Giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì?

31/05/2019 07:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Giáo dục tư thục vì chính giáo dục, thông qua cung cấp các dịch vụ một cách có trách nhiệm và đẳng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của dân.

Tiếp theo bài viết, "Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục", chúng tôi sẽ đi tìm câu trả lời cho vấn đề có lẽ không ít người quan tâm, giáo dục tư thục nếu không vì lợi nhuận thì vì cái gì.

Bởi rõ ràng nếu không có lợi nhuận, thì giáo dục tư thục không thể tồn tại, chứ chưa nói đến phát triển và giải quyết những vấn đề bức xúc mãn tính của giáo dục công lập nhiều năm qua.

Kỳ thị tư thục vì dị ứng với "lợi nhuận"

Các cơ sở giáo dục tư thục thu học phí cao hơn trường công lập là một lẽ đương nhiên, bởi chi phí ban đầu xây dựng trường lớp và cơ sở vật chất rất lớn, chưa kể muốn thu hút người giỏi (quản lý và giảng dạy) buộc phải có mức thu nhập cạnh tranh;

Hình ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Viện IBM.
Hình ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Viện IBM.

Muốn có các chương trình giáo dục tiên tiến đáp ứng được nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của một bộ phận tầng lớp người dân, các trường tư thục không thể không có tiềm lực tài chính và nguồn thu gần như duy nhất của họ đến từ học phí.

Tuy nhiên, bản chất câu chuyện không nằm ở các trường tư thu phí cao bao nhiêu mà là khả năng đáp ứng nhu cầu của dân đến đâu.

3,4 tỉ USD người dân Việt Nam ta bỏ ra cho con đi du học mỗi năm, không lẽ chúng ta chẳng của đau, con xót?

Nếu người dân không có nhu cầu, hoặc giả nếu giáo dục công lập đáp ứng được hết các nhu cầu đa dạng và nhiều phân khúc của người dân với chi phí thấp hoặc bao cấp hoàn toàn, lúc đó chẳng cần kỳ thị, giáo dục tư thục tự thân nó cũng tự biến mất, vì làm sao cạnh tranh nổi?

Bởi vậy, chúng tôi nhận thấy những ông chủ trường tư sẵn sàng bỏ rất nhiều tài sản để mua / thuê đất đai, mặt bằng làm trường tư với một xuất phát điểm cạnh tranh chưa thực sự công bằng, mà sở giáo dục tư thục vẫn có thể đứng vững, phát triển và làm nên thương hiệu, họ quả thực là những nhà quản trị tài ba.

Đất nước này cần họ.

Giáo dục tư thục có bị kỳ thị?

Giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì? ảnh 2

Họ không chỉ mang đến công ăn việc làm với thu nhập sống được, thậm chí là sống đàng hoàng cho thầy cô giáo ở các trung tâm đô thị lớn, mà còn đang gánh thay Nhà nước trách nhiệm giảm tải sĩ số trường công, biên chế và ngân sách.

Quan trọng hơn nữa, lợi nhuận họ có được không chỉ trang trải chi phí thường xuyên, khấu hao tài sản, tích lũy, mà còn đóng thuế cho Nhà nước.

Phải là những nhà quản trị rất tài năng và bản lĩnh mới có thể làm được điều này trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Nếu nói về giáo dục tư thục, có lẽ Đức Khổng Tử là nhà giáo dục tư thục thành công nhất. Tư tưởng và các giá trị về đạo đức nhân sinh, triết học, văn hóa, giáo dục...Đức Khổng Tử để lại cho đời, hiếm người sánh kịp.

Điều này không lạ vì người ta đã nói rất nhiều và sẽ vẫn tiếp tục có những nghiên cứu về các giá trị này mà Đức Khổng Tử để lại.

Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh tổ chức và quản trị trường tư thục mà Đức Khổng Tử thành lập.

Bởi lẽ để vận hành ngôi trường với khoảng 3000 học trò cách đây gần 2500 năm, đào tạo ra 72 nhân tài tiêu biểu (thất thập nhị hiền), đâu phải việc đơn giản.

