Nhớ một thời “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”

26/05/2019 08:14
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(GDVN) - Trong bối cảnh đạn bom như vậy, chúng tôi lớn lên như quả bầu quả bí mẹ trồng, trở nên “khôn trước tuổi” nhờ hoàn cảnh sống lúc bấy giờ...

Thuở ấy, lứa chúng tôi lên mười ba, mười bốn (1969) đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ  tăng cường đánh phá Miền Bắc ác liệt.

Không ngày nào là không có cảnh bom rơi, đạn nổ, cảnh đạn pháo cao xạ từ mặt đất bắn lên đánh trả nổ ran trời. Nếu ngày nào không có máy bay Mỹ ném bom, bắn phá thì ngày đó có điều gì đó không được bình thường!

Thông thường, máy bay Mỹ đánh phá các mục tiêu trọng điểm là cầu cống, kho tàng, bến bãi, bất kể đó là mục tiêu quân sự hay dân sự.

Máy cày đang cày trong đêm, bật đèn pha cũng bị máy bay Mỹ kéo đến thả pháo sáng và ném bom. Về sau, rút kinh nghiệm, máy cày làm việc những đêm trăng sáng, còn ban ngày được cất giấu dưới các lùm cây xanh.

Hoặc cảnh bom rơi đạn lạc thường xảy ra bất cứ lúc nào. Vì khi máy bay lao xuống cắt bom, đạn pháo các loại bắn trả quyết liệt, nó phải quăng bom bừa bãi để thoát thân nên bom có thể rơi trúng nhà dân, trường học…

Trong bối cảnh đạn bom như vậy, chúng tôi vẫn lớn lên như quả bầu quả bí mẹ trồng. Dường như hồi ấy, chúng tôi trở nên “khôn trước tuổi” nhờ hoàn cảnh sống lúc bấy giờ…

(Ảnh minh họa: tài liệu).
(Ảnh minh họa: tài liệu).

Mặt khác, chúng tôi theo chân các anh chị thanh niên làm những công việc vừa sức mình theo hướng dẫn, phân công nên cũng học tập được rất nhiều kỹ năng mà các bậc đàn anh đi trước chỉ bảo.

Chúng tôi trong những ngày nghỉ học, nghỉ hè theo chân các anh chị ra đồng; đi lên đồi trực chiến bởi phong trào thanh niên nông thôn hồi bấy giờ hoạt động rất mạnh mẽ, đầy háo hức của tinh thần tuổi trẻ.

Trước hết là phong trào làm phân xanh bón đồng ruộng vì lúc này phân đạm, ka li, phân lân (nói chung là phân vô cơ, rất hiếm có). Phong trào làm phân xanh cho “cánh đồng năm tấn” được phát động rộng rãi, lan tỏa  khắp mọi miền quê.

Hàng tháng, mỗi chi đoàn xóm, thôn làm từ ba đến bốn hố ủ phân xanh. Chúng tôi được phân công đi lượm, hót phân trâu bò khắp nẻo đường quê, đồng bãi. Công việc này vừa làm sạch môi trường, vừa có phân bón ruộng.

Các anh chị thanh niên thì đi tìm cây xanh như điền thanh, cỏ lào (còn gọi là cây bớp bớp, cây phân xanh) mang về chặt nhỏ chất thành đống.

Một tốp khác thi nhau đào hốn sâu khoảng bảy tấc, dài ba, bốn thước và rộng từ hai thước để làm hố ủ phân.

“Nguyên liệu” là lá cây xanh, bùn ao và phân trâu bò trộn lẫn. Bùn ao được đưa đến và các anh chị phủ một lớp dày lên trên và làm một ống thông hơi bằng đốt cây tre. Một khẩu hiệu được dựng lên “Hố phân đầy chôn thây Mỹ- Thiệu!”.

