Muốn xóa bạo lực học đường chớ đổ hết trách nhiệm lên các thầy cô giáo phổ thông

09/04/2019 07:02
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Phải thừa nhận rằng bạo lực học đường đang là một vấn nạn, một thảm trạng rất nghiêm trọng không chỉ của ngành giáo dục mà còn của xã hội hiện nay.

LTS: Sau những vụ bạo lực học đường xảy ra mới đây, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình cho rằng không nên đổ lỗi tất cả cho giáo viên. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những con số biết nói

Mới đây, trong bài viết “Bạo lực học đường: phải sửa từ gốc” đăng trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 01/04/2019, tác giả Ngọc Hà cho biết:

“Theo báo cáo của liên bộ GD-ĐT và Công an, từ năm 2011-2018 có đến hơn 18.000 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường mà đối tượng liên quan là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên: hơn 11.000 vụ đánh nhau gây thương tích, hơn 200 vụ xâm hại tình dục, hơn 900 vụ uy hiếp tinh thần... 

Đáng nói, trong số này, gần 10.000 vụ diễn ra trong nhà trường!” [1]

Còn cách đây chưa đến một năm, hẳn mọi người vẫn còn nhớ hàng loạt vụ việc bạo lực học đường rất đau lòng như: vụ phụ huynh ở Long An vào trường bắt cô giáo phải quỳ gối, vụ cô giáo 3 tháng không giảng bài ở Thành phố Hồ Chí Minh, vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng, vụ học sinh đâm thầy giáo Quảng Bình,...

Chúng ta không bi quan hay nghiêm trọng hóa vấn đề nhưng nếu nói “giáo dục là chìa khóa”, “là quốc sách hàng đầu”; hay “thế hệ trẻ là tương lai của đất nước” thì với “những con số biết nói” trên, phải thừa nhận rằng bạo lực học đường đang là một vấn nạn, một thảm trạng rất nghiêm trọng không chỉ của ngành giáo dục mà còn của xã hội và đất nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa: Phunuvietnam.vn
Ảnh minh họa: Phunuvietnam.vn

Ở giác độ văn hóa xã hội, có nhiều nguyên nhân đưa đến vấn nạn bạo lực học đường. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ muốn tập trung nói về những vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành giáo dục.

Vì dù muốn dù không để xảy ra vấn nạn này thì ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm trước tiên (cụ thể hơn là những người đã và đang trực tiếp lãnh đạo và điều hành bộ máy này).

Trên cơ sở đó đề xuất một vài giải pháp cụ thể nhất nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thảm trạng đau lòng này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên chỉ biết đá quả bóng trách nhiệm về cho giáo viên

Thật lòng mà nói, đến giờ phút này tôi không còn thấy bất ngờ về những câu chuyện liên quan đến bạo lực học đường mà các cơ quan truyền thông đưa tin nữa.

Cũng giống như tôi không bất ngờ lắm về chuyện 5 học sinh nữ lớp 9 ở Hưng Yên đã đánh hội đồng bạn mình gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Tuy vậy, phải nói rằng tôi rất sốc và không thể tưởng tượng được vì sao các cháu gái đang ở độ tuổi vị thành niên lại có thể ra tay một cách lạnh lùng và tàn nhẫn với bạn mình như vậy?

Ngoài ra, tôi cũng thấy ngạc nhiên vì liên quan đến việc xử lý này tôi cảm cảm giác “những người có trách nhiệm” trong ngành giáo dục có vẻ như đang tìm cách đá quả bóng trách nhiệm hay tệ hơn là đổ hết mọi chuyện lên đầu các thầy cô giáo ở phổ thông – những người vốn chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong toàn bộ hệ thống giáo dục giáo dục hiện nay.

Đương nhiên chúng ta hoan nghênh sự vào cuộc rất kịp thời và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng như ông Bộ trưởng ngay khi vụ việc vừa xảy ra.

Muốn xóa bạo lực học đường chớ đổ hết trách nhiệm lên các thầy cô giáo phổ thông ảnh 2Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo

Tuy vậy, ngẫm kỹ lại tôi thấy phải chăng sự nhanh chóng và quyết liệt này chỉ có tác dụng trấn an dư luận trong nhất thời chứ về lâu dài e rằng những cách làm mang nặng tính sự vụ hành chính như thế này chắc gì đã mang lại hiệu quả.