Trường tư thục mà Đức Khổng Tử mở ra khác với "trường công lập" của triều đình phong kiến chuyên dạy con vua cháu chúa và tầng lớp quan lại quý tộc, ngài thu nạp tất cả những ai hiếu học, bất kể tầng lớp xuất thân (Hữu giáo vô loại / Luận Ngữ / Vệ Linh Công).

Một bức tượng Đức Khổng Tử, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Một bức tượng Đức Khổng Tử, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Đức Khổng Tử có thu học phí không? Đương nhiên là có, bởi không có học phí, ngài lấy đâu ra kinh phí duy trì trường học với 3000 học trò? Bằng chứng là ghi chép trong thiên Thuật Nhi sách Luận Ngữ.

"Tử viết: Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên”, đại ý theo cụ Nguyễn Hiến Lê thì Đức Khổng Tử nói, ai dùng lễ để xin học thì từ một bó nem trở lên, ngài chưa từng chê là ít mà không dạy.

Chính vì vậy, thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, Đức Khổng Tử đã bị "đánh" tơi bời và bị Hồng vệ binh gán cho biệt danh "Khổng lão nhị" với hàm ý đầy miệt thị, chỉ vì ngài đã thu học phí. [1]

Việt Nam thời kỳ phong kiến, trường tư thục do các thầy đồ mở ra nếu không thu học phí, lấy gì để duy trì? Và những gia đình hiếu học thì quan niệm rất rõ: "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".

Những người không góp xu nào có được tham gia điều hành trường tư thục?

Giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì? ảnh 4

Người xưa rất công bằng với giáo dục tư thục, không kỳ thị, cho dù thực tế không phải không có một số ông thầy chưa ra thầy, nhưng đó không phải số đông và đã bị người dân phê phán.

Ngày nay, trong xã hội chúng ta đâu đó vẫn còn rơi rớt sự kỳ thị với giáo dục tư thục vì chỉ nhìn thấy 2 chữ lợi nhuận, phải chăng là quán tính của một thời bao cấp, cào bằng vẫn còn?

Nếu chỉ nhìn vào 2 chữ lợi nhuận, sẽ không thấy được sự lao tâm khổ tứ cũng như tài năng quản trị của những ông chủ trường tư, bởi ngoài cái lo về tài chính còn cả một đống lo về quản trị: Chúa giai là chúa hay lo, đêm nằm cắt việc ra cho mà làm.

Giáo dục tư thục là dịch vụ có trách nhiệm và đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người dân

Xin được quay trở lại với vấn đề nhận thức về "thương mại hóa giáo dục" hay "kinh doanh giáo dục" đang là rào cản trong việc thể chế hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục rất đúng đắn, cần thiết và cấp bách mà Đảng khởi xướng từ nhiều năm qua.

Có lẽ giải thích về "thương mại hóa giáo dục" hay "kinh doanh giáo dục" một cách thuyết phục và chuẩn xác nhất, khó ai qua được tác giả Trường Giang trong bài viết "Phải coi 'thương mại hóa' là một ý niệm tích cực" đăng trên Tạp chí Trí tuệ của Hiệp hội Các trường cao đẳng, đại học Việt Nam. [1]

Chúng tôi xin dẫn lại đây nguyên văn bài viết ngắn gọn, súc tích và đầy đủ này, ngõ hầu mong muốn dẫn tới những thay đổi trong nhận thức và hành động, ứng xử với giáo dục tư thục để giáo dục nước nhà có thể cất cánh:

"Xin đừng ai tạo ra một nội hàm tiêu cực trong cụm từ “thương mại hóa" bởi Thương mại là một ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng rộng lớn, giúp cho sự lưu thông điều hòa mọi vật phẩm trong xã hội, kể cả chất xám và lao động dịch vụ.

Con số 3,4 tỉ USD mỗi năm người Việt Nam bỏ ra cho con đi du học được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiết lộ trước Quốc hội, ảnh: Quochoi.vn.
Con số 3,4 tỉ USD mỗi năm người Việt Nam bỏ ra cho con đi du học được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiết lộ trước Quốc hội, ảnh: Quochoi.vn.

