tay máy chụp kỷ yếu thâm niên chia sẻ góc nhìn:

"Mình là một thợ ảnh chuyên chụp kỷ yếu tất nhiên mình rất muốn có nhiều khách. Và các bạn học sinh, sinh viên là đối tượng đem đến lợi nhuận rất nhiều cho studio.

Tuy nhiên nhiều lúc mình cũng thẳng thừng góp ý với khách những ý tưởng kỷ yếu không đẹp, không văn hóa.

Một bộ kỷ yếu đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước tiên phải có ý nghĩa, hợp giáo dục, hợp đạo đức, không trái luật. Bên cạnh đó bộ kỷ yếu phải tính toán đến cả chi phí nữa.

Thường những ý tưởng kỷ yếu này một do bên studio đề xuất, hai do các bạn sinh viên đề xuất.

Để xảy ra những hình ảnh phản cảm trên internet vừa rồi trách nhiệm đến từ hai bên: đơn vị chụp kỷ yếu và khách hàng.

Tuy nhiên lỗi chính vẫn ở các bạn sinh viên. Mình hiểu tâm lý của các bạn là thích vui tới bến nhưng đôi khi vui thôi đừng vui quá vì sẽ gây hiệu ứng ngược".

Như vậy có thể thấy những bộ kỷ yếu "rác" từ trong ý tưởng không nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Đây cũng là một bài học dành cho học sinh, sinh viên trước khi có ý định chụp kỷ yếu.

Cho đến nơi đâu cũng là rác

Công viên Yên Sở ngày chủ nhật thu hút hàng nghìn sinh viên các trường đại học đến vui chơi và chụp kỉ yếu.

Theo ghi nhận của phóng viên có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chụp ảnh lựa chọn nơi đây là điểm đến trong tour kỉ yếu.

Rác kỷ yếu phá hỏng hình ảnh của học sinh, sinh viên ảnh 4Để học sinh trở thành công dân toàn cầu, trường học phải làm gì?

Vì thế có hàng trăm chiếc ô tô ngang nhiên đậu ngoài đường, thậm chí còn đi cả vào trong công viên.

Do lượng sinh viên đến công viên quá đông nên lượng rác thải cũng tăng theo tỉ lệ thuận.

Khắp công viên nơi đâu cũng thấy rác thải, vỏ lon, vỏ hoa quả…Điều đáng nói ở đây một bộ phận các bạn sinh viên cũng không có ý thức vệ sinh môi trường. Khi đến thì mang rác đến, khi đi thì để lại rác.

Bạn trẻ ơi! ngồi trên rác mà không thấy vấn đề gì sao? (Ảnh Vũ Ninh)
Bạn trẻ ơi! ngồi trên rác mà không thấy vấn đề gì sao? (Ảnh Vũ Ninh)

Thậm chí nhiều bạn còn ngang nhiên bước vào trong khu vực cấm, giẫm nát lên cây cối. Và khi các bạn sinh viên ra về thì khắp công viên nơi đâu cũng là rác.

Rác từ Yên Sở rác ra Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long và nhiều di tích lịch sử khác gây khó chịu cho nhiều người dân đặc biệt là các công nhân vệ sinh môi trường.

Anh Ngô Văn Dũng (Yên Sở - Hà Nội ) cho biết:“Mình cũng hay ra công viên vào mỗi buổi chiều. Quả thật hôm nay rất đông, đông hơn nhiều ngày thường, thậm chí dịp lễ tết.

Rác hôm nay cũng nhiều hơn mọi ngày, hầu hết do các bạn sinh viên xả rác ra công viên. Nhưng chỉ có một số các bạn ở lại dọn, còn lại hầu hết đều không dọn.

Cái này thì sẽ có công nhân dọn vào đêm. Nhưng nếu các bạn sinh viên có ý thức hơn thì sẽ để lại hình ảnh đẹp hơn”.

Nháy "có tâm" trèo lên cả ngọn cây để chụp ảnh (Ảnh: Vũ Ninh)
Nháy "có tâm" trèo lên cả ngọn cây để chụp ảnh (Ảnh: Vũ Ninh)

Chị Vũ Thị Sen, công nhân vệ sinh môi trường cho biết:“Sợ nhất những ngày chụp kỷ yếu vì lượng người đổ về rất đông chật kín cả công viên.

Những ngày này bọn tôi phải làm việc vất vả hơn thứ nhất do lượng người đông, thứ hai do lượng rác nhiều.

Rác tràn lan đủ các thể loại. Nhiều nhóm họ cũng có ý thức dọn rác nhưng nhiều bạn sinh viên thản nhiên ra về mà không dọn rác.

Tôi chỉ mong các bạn đi chụp kỷ yếu thì khi đến mang theo rác  khi đi cũng nên dọn rác và có ý thức bảo vệ cảnh quan”.

Như vậy câu chuyện xả rác mùa kỷ yếu mặc dù không phải là câu chuyện mới và năm nào cũng được bàn tới. Nhưng khi mà tình trạng này không được cải thiện theo chiều hướng tích cực thì có lẽ các bạn học sinh, sinh viên cũng nên nhìn nhận lại mình để kỷ yếu không mất đi giá trị tốt đẹp vốn có.

Vũ Ninh