Sắp xếp các trường sư phạm phải do địa phương tự quyết

08/09/2019 08:13
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Hiệu phó trường Đại học Hùng Vương, khi sắp xếp, tổ chức hoặc giải thể các cơ sở đào tạo giáo viên cần phải tính toán, cân nhắc thực hiện có lộ trình.

Cả nước hiện nay có 154 cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên. Có thể khẳng định rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên đều đã có vai trò, vị trí, và đóng góp nhất định trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của từng địa phương và cả nước. 

Đến nay, do nhu sử dụng nguồn nhân lực ngành sư phạm, có những cơ sở gặp khó khăn trong tuyển sinh; chuyển sang bồi dưỡng; có những cơ sở phải chuyển hướng đào tạo và có những cơ sở không còn phù hợp theo Luật Giáo dục (như các trường Trung cấp).

Vấn đề đặt ra, chúng ta sắp xếp, tổ chức hoặc giải thể các cơ sở đào tạo giáo viên cần phải tính toán, cân nhắc thực hiện có lộ trình để đảm bảo hệ thống các trường sư phạm đủ mạnh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay trong đó có cũng như để phù hợp với yêu cầu của Luật Giáo dục  2019 về đội ngũ giáo viên.

Theo Tiến sĩ Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, việc sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên cần được đặt trong qui hoạch tổng thể mạng lưới các trường đại học của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo.(Ảnh minh họa: Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Theo Tiến sĩ Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, việc sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên cần được đặt trong qui hoạch tổng thể mạng lưới các trường đại học của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo.(Ảnh minh họa: Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trước tình trạng này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ có một vài chia sẻ trước chủ trương việc sắp xếp tổ chức lại các trường sư phạm.

Nhìn nhận thực tế từ trường Đại học Hùng Vương, thầy Tùng nêu, quy mô của trường hiện nay gần 10 nghìn học viên, sinh viên, với sứ mạng là một trường đại học đa ngành có đào tạo sư phạm, trong 3 năm trở lại đây, theo qui định, hằng năm, Nhà trường thực hiện lộ trình giảm trên 20% chỉ tiêu đào tạo chính quy sư phạm; tuy nhiên có một số ngành vẫn có nhiều thí sinh đăng ký do nhu cầu như giáo dục Tiểu học, giáo dục Mầm non, sư phạm Tiếng Anh. 

Một khó khăn nữa đó là việc giảm chỉ tiêu chính quy dẫn tới việc giảm chỉ tiêu đào tạo liên thông vừa học vừa làm tương ứng trong khi đó nhu cầu đào tạo chuẩn hóa liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học đối với các ngành sư phạm vẫn còn nhiều.

Việc giảm chỉ tiêu cũng như xu hướng giảm qui mô đào tạo các ngành giáo viên ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các giảng viên. 

Chỉ tuyển được 34 sinh viên, trường Cao đẳng sư phạm tìm hướng đi mới

Trước thực tế này, là trường đào tạo đa ngành nên Đại học Hùng Vương có đưa ra giải pháp là các giảng viên được phân công vừa thực hiện giảng dạy đối với hệ sư phạm vừa giảng dạy đối với hệ ngoài sư phạm (không phải là tất cả giảng viên đều bố trí được);

Cử giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Vận động giảng viên sư phạm học chuyển đổi để dạy các ngành ngoài sư phạm (văn hóa du lịch, công nghệ thông tin,...).

Cử giảng viên tham gia giảng dạy tại trường phổ thông nói chung, giáo viên sang tham gia giảng dạy tại trường phổ thông liên cấp trong trường (giảm biên chế, phát huy nguồn nhân lực có trình độ đồng thời huy động xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn)…

Thầy Tùng cho biết, trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương để xác định nhu đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa làm cơ sở cho việc xây dựng đề án đào tạo chuẩn hóa đội ngũ giáo viên các cấp của tỉnh Phú Thọ (theo qui định của Luật Giáo dục).

Tham gia bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, tham gia bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ.

Xây dựng kế hoạch tuyển sinh với theo cơ chế giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh trong đó sẽ dừng tuyển sinh một số ngành xã hội không có nhu cầu.

Danh sách 13 trường cao đẳng sư phạm đã có kế hoạch sáp nhập

 
Thầy Tùng cũng thừa nhận, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học nói chung, các cơ sở đào giáo viên nói riêng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên khi thực hiện phải có lộ trình cụ thể; có đánh giá tác động và đặc biệt phải phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng địa phương; căn cứ vào đội ngũ, cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo, tránh tình trạng sáp nhập một cách cơ học, không đảm bảo mục tiêu đề ra, gây hoang mang tâm lý cho đội ngũ nhà giáo và phản ứng tiêu cực trong xã hội. 

Do vậy, vị này đề xuất, việc sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên cần được đặt trong qui hoạch tổng thể mạng lưới các trường đại học của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 – 2025, tập trung đầu tư ngay một số trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt, là nơi tập trung những tinh hoa trong đào tạo và khoa học giáo dục; là đầu tàu, dẫn dắt và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, giáo viên các bậc học cho các cơ sở đào tạo giáo viên tại các địa phương.

Riêng đối với các cơ sở có đào tạo giáo viên trực thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (bao gồm các trường đại học đa ngành, các trường trung cấp, cao đẳng): Giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, xem xét nhu cầu của các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép bồi dưỡng giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

"Việc quyết định sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở này, do các địa phương quyết định, phải dựa trên căn cứ là nhu cầu của các địa phương", thầy Tùng nhấn mạnh. 

Thùy Linh