Hơn mười ngày sau, lớp bùn đã khô, lá đã hoai mục là lúc dỡ phân đưa ra đồng. Tùy theo sức lực, chúng tôi gánh những gánh nhẹ hơn, các anh chị đảm đương phần công việc gánh nặng. 

Mang ra đến đồng, các bác xã viên xúc phân rải theo từng luống ngô, luống khoai, luống đậu để mùa màng bội thu hơn…

Những ngày nghỉ mùa, chúng tôi tham gia thu hoạch ngô, đi gặt lúa, thu hoạch lạc, đậu, vừng… Hồi đó, một năm vào mùa thu hoạch nông sản, học sinh được “nghỉ mùa” một tuần lễ để giúp gia đình.

Thu hoạch ngô khá vất vả. Ngô bãi phù sa phát triển tốt lắm! Những bắp ngô cao quá đầu lũ trẻ chúng tôi, nhiều khi phải với tay mới bẻ được. Lá ngô sắc bén, cào cứa rách thịt da.

Nhớ một thời “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” ảnh 2Địa đạo Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Trời nắng nóng, mồ hôi tuôn ra, xót và ngứa vô kể. Đầy gánh, chúng tôi hăm hở gánh về, nhập vào kho hợp tác xã trong niềm vui của tuổi nhỏ…

Thu hoạch lạc thật vui bởi ngay từ sáng sớm tinh mơ khắp cánh đồng đã rộn vang tiếng cười nói rôm rả.

Chúng tôi mang vài đoạn tre dài chừng hai thước. Ra đến cánh đồng, chúng tôi lấy đòn gánh buộc chung thành cái nạng ba chân thế chân kiềng vững chãi. Thế chân kiềng, thế đứng bốn ngàn năm - chúng tôi thường đùa với nhau như vậy!

Xong đâu đó, lấy dây lạc phủ lên là chúng tôi đã có một “túp lều lý tưởng” để ngồi rứt củ lạc mặc cho ngoài trời nắng đã tăng độ nóng dần lên.

Ngồi trong túp lều bé nhỏ, một bên là vắt cơm nắm, một bên là quả bầu hồ lô đựng nước chè xanh; gió nồm nam từ bờ sông đưa lên rười rượi, xua đi phần nào cái nóng nực đầu hè…

Thỉnh thoảng có ai đó bắt được ổ trứng đa đa. Chú đa đa chạy thật nhanh vào đám cỏ trốn. Chim đa đa chỉ sống trong lùm cây cỏ, không bay cao, không đậu cành cao như trong bài hát nào đó: “Con đa đa đậu cành cây đa”. Chắc người viết chưa có kiến thức về loài chim này nên mới viết như thế.

Các bà, các chị vừa rứt lạc, vừa đọc những câu Kiều thật vui: “Việc nhà đã tạm thong dong/ Tinh kỳ giục giã đã mong độ về” hoặc cảnh Từ Hải qua lầu hồng thăm Kiều “Lần thâu gió mát trăng thanh/ Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi…”.

Thu hoạch vừng phải thật kỹ càng mới không bị các bà, các chị rầy la. Thứ nhất là phải đốn cây vừng bằng dao sắc bén. Thứ hai là cứ ba nắm thì phải dựng lên, chụm vào nhau khỏi ngã. Thứ ba là khi gánh về, để đầu cây lên; không được chúc đầu ngọn cây vừng xuống vì làm như thế, hạt vừng sẽ bị rơi xuống hết.

Ngược lại, khi phơi cứ ba bốn bó chụm làm một, chúc ngọn trở xuống cho hạt rơi ra ngoài.

Hồi ấy có một phong trào thật đẹp, mang tính giáo dục cao. Đó là quy định cứ vào cuối tuần, tất cả các xóm, thôn đều phải làm tổng vệ sinh đường sá mà nòng cốt là các anh chị thanh niên.

Chúng tôi theo các anh chị cùng chặt cây, làm cỏ, quét đường, sau cùng là vun thành đống rồi đốt, lấy tro làm phân bón ruộng.

