Thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm nhằm ngăn chặn vi phạm an toàn thực phẩm

10/01/2019 06:15
Vương Thủy
(GDVN) - Năm 2019, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai hai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngày 28/12/2018, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2019.

Theo đó, năm 2019, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai hai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm:

Đợt 1, thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân năm 2019.

Đợt 2, thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019.

Trong dịp Tết Trung thu, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm đối với sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý quy định tại Phụ lục II, III, IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018.

Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh/thành phố báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Bộ Công Thương chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và tổng hợp báo cáo trong dịp Tết Trung thu 2019).

Kiểm tra an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân. Ảnh minh họa: TTXVN
Kiểm tra an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Thanh tra, kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm nêu trên, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ ban hành kế hoạch để chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra với thành phần đủ mạnh.

Cụ thể gồm: Các Bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và các Bộ, ngành chức năng có liên quan;

Các cơ sở kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Bộ Y tế và các Bộ quản lý chuyên ngành, trường hợp cần thiết sẽ trưng tập các la bô khác có khả năng kiểm nghiệm để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Mời đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia kiểm tra theo Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký ngày 30/3/2016.

Căn cứ vào kế hoạch trên, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch của Ban Chỉ đạo và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm thường xuyên liên tục về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm được quy định và theo đúng nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018;

Thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm nhằm ngăn chặn vi phạm an toàn thực phẩm ảnh 2Báo động nhiều trường hợp mất mạng vì ăn tiết canh lợn

Thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm quy định tại Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của Trung ương khi thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng đã có những hướng dẫn cụ thể về kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong các ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.

Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm ở các khâu: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường;

Việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi;

Kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, hóa chất bảo vệ thực vật; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi, chất vàng ô trong chế biến thực phẩm; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu.

Các đơn vị chức năng cần tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm hậu kiểm.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả mạnh mẽ, quyết liệt như: đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tịch thu tang vật, tạm dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm; áp dụng thu hồi các loại giấy chứng nhận đã cấp theo thẩm quyền.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường.

Vương Thủy