Cách phòng tránh tác hại của nắng nóng

15/04/2019 08:19
An Nhiên
(GDVN) - Mặc đồ nhẹ, rộng để dễ toát mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.

Thời tiết nắng nóng gay gắt sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến cơ thể, đặc biệt là đối với người già và trẻ em. 

Khi trời nóng, bạn dễ bị mệt mỏi, say nắng, thậm chí ngất xỉu. Không những vậy, trời nóng còn khiến cơ thể khó chịu và có thể bị mất ngủ vào ban đêm. 

Nắng nóng gây ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN).
Nắng nóng gây ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN).

Những ảnh hưởng của nắng nóng đến sức khỏe

Khi tình trạng mất muối và nước kéo dài sẽ dẫn đến kiệt sức. Khi đó, bạn không chỉ ngất xỉu mà còn kèm theo các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn… 

Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. 

Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…), các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy). Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. 

Bên cạnh đó, tình trạng mất muối và nước kéo dài làm tăng thân nhiệt dẫn đến tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh.

Khi nhiệt độ cơ thể của bạn lên đến trên 40 độ C, sẽ có thể dẫn đến các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê.

Cách phòng tránh tác hại của nắng nóng ảnh 2Làm gì trước nguy cơ sốc nhiệt, kiệt sức khi trời nắng

Nhiệt độ cao và thiếu nước là điều kiện hoàn hảo nhất để phá hủy nội tạng của con người. Nhiệt độ bên trong tăng vọt, nhịp tim tăng lên, máu chảy chậm lại và các cơ quan bắt đầu ngưng hoạt động. 

Cách phòng tránh tác hại của nắng nóng

Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.

Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại. 

Bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi.

Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Lý tưởng nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…

Đối với những người làm việc ngoài nắng nóng lâu, mọi người cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

An Nhiên