Mỗi năm khi gần Tết, công việc vệ sinh lại càng đông đảo thanh niên tham gia. Đám học trò chúng tôi cũng “góp phần chen lấn” khi tham gia quét vôi gốc cây dọc đường làng.

Các em nhỏ cũng lăng xăng chạy theo, hò reo bên những đống lửa hừng hực cháy. Một không khí ấm cúng, đoàn kết, thương yêu nhau lan tỏa trong hoàn cảnh chiến tranh thật cảm động.

Sau buổi lao động “xã hội chủ nghĩa” ấy, quang cảnh làng quê sáng hơn lên, sạch sẽ hơn lên và tạo nên không khí đầm ấm, vui tươi của ngày Tết cổ truyền đang đến gần trong mùi mật mía thơm lừng trong gió…

Ba tháng hè đã đến! Đối với chúng tôi lúc bấy giờ, đúng là có chín mươi ngày nghỉ hè đúng nghĩa! Nhưng chúng tôi, lớp 9, lớp 10 (hệ 10 năm) còn tham gia trực chiến trên đồi cao cùng với các anh chị dân quân.

Quân đội nhân dân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng

Trực chiến! Được phân công cùng các anh chị dân quân tham gia trực chiến còn gì sướng bằng! Chúng tôi cảm thấy mình được tin tưởng, đã lớn lên nhiều nên các anh chị cho phép trực chiến chung.

Trên đồi đầy cây sim, mùa hè đã có trái chín. Đợi vài ba trận mưa rào, sim mới chín rộ. Nơi trực chiến có hầm tránh bom, có thùng nước, có sách báo để đọc.

Nhiệm vụ trực chiến là canh gác máy bay Mỹ để báo động cho mọi người biết. Máy bay còn ở xa, đánh thong thả ba tiếng kẻng (Kẻng làm bằng một trái bom đã lấy hết thuốc nổ bên trong); máy bay đến gần, cứ sáu tiếng một gióng giả báo cho mọi người ra hầm trú ẩn. Khi máy bay đã xa, một hồi kẻng báo yên cho mọi người lên khỏi hầm, tiếp tục công việc.

Phía bên ngoài hầm cách chừng thước, khẩu súng 12 ly 7 chĩa thẳng lên trời với băng đạn vàng óng đã sẵn sàng.

Nhớ một lần có cả hàng chục chiếc máy bay Mỹ lao vào đánh phá sân bay Dừa (sân bay Anh Sơn) làm chúng tôi tức không chịu được.

Dường như đánh hơi được các đơn vị pháo cao xạ đã chuyển đi nên từng tốp F4A (biệt danh “Con ma”) cứ như bay vào chỗ không người.

Sau khi quan sát, chúng lấy độ cao rồi bổ nhào xuống ném bom dữ dội. Khói bom đen ngòm bao trùm cả lèn đá, cả sân bay.

Sau khi đánh phá, chúng lại sắp hàng dọc, từng tốp ngạo nghễ, có vẻ “thong thả” bay xuôi về phía biển. Phải như hôm ấy có khẩu súng 12 ly 7 sáng xanh ánh thép. Nếu có, chắc chắn các anh dân quân sẽ góp phần vít cổ chúng xuống bằng những viên đạn nhọn hoắt lòng căm thù này.

Những ngày trực chiến với các anh chị dân quân, chúng tôi thấy mình lớn lên về nhiều mặt. Đó là tình nghĩa xóm làng, tình anh em yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau, gắn bó với nhau. Có lẽ cuộc sống thời chiến gian khổ, đầy bất trắc, ác liệt mà con người sống với nhau tốt hơn chăng?

Cũng vào những dịp hè, các công trình thủy lợi vẫy gọi chúng tôi. Theo quy định hồi ấy, học sinh cấp ba (lớp 9, 10 - hệ 10 năm) phải tham gia lao động trên các công trường thủy lợi tuy theo mức độ công việc.

