Bà Vũ Thị Xiêm lấy mác nhân đạo, thuê người giả làm học viên, mượn tiền chưa trả

25/01/2019 07:00
Tùng Dương
(GDVN) - Tất cả những người cho bà Vũ Thị Xiêm vay rất yên tâm vì giấy viết tay nhận nợ của bà Xiêm đều đóng dấu đỏ của trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn của anh Nguyễn Xuân Biết và một số người dân ở thôn Phú Nghĩa, Phú Kim, Thạch Thất, Hà Nội phản ánh về việc bà Vũ Thị Xiêm vay tiền của họ từ năm 2011 cho đến nay nhưng cố tình không trả.

Bà Vũ Thị Xiêm hiện trường trú tại thôn 8 xã Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội và là Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm.

Qua tìm hiểu, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam được biết hiện nay rất nhiều gia đình ở thôn Phú nghĩa, Phú Kim, Thạch thất đã cho bà Xiêm vay tiền.

Theo lời hứa mà bà Xiêm nói với họ khi vay tiền là để lấy kinh phí cho trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm chạy dự án, mua đất trồng rừng, sắp tới dự có dự án về thì bà Xiêm sẽ trả họ đủ cả gốc và lãi.

Tất cả những người cho vay đều rất yên tâm vì giấy viết tay nhận nợ của bà Xiêm có đóng dấu đỏ của trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm.

Đối với trường hợp anh Nguyễn Xuân Biết thôn Phú Nghĩa, Phú Kim, Thạch Thất thì bà xiêm vay tổng cộng là 3 tỷ 146 triệu đồng, với lời hứa sẽ trả lãi và gốc trong vòng 2 tháng.

Quá tin lời bà Xiêm, anh Biết đã đưa cả sổ đỏ thửa đất của gia đình mình đang ở để bà Xiêm làm thủ tục cầm vay vốn ngân hàng.

Hiện gia đình anh Nguyễn Xuân Biết đã nhận được quyết định thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự huyện Thạch Thất với nội dung đã đáo hạn vì anh không thể trả được gốc vay và lãi.

“Bố của tôi cũng vì suy nghĩ nhiều đến chuyện nhà nên ốm và mất”, anh Biết nói.

Được biết, số tiền người dân cho bà Xiêm vay, được họ vay từ nhiều người và ngân hàng, một số người đã bị chủ nợ tịch thu nhà cửa, phải đi ở nhờ.

Anh Nguyễn Xuân Biết cho bà Xiêm vay 3 tỷ 146 triệu đồng từ năm 2011. Ảnh: Tùng Dương.
Anh Nguyễn Xuân Biết cho bà Xiêm vay 3 tỷ 146 triệu đồng từ năm 2011. Ảnh: Tùng Dương.

Vì giấy nợ có đóng dấu Trung tâm nên người dân tin tưởng giao tiền mà không hề biết tiền của mình được sử dụng như thế nào? Giờ thì họ nghi bà Xiêm mượn danh trung tâm để huy động vốn.

Ông Đỗ Đăng Gia chủ xưởng mộc ở thôn 3, xã Canh Nậu, Thạch Thất trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam: “ Những năm trước, cách vài tháng bà Xiêm lại qua cơ sở mộc của tôi để mượn thợ về giả làm học viên học nghề tại trung tâm khi có đoàn kiểm tra đến”.

“Mấy người thợ của tôi ra Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm làm nghề mộc ở đó 1 ngày, khi về được bà Xiêm trả công 100 nghìn đồng 1 người.

Vì là chỗ quen biết nên tôi cũng nể mà cho mượn thợ chứ xưởng tôi cũng bận nhiều việc lắm”. Ông Gia nói.

Giấy vay nợ viết tay của bà Vũ Thị Xiêm đều có đóng dấu của trung tâm. Ảnh: Tùng Dương.
Giấy vay nợ viết tay của bà Vũ Thị Xiêm đều có đóng dấu của trung tâm. Ảnh: Tùng Dương.

Bà Môn hơn 60 tuổi ở Thôn Phú Nghĩa, phú kim thời điểm đó được bà Xiêm chỉ định làm lớp trưởng lớp học nghề cho biết: “Bà Xiêm nhờ tôi đi mời những người thuộc hộ khó khăn trong xã đến để tham gia lớp học nghề”.

