Để cho con phúc đức, hay chỉ toàn tai tiếng!

05/05/2019 06:51
Trần Phương
(GDVN) - Các cụ nhà ta có câu: “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”, không rõ những vị có con bị nâng điểm đang để lại gì cho con cái mình?

Có thể khẳng định gian lận điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 là vụ gian lận lớn nhất từ trước đến nay của giáo dục nước nhà.

"Quan điểm của Bộ trong xử lý vi phạm thi cử là không có vùng cấm, xử lý nghiêm" 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 01/8/2018

Điểm chung dễ nhận thấy là các vụ việc gian lận đều diễn ra một cách có tổ chức, tinh vi, liều lĩnh, trắng trợn...

Đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện số thí sinh gian lận rất lớn: 221 thí sinh năm 2018 và 01 thí sinh năm 2017.

Gian lận tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã để lại những hệ quả vô cùng nghiêm trọng, gây nhiễu loạn đời sống học đường, làm mất niềm tin của xã hội vào môi trường giáo dục, làm tha hóa và xói mòn các giá trị đạo đức.

Tuy nhiên, dư luận không chỉ bất bình với 16 bị can trực tiếp can thiệp phá hoại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 mà con bất bình với các phụ huynh có con được nâng điểm.

Các vị phụ huynh đã dùng "quyền lực ngầm" thế nào để những kẻ này phá hoại nền giáo dục nước nhà? (Ảnh tổng hợp từ giaoduc.net.vn, tienphong.vn, Thông tấn xã Việt Nam)
Các vị phụ huynh đã dùng "quyền lực ngầm" thế nào để những kẻ này phá hoại nền giáo dục nước nhà? (Ảnh tổng hợp từ giaoduc.net.vn, tienphong.vn, Thông tấn xã Việt Nam)

Đến nay, cơ quan chức năng chưa làm rõ việc các vị phụ huynh có con được nâng điểm đã sử dụng thứ “quyền lực ngầm” gì để thực hiện hành vi sai trái, bất chấp mọi quy định, quy chế, bất chấp cả pháp luật.

Tại Hà Giang, địa phương đầu tiên phát hiện và xử lý những sai phạm liên quan đến điểm thi, Công an tỉnh đã kết thúc giai đoạn điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của bất cứ phụ huynh nào trong vụ gian lận thi cử, làm thay đổi điểm của đến 114 thí sinh.

Để cho con phúc đức, hay chỉ toàn tai tiếng! ảnh 2

Để gian lận điểm thi, trách nhiệm của các vị là gì?

Cũng cần phải nhắc lại một lần nữa là trong số phụ huynh đó có đương kim Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh.

Khác với các thí sinh Sơn La, Hòa Bình, thí sinh ở Hà Giang đã phải dùng điểm thực sau khi chấm thẩm định để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2018.

Còn tại Hòa Bình, Sơn La sau khi không công bố các thí sinh gian lận vì lý do được cho là "nhân văn", nhưng rốt cuộc cái kim trong bọc cũng không giấu được, thông tin lần lượt được công khai trên báo chí.

Vẫn còn sự nhiễu loạn trong việc công bố cụ thể danh tính phụ huynh có con được nâng điểm, thế nhưng sơ bộ, dư luận dễ dàng nhận thấy toàn con nhà quan chức, nhà có kinh tế mạnh được nâng điểm.

Vai trò thực sự của những phụ huynh này khiến các con được nâng điểm là gì? Trách nhiệm của các vị phụ huynh này trong các phi vụ nâng điểm vù vù ấy là gì?

Câu hỏi này của dư luận vẫn đang chờ những câu trả lời của cơ quan chức năng.

Thật đáng buồn khi danh sách phụ huynh có con bị nâng điểm tại Hòa Bình, Sơn La lại có rất nhiều người làm trong ngành giáo dục.

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất quyết tâm làm rõ và trả lại sự minh bạch cho kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, cũng đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ việc làm tới cùng trách nhiệm của những người có liên quan khi họ phá hoại giáo dục nước nhà.

Tất nhiên là không thể thiếu trách nhiệm của các vị phụ huynh trong việc con em họ vì sao được nâng điểm.

Bản danh sách phụ huynh học sinh được báo Tuổi trẻ công bố. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Bản danh sách phụ huynh học sinh được báo Tuổi trẻ công bố. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Những động thái trả về địa phương những thí sinh gian lận điểm thi và 16 bị can đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra có thể thấy cơ quan chức năng đã và đang rất quyết tâm.

Có thể nói, nền tảng của giáo dục luôn luôn bắt nguồn từ gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội.

Trong một gia đình mà bố mẹ thay vì dạy dỗ con cái bằng đạo đức, thay vì dạy cho con hiểu giá trị của lao động, lại lấy đồng tiền, lợi quyền làm thước đo thành công cho con thì tất yếu sẽ sản sinh ra những con người thiếu lòng tự trọng, xem thường người khác, sẽ gây nguy hiểm cho xã hội.

Để cho con phúc đức, hay chỉ toàn tai tiếng! ảnh 4Bộ Công an hứa công khai kết quả điều tra gian lận thi cử

Càng nguy hiểm hơn khi những đứa trẻ được trang bị tư tưởng có tiền, có quyền là có thể bẻ cong công lý sau này lại nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Trong vụ gian lận điểm, đích danh là cha mẹ đã thể hiện cái tôi quá lớn, thể hiện sức mạnh của quyền lực, của đồng tiền, vô tình làm hư hỏng con, làm hỏng cuộc đời mới chớm của con cái.

Các con họ học hành thế nào trong lớp thầy cô, bạn bè biết, không khó để nhận diện những bạn học làng nhàng thậm chí là học hành bết bát bỗng dưng thành những á khoa, thủ khoa những trường đại học danh tiếng.

Đổi lại những á khoa, thủ khoa ấy là sự khinh miệt của chính bạn bè cùng lớp của con họ.

Tới đây, cơ quan chức năng sẽ làm tới cùng trách nhiệm của những người phá hoại nền giáo dục nước nhà.

Trước khi đến với những phiên tòa công lý, không ít phụ huynh sẽ phải đối diện với chính bản thân mình khi chính họ tạo dựng ra những bị kịch đầu đời cho con cái họ.

Các cụ nhà ta có câu: “Cây xanh thì lá cũng xanh, cha mẹ hiền lành để đức cho con”, không rõ những vị làm cha, làm mẹ dùng ảnh hưởng, dùng “quyền lực ngầm” nâng điểm cho con thì họ đang để lại cho con họ điều gì?

Trần Phương