Chúng tôi đã có Tết rồi, nhưng vẫn còn lo lắm

18/01/2019 06:46
Thủy Trúc
(GDVN) - Ai có thể thấu hiểu và cảm thông cho những thầy cô giáo nghèo cũng làm việc cả năm phải đợi đến đêm 30 mới dám đi chợ sắm Tết?”

Thông tin giáo viên được nhận 2 tháng lương trước Tết đã làm nhiều thầy cô giáo trường tôi hoan hỉ.

Niềm vui như lan tỏa khắp trường. Nhiều tiếng nói thốt lên “thế là có tiền trả nợ, có tiền sắm Tết rồi”.

Có giáo viên giọng buồn buồn cảnh báo “cũng chỉ là ăn trước trả sau, có phải họ cho luôn đâu mà vui đến thế? Nhận trước rồi qua Giêng dài cổ mà ngóng”.

Người đáp lại rằng “biết thế, nhưng ngày Tết mà không có mấy đồng bạc đi tết ông bà, sắm sửa cỗ bàn, mua cho con bộ đồ mới thì không thể được. Thôi cứ ăn trước, qua Giêng ăn mắm mút giòi qua ngày cũng được”.

Lương và phụ cấp nhà giáo thấp hơn nhiều ngành (Ảnh minh họa của VTV)
Lương và phụ cấp nhà giáo thấp hơn nhiều ngành (Ảnh minh họa của VTV)

Lương nhận hai tháng tiền trả nợ cũng gấp đôi

Thế nhưng, dù được mượn trước tháng lương thì tiền vào chưa nóng tay, tiền ra không gì cản được.

Nhận lương 2 tháng, những khoản nợ vay theo lương cũng phải trả 2 tháng (có ngân hàng chưa thu nhưng khoản tiền này vẫn phải dành riêng mà không được phép tiêu vào).

Thầy cô nào trong trường mà không là con nợ ít nhất 2 đến 3 thậm chí là 4 ngân hàng. Người lương ít nợ ít, người lương nhiều nợ nhiều.

Không nợ ngân hàng thì làm sao có tiền mua đất, tiền cất nhà, có tiền mua xe, mua điện thoại, sắm bộ vi tính để soạn bài, mua laptop cho con học hành?

Rồi gửi tiền nuôi con ăn học hàng tháng? hàng chục khoản phải cấu vào đồng lương ít ỏi chỉ dăm bảy triệu đồng một tháng.

Nhiều gia đình thày cô, tết đến trong nhà không có nổi vài chục bạc

Ngoài trả nợ ngân hàng còn liệt kê hàng chục khoản nợ phải trả trong kì lương Tết.

Tiền bảo hiểm y tế đến kì phải nộp gần 700 ngàn đồng, tiền góp huê (hàng tháng, chúng tôi đều dành một khoản tiền góp lại rồi luân phiên trong trường cho ai cần thì mượn trước).

Trả mọi khoản nợ (gối đầu) còn tồn đọng trong năm như tiền ga, tiền gạo…trả những khoản nợ vay gấp phát sinh trong tháng khi lương không xoay đủ…

Theo quan niệm của nhiều người, dù ăn đói mặc rét nhất định không để mọi khoản nợ (trừ những khoản vay mượn ngân hàng) ai đó dây dưa qua năm. Thế nên dù được nhận hai tháng lương thì tiền vào chưa nóng hổi, tiền ra cũng sạch dần.

Khéo gói thì no khéo co thì ấm

Dù phải trả nhiều khoản nợ nhưng được mượn trước một tháng lương những ngày giáp Tết cũng giúp được nhiều gia đình nhà giáo chúng tôi qua được cơn túng khó.

Sau khi trang trải mọi khoản nợ vay, số tiền dành lại người nhiều cũng khoảng 7-8 triệu. Người ít cũng có dăm triệu đồng.

Nhớ lại Tết năm ngoái, khi ngân hàng không cho nhận trước tháng lương nhiều giáo viên đã buồn đến não nề. Số tiền ít ỏi ấy, nhờ biết chi tiêu hợp lý Tết cũng đã đến với từng nhà.

Nào bánh mứt, hoa quả trái cây ngập bàn thờ, nồi măng kho với thịt, nồi thịt đông thơm lừng, những chiếc bánh chưng, những đòn chả, chục nem, thùng bia chờ người khai vị, cùng cành mai vàng rung rinh khoe sắc, những chậu bông cúc đại đóa nở rạng ngời, mấy đứa trẻ quần áo mới tung tăng nhảy múa…

Mỗi tháng, thầy cô được bao nhiêu tiền lương?

Cô Hường tếu táo “thiên hạ có gì mình cũng có thứ đó cho đỡ tủi thân. Tiền ít tiền nhiều không quan trọng, miễn mình biết chi tiêu có kế hoạch”.

Rồi cô bật mí “cứ để thiên hạ sắm sửa hết đi, 30 mình đi một vòng là đầy đủ”. Cái bí quyết mà cô Hường nói hầu như chúng tôi đều đang áp dụng và khá là hiệu quả.

Cũng cành mai, chậu bông chưng ngày Tết, nếu mua vào những ngày cận Tết giá cả phải tính bạc triệu. Thế nhưng ngày và đêm 30 giá chỉ còn phân nửa.

 Không ít thầy cô cũng day dứt “mình làm thế có ép nhà vườn khi họ vất vã cả năm chỉ trông vào ba ngày Tết?”.

Thế nhưng ai có thể thấu hiểu và cảm thông cho những thầy cô giáo nghèo cũng làm việc cả năm phải đợi đến đêm 30 mới dám đi chợ sắm Tết?”

Thủy Trúc