Với lời hứa là sẽ được học nghề mây tre đan và mỗi ngày đi học còn được Trung tâm hỗ trợ 15 nghìn đồng tiền ăn trưa.

“Kết thúc khóa học nghề đó nhưng cả lớp không ai được hỗ trợ một đồng nào như lời hứa của bà Xiêm, học với tôi có bà Hoa là người cùng thôn”.

“Cả lớp chúng tôi với 100 người theo học 3 tháng và lớp đó chỉ có khai giảng chứ không có bế giảng”. Theo lời bà Môn.

Bà Vũ Thị Xiêm dùng dấu của Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm để vay tiền cho cá nhân. Ảnh: Tùng Dương.
Bà Vũ Thị Xiêm dùng dấu của Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm để vay tiền cho cá nhân. Ảnh: Tùng Dương.

Năm 2013 bà Thoa ở xã Tam Hiệp, Phúc Thọ có làm theo đặt hàng của bà Xiêm 90 mâm cỗ mời khách trong lễ khánh thành Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm với số tiền là 50 triệu đồng.

Sau đó bà Xiêm vay thêm của bà Thoa 30 triệu đồng nữa gộp lại thành số nợ 80 triệu đồng và hứa sẽ trả lại bà Thoa đầy đủ số nợ trên trong vài ngày nhưng từ đó cho đến nay bà Xiêm vẫn chưa trả.

Anh Khoái và anh Cảnh ở xã Tam Hiệp, Phúc Thọ có nhận lời với bà Xiêm đào 2 cái ao và trồng cây bóng mát trong Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm với giá là 600 triệu đồng, ao và cây đã xong cả mấy năm nhưng tiền công thì bà Xiêm vẫn chưa chịu trả.

Có thể nói việc vay tiền rồi chây ỳ không trả, thuê người làm việc nhưng cũng không trả tiền theo thỏa thuận thì có thể thấy bà Vũ Thị Xiêm đã có chủ ý từ trước chứ thực chất không phải vì Trung tâm của bà đang khó khăn như lời bà nói với các chủ nợ.

Cổng vào Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm tại thôn Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Cổng vào Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm tại thôn Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Theo giải thích về chuyện bà Vũ Thị Xiêm không chịu trả nợ vay hàng chục tỷ đồng, anh Đỗ Hữu Khương là con trai bà Xiêm và đồng thời cũng là Phó giám Đốc Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm cho biết:

“Đáng ra chúng tôi đã được ngân hàng giải ngân để có tiền trả nợ nhưng vì các chủ nợ cùng họp nhau lại và dùng chính số nợ đó ép chúng tôi phải gán nợ cả Trung tâm này, mục đích của họ là muốn chiếm đất trung tâm.

Thấy vụ việc ầm ỹ trên báo nên ngân hàng họ dừng lại không cho chúng tôi vay tiền nữa, vì thế chúng tôi không có tiền để trả nợ cho những người mà bà Xiêm đã vay”.

Máy ủi đang san lấp mặt bằng tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm. Ảnh: Tùng Dương.
Máy ủi đang san lấp mặt bằng tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm. Ảnh: Tùng Dương.

Cũng theo anh Khương cho biết: “Trong suốt những năm qua, Trung tâm duy trì một lớp dạy may với hơn 10 học viên khuyết tật, những lớp học thường có thời gian từ 4 đến 6 tháng mới hoàn thành, lớp này xong thì dạy lớp tiếp theo”.

Với số lượng học viên ít như vậy và thực chất là không có học viên thì không biết căn cứ vào đâu mà Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm vẫn đang cho san lấp mặt bằng rộng 2ha để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc dạy và học cho người khuyết tật ?

Phải chăng để xây dựng các khu dịch vụ cho thuê?

Hiện tại nhiều phòng học tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm đang cho người ngoài thuê để làm làm loa đài và đồ điện tử.

Bể bơi tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm đang được cho thuê dịch vụ. Ảnh: Tùng Dương.
Bể bơi tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm đang được cho thuê dịch vụ. Ảnh: Tùng Dương.

Bà Nguyễn Thị Sen ở thôn 6 Canh Nậu là Chủ tịch hội người khuyết tật huyện Thạch Thất cho biết:

“Năm 2004 bà Vũ Thị Xiêm có mời tôi tham gia lớp dạy nghề cho người khuyết tật và nhờ tôi đi mời những người khuyết tật trong huyện về để thành lập một lớp học mây tre đan”.

