Hà Nội: Bế mạc hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông

06/11/2011 06:29
Tuấn Nam
(GDVN) - Chiều ngày 5/11, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 3 về Biển Đông đã kết thúc tốt đẹp.
Như báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 3 về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức diễn ra vào hai ngày 4 - 5/11 tại Hà Nội.

Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 3 về biển Đông (Ảnh: Tuấn Nam)
Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 3 về biển Đông (Ảnh: Tuấn Nam)
Đến 17h30 chiều 5/11, sau hai ngày họp và thảo luận sôi nổi, hội thảo đã kết thúc tốt đẹp. Phiên bế mạc do ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam làm chủ tọa.
Qua 8 phiên thảo luận với 31 tham luận và hơn 70 ý kiến, gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi về các chủ đề liên quan đến tầm quan trọng của biển Đông trong khu vực và trên thế giới; lợi ích của các bên trong và ngoài  khu vực ở Biển Đông; những diễn biến gần đây ở biển Đông; các khía cạnh pháp lý quốc tế của tranh chấp; giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột; những phương cách và biện pháp thúc đẩy hợp tác ở biển Đông.

Đặc biệt, năm nay Hội thảo còn dành hẳn một phiên cuối do ông Đặng Đình Quý – Giám đốc Học viện Ngoại giao làm chủ tọa để thảo luận tự do về một số vấn đề mà các học giả và đại biểu cùng quan tâm.

Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắn (Ảnh: Tuấn Nam)
Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắn (Ảnh: Tuấn Nam)
Trong số đó, về phía Việt Nam có các tham luận: "Tranh chấp Biển Đông: Tác động của những diễn biến gần đây và Xu thế tình hình" của TS. Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông (Học viện Ngoại giao); “Công ước luật biển và an ninh biển ở Biển Đông”  của TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Phó Trưởng khoa Luật quốc tế (Học viện Ngoại giao)…

Trong phiên bế mạc, các chủ tọa của các phiên thảo luận tổng kết các vấn đề (Ảnh: Tuấn Nam)
Trong phiên bế mạc, các chủ tọa của các phiên thảo luận tổng kết các vấn đề (Ảnh: Tuấn Nam)

Theo ghi nhận của phóng viên tham dự hội thảo, không khí tranh luận nóng bỏng. Trước các câu hỏi đi vào cụ thể, nhìn chung học giả Trung Quốc đều tránh né trả lời. Tín hiệu tích cực tại hội thảo này là các nước đều tỏ ý ủng hộ Việt Nam trong những vụ việc như “sự cố cắt cáp”.

Báo Pháp luật TPHCM viết, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao (đơn vị đồng tổ chức), nhận xét: “Hội thảo thành công ở ba khía cạnh: Số lượng đại biểu đông hơn năm ngoái với thành phần tham dự đa dạng hơn, nội dung thảo luận thiết thực hơn và thời gian thảo luận dài hơn”. So với hai lần trước, sự kiện lần này dành tới một phần tư thời gian cho việc trao đổi ý kiến, tranh luận, có những lúc không khí khá “nóng”, nhất là ở những nội dung liên quan trực tiếp tới Trung Quốc và Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo ông Quý, nguyên tắc chung là thẳng thắn, khách quan và khoa học đã được đảm bảo thực hiện và “không khí nóng bỏng đó cũng chứng tỏ sự phát triển về mặt nhận thức của những người nghiên cứu về biển Đông”.

Ông Đặng Đình Quý nói: “Đa số chúng ta nhất trí với những đánh giá về tầm quan trọng của biển Đông và của việc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển ở biển Đông. Các nước liên quan đến tranh chấp có những lý lẽ và lợi ích khác nhau nhưng đều thống nhất như vậy và cơ sở để giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực là công pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Cũng có những ý kiến khác nhau về việc nên áp dụng UNCLOS 1982 như thế nào, làm thế nào để công pháp quốc tế trở thành một thứ công cụ hữu hiệu hơn…, ban tổ chức cho rằng đó là các chủ đề ngỏ cho những lần hội thảo tiếp theo”.

Lý lẽ của Trung Quốc yếu toàn phần

Tham dự hội thảo, đoàn học giả Trung Quốc có những nhân vật “đình đám” trong giới nghiên cứu về biển Đông như GS Tô Hạo (Su Hao), TS Nhậm Viễn Giả (Ren Yuan-zhe), Lý Kiến Vĩ, Đằng Kiến Quần… Phát biểu tại hội thảo, các học giả Trung Quốc đều khẳng định rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và cả vùng biển rộng lớn được bao quanh bởi đường chín đoạn chữ U (đường lưỡi bò). Lập luận chung là nhấn mạnh yếu tố “lịch sử”, như một học giả nói rằng bản đồ hình chữ U đã có từ năm 1947 và chính một người bạn của bà đã đem bản đồ này từ Mỹ về cho bà.

Theo một học giả Việt Nam tham dự hội thảo thì lâu nay Trung Quốc “vẫn luôn nói chung chung như vậy, không đưa ra thêm được bằng chứng gì mới”. Nhà nghiên cứu Rodolfo C. Severino, nguyên Tổng Thư ký ASEAN, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN ở Singapore, cũng nói: “Bất chấp những câu hỏi mà các nước ASEAN đặt ra, bao gồm cả những nước tuyên bố chủ quyền và không tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh luôn từ chối cho biết chính xác đường chín đoạn có ý nghĩa gì. Liệu nó có nghĩa rằng Trung Quốc/Đài Loan tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các vùng biển nằm trong đường chín đoạn, hay chỉ đối với các điểm đảo nằm trong nó và các vùng biển tạo ra bởi các điểm đó một cách hợp pháp? Cả Trung Quốc và Đài Loan đều không trả lời được các câu hỏi trên”.

Một học giả khác, thành viên Hội Luật gia Việt Nam, nói rằng nhìn chung các lý lẽ của phía đoàn Trung Quốc đưa ra yếu toàn phần cả về các nội dung liên quan đến chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa lẫn đường lưỡi bò hay gần đây nhất là vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của Petro Vietnam trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Khi các câu hỏi đi vào cụ thể, nhìn chung học giả Trung Quốc đều tránh né trả lời. Ông cũng nhận xét tín hiệu tích cực tại hội thảo này là các nước đều tỏ ý ủng hộ Việt Nam trong những vụ việc như “sự cố cắt cáp”. Mặc dù vậy, để các lần hội thảo sau có kết quả thiết thực hơn nữa thì sau lần hội thảo này, giới nghiên cứu Việt Nam có thể cần tính tới khả năng đề xuất kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo mạnh mẽ hơn.
Tuấn Nam