Thầy giáo Lĩnh chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với học sinh vùng cao

11/10/2019 06:05
TUẤN KIỆT
(GDVN) - Nhìn những đôi chân trần, những manh áo mỏng của các em trong cái lạnh giá của vùng cao, thầy giáo Đặng Ngọc Lĩnh mang hết tâm huyết để dạy chữ cho học sinh.

Đến thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cở Đồng Lâm 1 (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) chúng tôi được lãnh đạo nhà trường, các giáo viên chia sẻ nhiều câu chuyện về nghề dạy chữ trên vùng cao.

Trong rất nhiều câu chuyện được nghe, thầy giáo Đặng Ngọc Lĩnh (sinh năm) để lại ấn tượng sâu sắc với những chia sẻ về việc vận động các em học sinh đến lớp.

Với dáng người cao, gầy, giọng đậm chất miền Trung, mỗi giờ lên lớp, thầy Lĩnh được học trò quý mến và say sưa tiếp thu bài.

Thầy giáo Lĩnh tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo Hà Tĩnh đầy nắng và gió, quanh năm gắn bó với đồng quê, tôi luôn ý thức được việc học là con đường thoát nghèo.

Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi nghế nhà trường, tôi mong muốn trở thành người thầy để mang kiến thức đến cho các em học sinh”.

Thầy giáo Đinh Ngọc Lĩnh luôn đồng cảm, chia sẻ với các em học sinh vùng cao (Ảnh: CTV)
Thầy giáo Đinh Ngọc Lĩnh luôn đồng cảm, chia sẻ với các em học sinh vùng cao (Ảnh: CTV)

Để thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo, chàng trai trẻ Đặng Ngọc Lĩnh đã chăm chỉ học hành, nỗ lực hết mình để thi đỗ vào Đại học Vinh (Nghệ An).

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh, thầy giáo trẻ xin về công tác ở Trường Trung học phổ thông Thống Nhất (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh).

Sau gần 10 năm gắn bó với trường Thống Nhất, đến năm 2014, thầy xin chuyển về Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Lâm 1.

Theo lời thầy Lĩnh, xã Đồng Lâm là xã vùng cao của huyện Hoành Bồ, có đến 98% là đồng bào dân tộc người Dao.

Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả, trình độ còn nhiều hạn chế; học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường.

Chuyện thầy giáo Nùng giữa rẻo cao mây trắng, yêu học trò bằng tình người anh cả
Chuyện thầy giáo Nùng giữa rẻo cao mây trắng, yêu học trò bằng tình người anh cả

“Trong những buổi lên lớp, nhìn những đôi chân trần, những manh áo mỏng của các em trong cái lạnh giá của vùng cao, tôi thật sự rất xúc động.

Tôi tự hứa với mình, sẽ cố gắng hết sức có thể để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống giúp các em vượt khó vươn lên trong học tập, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn...”, thầy Lĩnh chia sẻ.

Thầy giáo Lĩnh cũng cho biết, trong suốt thời gian dài gắn bó với trường, với xã Đồng Lâm, nhiều kỷ niệm đẹp về mảnh đất và con người nơi đây đã in sâu trong tâm thức của thầy.

Một kỷ niệm mà thầy không bao giờ có thể quên, đó là một buổi chiều mùa đông năm 2018, khoảng 16 giờ, thời tiết lạnh giá, sương núi tràn xuống, trời tối rất nhanh.

Thầy Lĩnh cho học sinh trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi của trường nghỉ sớm hơn mọi ngày, vì đường về nhà các em khá xa, phải qua suối, trong đó có em Lý Thị Vân (hiện học lớp 9).

Thầy Lĩnh kể: “Theo lẽ thường, khi nghe thầy giáo thông báo nghỉ học sớm, các em học sinh sẽ rất vui.

Tuy nhiên, với em Lý Thị Vân thì khác, em nán lại và nói với tôi “Thầy ơi! Thầy dạy thêm cho em chút nữa, giờ về nhà em phải làm việc nhà mãi đến 8 giờ tối mới được ngồi vào bàn học ạ”.

Thầy giáo Đặng Ngọc Lĩnh cùng thầy, cô nhà trường, nhiều lần phải vượt suối đưa học sinh Lý Thị Vân về nhà. (Ảnh: CTV)
Thầy giáo Đặng Ngọc Lĩnh cùng thầy, cô nhà trường, nhiều lần phải vượt suối đưa học sinh Lý Thị Vân về nhà. (Ảnh: CTV)

Em vừa nói vừa rơm rớm nước mắt làm tim người thầy giáo như tôi thắt lại.

Nhìn ánh mắt khao khát học tập của em, tôi không thể quên được cái ngày tôi đến nhà để vận động phụ huynh cho em ra lớp và vào đội tuyển ôn luyện thi học sinh giỏi.

Khi đó, bố mẹ em không cho em tiếp tục đi học, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh trai em bị tai nạn lao động nằm bệnh viện hơn 1 năm.

Em chỉ biết đứng nép mình vào góc tường, nhìn thầy bằng ánh mắt khẩn thiết, mong sao những lời thuyết phục của thầy sẽ nhận được sự đồng tình của bố mẹ.

Tôi không ngờ rằng, tại nơi vùng núi cao, hẻo lánh lại có một học sinh khát khao học tập đến vậy...”.

Buổi học hôm đó kết thúc muộn. Thầy giáo Lĩnh về nhà khi phố đã lên đèn, nhưng hình ảnh cô học trò nhỏ với ánh mắt thiết tha được học tập luôn gợi lên trong thầy niềm xúc động sâu sắc, quyết tâm bám bản, bám trường, vì học sinh thân yêu.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoành Bồ, thầy Đặng Ngọc Lĩnh là một trong những tấm gương sáng của ngành giáo dục huyện trong việc truyền ngọn lửa học tập cho học sinh vùng cao.

Nhờ có thầy Linh và những giáo viên khác, nhiều học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Lâm 1 có thêm nghị lực đến trường, đến lớp, có ý chí vươn lên trong học tập.

TUẤN KIỆT