Nó không chỉ là khâu tiếp nối của sản xuất, hoạt động tiêu thụ hàng hóa mà nó còn phát ra những tín hiệu có ý nghĩa định hướng cho sản xuất, nên tăng cường mặt hàng nào, nên điều chỉnh chất lượng mặt hàng nào, nên bỏ mặt hàng nào, nên làm thêm mặt hàng nào, thị hiếu khẩu vị mới của khách hàng, tình hình nguyên vật liệu, sự xuất hiện công nghệ mới, mặt hàng mới và kết quả của mọi sự tranh chấp về giá cả, chất lượng, mẫu mã … 

Thương mại trong thời hiện đại có tác dụng chi phối toàn diện. Các ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, văn hóa, báo chí đều chịu sự điều chỉnh của thương mại.

Khi xã hội đã có nền kinh tế thị trường thì hầu hết các ngành hoạt động đều có mang trong mình nó (hoặc ít hoặc nhiều) yếu tố thương mại hóa. 

Đó là đặc tính của thời đại, là sắc thái của mối quan hệ tương tác mới, là biểu hiện tích cực của sự phát triển.

Thương mại hóa ở đây phải hiểu theo ý nghĩa của sự tiến hoá xã hội. 

Nghĩa là nó giúp cho việc xóa bỏ chế độ hành chính bao cấp nhanh chóng, giúp cho việc mở rộng quyền tự chủ, sáng tạo, giúp cho việc xã hội hóa thuận lợi, giúp cho sự củng cố bền vững ngành hoạt động của mình. 

Học phí trường tư thục, điểm sáng của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi

Giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì? ảnh 6

Ngày trước khi đất nước bị chìm triền miên trong nền nông nghiệp lạc hậu thì sự xuất hiện của nghề thương mại liền bị coi thường. 

Đặc biệt các vị hủ nho luôn bài xích nó, gọi những người làm nghề thương mại là "con buôn", "dân chợ búa". Quan niệm sai lầm đó kéo dài mãi cho suốt thời bao cấp. 

Hồi bấy giờ nói đến thương mại, không ít người cho là buôn gian bán lậu, là cai đầu dài, là dân phe phẩy, trùm sò… Nói chung ai dính đến buôn bán, dễ bị coi là không đứng đắn.

Đã có lần tranh luận với các nhà kinh tế Anh bảo thủ, Mác đã kiên trì bảo vệ quan điểm "Thương mại là sự trao đổi giữa những vật phẩm ngang giá” và thẳng thắn phê phán cách ở nhìn nhận sai "thương mại là mua rẻ bán đắt, mua xấu bán tốt" (tức là mua hàng xấu nhưng khi bán thì nói là tốt). 

Mác công nhận trong các thương nhân có người xấu thực hành nghề theo kiểu như vậy, nhưng tính chất của thương mại không phải như vậy. 

Trong xây dựng, trong công nghiệp có hiện tượng rút ruột công trình nhưng tính chất của xây dựng, của công nghiệp thì không phải như vậy.

Lấy cái tiêu cực, cái mặt trái của ngành nghề đề đặt tên cho ngành nghề, xác định bản chất của ngành nghề là không khoa học, không khách quan.

Lịch sử có thể tha thứ cho những sai lầm trong quá khứ (cái gì cũng có hoàn cảnh của nó) nhưng lịch sử không cho phép lặp lại những sai lầm đã diễn ra khi quá khứ đã khép lại.

Chấp nhận yếu tố thương mại hóa ở một số ngành lao động trí óc như văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, báo chí... là một thái độ thức thời, đúng đắn, là một quan niệm thời đại, có tính tích cực. 

Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, cần nhanh chóng nắm bắt những tín hiệu mới của thời đại, nhanh chóng có những chuyển đổi tích cực... mới mong xây dựng được một nền kinh tế ưu việt (nền kinh tế trí thức) một đất nước văn minh, thịnh vượng."

Đến đây thiết nghĩ quý bạn đọc thực sự quan tâm đến giáo dục tư thục đã có thể tìm được câu trả lời cho những băn khoăn, giáo dục tư thục không vì lợi nhuận thì vì cái gì?

Giáo dục tư thục vì chính giáo dục, thông qua cung cấp các dịch vụ một cách có trách nhiệm và đẳng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của dân.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://society.huanqiu.com/article/2018-09/12973251.html?agt=15422

[2]https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/phai_coi_thuong_mai_hoa_la_mot_y_niem_tich_cuc-f.html

Hồng Thủy