Đó là những ngày đào đất, đào sỏi ngăn suối đắp đập, làm mướng để tưới mát ruộng đồng. “Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn/ Mà đời không ngại đào núi ngăn sông/ Xây hồ đắp đập, ta nuôi dòng nước ngọt/ Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm/ Ruộng đồng ta lại cây lúa thêm nặng bông…” - lời bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” đã nói lên tinh thần tuồi trẻ hồi đó.

Hồi ấy, hầu hết công việc đều làm bằng sức người, bằng thủ công. Nào xe cút kít (làm bằng cây, gỗ) dùng để chở đất, sỏi đá. Nào cuốc, xẻng để đào đất, xúc đất mà cán cuốc, cán xẻng luôn lên nước bóng ngời bởi mồ hôi của bàn tay lao động. Nào những đôi quang gánh, những ki đựng đất mòn vẹt cùng tháng ngày, cùng những mùa trăng vàng nơi đồi núi...

Những con đập ngăn nên làn nước trong xanh là niềm tự hào trước thành quả của tuổi trẻ quê hương, trong đó có phần đóng góp của tuổi học trò chúng tôi...

Nhớ một thời “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” ảnh 3Phụ nữ và trẻ em luôn giữ vị trí đặc biệt ở mọi quốc gia

Thời ấy, vừa học vừa lao động nên luôn thấy khỏe trong người. Cũng do thời buổi chiến tranh, buộc con người phải luôn năng động, nhanh nhẹn, luôn vận động, rất ít khi ngồi lì một chỗ hàng giờ ...

Tuy đồ ăn thức uống hàng ngày phải “tự lực cánh sinh” nhưng chúng tôi luôn khỏe mạnh. Cơm ăn hàng ngày là cơm độn ngô, khoai, chuối, có những ngày phải ăn canh củ sắn (khoai mì) ấu với rau cải... Thức ăn là tương cà, là nhút, khá hơn thì có con cua, con cá kiếm được ngoài đồng, dưới sống...

Chính những tháng ngày gian khổ, khốc liệt đó đã rèn luyện sự chịu đựng đã rèn luyện cho chúng tôi nên người. Lao động đã mang lại cho chúng tôi những niềm vui chân chính.

Một giàn mướp, một luống rau, một bồn bông mười giờ nở thắm sân trường... đều có những giọt mồ hôi của tuổi học trò trong đó.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình” - Lời Bác dạy thuở nào đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Nhờ có những tháng ngày “làm việc nhỏ”, tham gia lao động chân tay trong những ngày tuổi nhỏ mà khi lớn lên, khi vào bộ đội; chúng tôi không còn ngỡ ngàng khi cầm cây súng, cây cuốc, cây xẻng... Hành quân gian khổ, chúng tôi luôn có sức chịu đựng, dẻo dai.

Khi sống cùng dân, chúng tôi luôn thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân. Nào đào mương, nào gặt lúa, nào cấy lúa, làm cỏ mía; nào chài lưới, giăng câu, bơi xuồng... Người dân Nam Bộ phải kêu lên: “Mấy đứa bộ đội Bắc kỳ giỏi thiệt!”.

Theo tôi, phải tổ chức lao động chân tay trong trường học (những công việc vừa sức học sinh như chăm sóc, nhỏ cỏ bồn bông, chăm sóc vườn thuốc nam trong trường), vừa tạo cảnh quan trường xanh, sạch, đẹp, vừa giáo dục học sinh biết quý trọng lao động chân tay, biết quý trọng, tự hào về thành quả lao động do mình tạo nên...

Qua đó, công việc lao động chân tay cũng sẽ góp phần to lớn giúp cho học sinh có nhiều kỹ năng sống sau này.

LÊ ĐỨC ĐỒNG