Hay nói khác đi, về phương diện pháp luật, theo tôi, nếu trong quá trình điều tra cơ quan Công an đủ cơ sở kết luận Ban giám hiệu Trường trung học cơ sở Phù Ủng đã cố tình bao che, giấu giếm sự việc nghiêm trọng việc trên thì việc xem xét cách chức Ban giám hiệu trường này (thậm chí khởi tố hình sự theo quy định pháp luật) là cần thiết.

Nhưng nếu chỉ có thế thì bài toán bạo lực học đường về lâu dài cùng lắm cũng chỉ giải quyết được “phần ngọn” mà thôi.

Bởi không phải đã rất nhiều lần, cứ sau mỗi vụ việc như thế qua các phương tiện truyền thông chúng ta được nghe các lãnh đạo của ngành giáo dục cam kết và hứa hẹn sẽ “xử lý nghiêm để răn đe và làm gương” đó sao?

Rồi tiếp theo là các văn bản đề nghị các đơn vị, cơ sở đào tạo, trường học siết chặt kỷ cương, tăng cường quản lý thế nhưng bạo lực học đường vẫn cứ xảy ra, thậm chí về mức độ và tính chất những lần sau còn nghiêm trọng hơn những lần trước đó?

Còn nhớ, năm 2018, khi xảy ra các vụ việc bạo lực học đường (như vừa kể ở trên), người viết bài này đã phân tích và nêu vấn đề: nếu muốn giải quyết triệt để những tồn tại và yếu kém của nền giáo dục nước nhà trong đó có vấn nạn bạo lực học đường thì về mặt nhận thức, trước hết cần một sự trung thực và dũng cảm của những người đang nắm quyền quản lý và điều hành từ trung ương đến địa phương.

Muốn xóa bạo lực học đường chớ đổ hết trách nhiệm lên các thầy cô giáo phổ thông ảnh 3Trẻ em đang bị bỏ rơi bởi sự vô cảm của cộng đồng, của nhà trường

Đặc biệt, là cần từ bỏ lối tư duy theo kiểu nước đôi khi cho rằng “những tồn tại, yếu kém hay tiêu cực của ngành giáo dục chỉ là những hiện tượng cá biệt, lẻ tẻ chứ trên tổng thể giáo dục nước nhà vẫn đạt được nhiều thành tựu vượt bậc”...

Tất cả những vấn đề này được trình bày rất rõ ràng trong hai bài viết: “Vụ cô giáo quỳ: cần trị căn hơn trị chứng” [2] và “Thành lập tổ tư vấn về văn hóa giáo dục cho Thủ tướng, tại sao không?” [3] nhưng tiếc thay vẫn chẳng mấy người quan tâm dù rằng công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện đã và đang được triển khai rầm rộ.

Tóm lại, muốn giải quyết căn cơ vấn nạn bạo lực học đường, trước hết về mặt nhận thức bản thân lãnh đạo ngành giáo dục thật sự chân thành và cầu thị, dũng cảm nhận trách nhiệm và không đổ lỗi cho cấp dưới khi có những vấn đề không mong muốn xảy ra.

Bên cạnh đó, phải sâu sát và có tầm nhìn trong quản lý và điều hành; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nền hành chính giáo dục đang có nhiều bất cập và hạn chế hiện nay.

Phải làm sao tạo điều kiện và môi trường giáo dục thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ của họ.

Bằng ngược lại, với cách tư duy và nhận thức vấn đề mang nặng tính thời vụ như hiện nay thì mọi chuyện cũng sẽ đâu lại vào đó thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1] “Chống bạo lực học đường: phải sửa từ gốc”. Xem tại: https://tuoitre.vn/chong-bao-luc-hoc-duong-phai-sua-tu-goc-20190401073649056.htm

[2] “Vụ cô giáo quỳ: cần trị căn hơn trị chứng”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Vu-co-giao-quy-can-tri-can-hon-tri-chung-post184410.gd

[3]: “Thành lập Tổ tư vấn về văn hóa - giáo dục cho Thủ tướng, tại sao không?”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thanh-lap-to-Tu-van-ve-Van-hoa--Giao-duc-cho-Thu-tuong-tai-sao-khong-post185199.gd

Nguyễn Trọng Bình