Chuyện trước mùa thi vào lớp 10 ở Hà Nội, học thêm tốt hay xấu?

10/05/2019 06:55
Công Tiến
(GDVN) - Trước mỗi kỳ thi việc học thêm tràn lan, không đúng cách đang tàn phá đi nền tri thức của thế hệ trẻ, mất đi tuổi thơ trong sáng, vui tươi của nhiều học sinh.

Tình trạng học thêm, dạy thêm trước mỗi mùa thi hay tới kỳ nghỉ hè trên địa bàn Hà Nội và một số thành phố lớn hiện vẫn còn diễn ra tràn lan.

Nếu làm không đúng cách làm nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền tri thức, đến sự phát triển tâm sinh lý của thế hệ trẻ tương lai, làm giảm đi tâm đức của người cầm phấn khi đặt nặng vấn đề lợi nhuận.

Năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào Tạo Hà Nội đã có chỉ tiêu cụ thể tuyển sinh vào lớp 10 cho 122 trường trung học phổ thông công lập và công lập tự chủ sẽ tuyển mới 67.235 học sinh.

Giao cho 4 trường trung học phổ thông chuyên tuyển mới 2.435 học sinh và 67 lớp (trong đó hệ chuyên tuyển mới 1.750 học sinh và 50 lớp).

Giao cho 110 trường trung học phổ thông công lập tuyển mới 62.055 học sinh và 1.383 lớp.

Giao cho 8 trường trung học phổ thông công lập tự chủ tuyển mới 2.745 học sinh và 63 lớp.

Phụ huynh lại bắt đầu tất tả tìm chỗ học hè cho con

Thực tế trước mỗi mùa thi

Phóng viên ghi nhận thấy thời gian chuẩn bị cho việc ôn thi vào lớp 10 thường xuyên diễn ra vào mỗi buổi chiều khoảng 18h sau buổi học chính ở trường và các ngày cuối tuần.

Các em vừa phải học chính ở trường, tối lại phải oằn mình đi học thêm tại các trung tâm ôn luyện thi. Một số em chỉ kịp ăn nhẹ cái bánh mỳ hay cốc chè rồi chạy vội vào lớp cho kịp giờ học… nhìn mà không khỏi chạnh lòng.

Thương các em học sinh mỗi mùa thi tuyển lại phải đánh vật với bài vở suốt ngày đêm. Thương những tâm hồn còn quá ngây thơ, non nớt đã phải gánh trên vai ước mơ của ba mẹ.

Riêng đối với học sinh lớp 9 thì lại vất vả gấp bội phần, học ròng rã suốt nhiều tháng trời với đủ các bài kiểm tra, bài thi…

Đến cuối năm học, các em lại phải chuẩn bị đối mặt với kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 ở các trường chuyên, lớp chọn với tỷ lệ chọi không hề đơn giản…

Tâm lý chung của nhiều phụ huynh là lo con em mình thua kém bạn bè nên đã ép con phải học ngày học đêm mà không nghĩ rằng chính họ đã góp phần rút ngắn tuổi thơ trong sáng và tươi đẹp của chính các con mình.

Nhiều phụ huynh lo cho con đã đưa con đi ôn thi, học thêm mà không nghĩ rằng chính họ đã góp phần rút ngắn tuổi thơ trong sáng, tươi đẹp của con mình. Ảnh: Công Tiến
Nhiều phụ huynh lo cho con đã đưa con đi ôn thi, học thêm mà không nghĩ rằng chính họ đã góp phần rút ngắn tuổi thơ trong sáng, tươi đẹp của con mình. Ảnh: Công Tiến

Học thêm đã trở thành liều thuốc tinh thần

Ghi nhận của phóng viên tại một số lớp ôn thi ở địa điểm ngách 3, ngõ 42 Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm, rất nhiều các bậc phụ huynh đưa con em mình đi học thêm vào mỗi buổi chiều sau khi các em học chính ở trường xong và các ngày nghỉ kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Bên trong lớp học rất đông các em học sinh, đôi khi vì nhu cầu học sinh đông có lớp học được mở kín đáo trên tầng cao với phòng học rất đơn sơ.

Chẳng biết trong số các học sinh hàng ngày đến lớp học thêm đó sẽ tiếp thu được bao nhiêu phần trăm kiến thức, bao nhiêu em thi đậu được vào trường chuyên lớp chọn, khi mà phụ huynh “thần thánh hóa” việc học thêm, xem việc học thêm như một trào lưu cho bằng bạn bằng bè.

Vấn nạn học thêm, dạy thêm diễn ra sôi động nhất có lẽ là vào thời gian trước mỗi mùa thi, hiện tượng đó không còn là vấn đề mới đối với giáo dục Việt Nam, thế nhưng việc dạy thêm, học thêm chưa bao giờ là nguội và vẫn luôn nhận được sự quan tâm từ rất nhiều người, đặc biệt là từ phía các bậc phụ huynh.  

Từ thực tế xã hội có cầu thì ắt có cung. Các lớp học thêm vẫn mở ào ào, công khai có, lén lút cũng có và vô số lớp dạy thêm núp bóng các trung tâm gia sư.

Phòng học tiếng Anh được mở thêm vì nhu cầu học sinh ôn tập vào lớp 10 đông và được mở kín đáo trên tầng 6 và phòng học rất đơn sơ. Ảnh: Công Tiến
Phòng học tiếng Anh được mở thêm vì nhu cầu học sinh ôn tập vào lớp 10 đông và được mở kín đáo trên tầng 6 và phòng học rất đơn sơ. Ảnh: Công Tiến

Học thêm chưa bao giờ là xấu, nhưng việc học - dạy thêm không đúng cách, hiểu sai về học thêm, một số người làm biến tướng việc học thêm, đặc biệt khi một số nhà giáo mang con chữ ra kinh doanh một cách bất chấp, để thu lại những khoản lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng giáo dục.

Nếu dạy thêm đúng với bản chất của tinh thần tự nguyện thì chẳng có gì mà xã hội lên án. Chỉ có điều một bộ phận không nhỏ giáo viên đang dạy thêm ở thành thị thường sử dụng chiêu bài “gợi ý”, o ép… học sinh không đi học thêm. Chính nó mới gây ra bao hiện tượng trái tai gai mắt, tạo luồng dư luận xấu trong xã hội.

Hệ quả của việc dạy thêm - học thêm không đúng cách sẽ tàn phá nền tri thức của thế hệ tương lai đất nước. Phải không ngoa khi nói rằng nó còn nghiêm trọng hơn cả nạn ô nhiễm môi trường, nước biển nhiễm độc, cá tôm chết hiện nay.

Từ bao giờ chuyện học thêm đã trở thành “liều thuốc tinh thần” cho phụ huynh học sinh, dẫu biết trước kết quả không như những gì mong đợi?

Qua đây, mong các bậc cũng là phụ huynh nhìn nhận đúng hơn về tầm quan trọng học thêm cho con em mình.

Cả một xã hội lao vào học thêm chẳng khác gì thêm “sóng” đẩy “thuyền”. Dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn đầy nhức nhối. Bao nhiêu công văn nhắc nhở, chấn chỉnh vẫn chỉ như “muối bỏ biển”. Học thêm, dạy thêm vẫn tràn lan.

Công Tiến