“Lúc mời thì bà Xiêm có nói sẽ đề bạt tôi là Phó giám đốc nhưng tôi không nhận lời vì mình có biết gì đâu. Thời điểm đó Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm vẫn chưa thành lập”.

Bản thân tôi cũng là người có khuyết tật ở chân nên đi mời mọi người cũng thông cảm nhận lời và cũng một phần họ rất tin tôi.

Ban đầu tôi mời được hơn 30 người khuyết tật, bà Xiêm lấy địa điểm Đình làng Canh Nậu làm lớp học nghề, hơn 30 người theo học lớp mây tre đan cùng một giáo viên quê Hà Nam dạy lớp đó cũng ăn và sinh hoạt tại nhà tôi luôn.

Sân bóng đá tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm cũng đang được cho thuê dịch vụ hàng ngày. Ảnh: Tùng Dương.
Sân bóng đá tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm cũng đang được cho thuê dịch vụ hàng ngày. Ảnh: Tùng Dương.

“Bà Xiêm có nói sẽ trả 400 nghìn 1 tháng để tôi mua gạo cho học viên những mãi bà ý mới đưa được 200 nghìn trong suốt 2 tháng duy trì lớp học, còn lại tôi đều tự bỏ tiền túi ra để mua ”, bà Sen cho biết.

Lớp lúc đó có 2 học viên quê Thanh Hóa ra học, bà Xiêm nói tôi thêm tên 2 người này vào danh sách giáo viên để tiện cho việc xin kinh phí hỗ trợ.

Mặt bằng tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm đang được mở rộng. Ảnh: Tùng Dương.
Mặt bằng tại Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm đang được mở rộng. Ảnh: Tùng Dương.

Trong thời gian duy trì lớp học, bà Xiêm có nhờ tôi kí khống một số giấy tờ như tăng số lượng học viên, giáo viên để hưởng tiền hỗ trợ nhưng tôi nhất quyết không kí.

Sau 3 tháng tôi thấy sợ vì bà Xiêm bảo làm những việc không đúng sự thật nên tôi không tham gia lớp nữa, tôi nghỉ thì hơn 30 học viên lớp đó cũng nghỉ luôn.

Sau đó mỗi khi có đoàn về để kiểm tra lớp học thì bà Xiêm lại nhờ tôi đi mời người tàn tật đến giả làm học viên nhưng tôi không đồng ý. Bà Xiêm đành mời người nhà, con cháu trong làng ra ngồi để  làm học viên.

Khi đoàn kiểm tra về thì bà Xiêm cho mỗi người đóng giả học viên 5 nghìn đồng, việc đó cả làng Canh Nậu đều biết.

“Mặc dù hiện nay không làm việc cho bà Xiêm nữa nhưng với tư cách là Chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thạch Thất, tôi thấy Trung tâm này gian dối ngay từ ngày đầu.

Chẳng qua chỉ lợi dụng người khuyết tật để huy động tiền của các tổ chức nhân đạo, phục vụ lợi ích cá nhân của bà Xiêm”, bà Sen nói.

Hiện tại bà Xiêm hiện vẫn sống ở địa phương nhưng số tiền vay của nhiều người lên đến hàng chục tỷ đồng thì bà vẫn ngang nhiên không trả.

Người dân tại địa phương cho rằng, hành vi lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản công dân của bà Xiêm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có biện pháp xử lý thích đáng, không thể để sự chây ỳ, coi thường pháp luật như vậy.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó chủ tịch  huyện Thạch Thất cho biết:

“ Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm được thành lập theo quyết định số 1949/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất cấp ngày 28/11/2006 có địa chỉ tại khu dưới đồng xã Dị Nậu huyện Thạch Thất với chức năng, nhiệm vụ chính là dạy nghề cho người khuyết tật”.

Về việc bà Vũ Thị Xiêm lợi dụng danh nghĩa Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm để huy động, vay vốn phục vụ mục đích kinh doanh cá nhân, ông Hồng cho biết sẽ tiến hành làm việc với cơ sở này và những người dân cho bà Xiêm vay tiền để xác minh.

“Nếu có chuyện lợi dụng danh nghĩa Trung tâm nhân đạo để vay vốn sử dụng sai mục đích, chúng tôi sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.” .

Tùng Dương