Viwasupco, hồ Đầm Bài và sự mập mờ Nước sạch sông Đà

24/10/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Người Việt ngày nay ăn thực phẩm bẩn, thở không khí ô nhiễm, sử dụng nước sinh hoạt có nguy cơ nhiễm độc không còn là dự báo.

Ngày 21/10/2019 Quốc hội khóa 14 họp kỳ thứ 8, hy vọng vấn đề môi trường sẽ là điều được dành sự quan tâm thích đáng của đại biểu và các ủy ban của Quốc hội.

Người dân thủ đô những ngày qua sống trong nỗi bất an vì ô nhiễm bụi mịn trong không khí, ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy tại cơ sở của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông và tiếp đến là ô nhiễm nguồn nước  sinh hoạt ngay tại khu vực hồ chứa của nhà máy nước Sông Đà khiến không ít gia đình phải mua nước đóng chai về nấu ăn, uống.

Con người muốn tồn tại thì cần ăn, uống, thở, có thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng uống chỉ nhịn được một hai ngày và thở chỉ nhịn được vài phút.

Chịu trách nhiệm về những thứ thiết yếu liên quan đến “ăn, uống, thở” của toàn dân không phải ai khác mà chính là nhà nước.

Một thống kê trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế cho biết đến năm 2014, riêng lĩnh vực y tế có 1.137 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. [1]

Có khá nhiều đạo luật liên quan đến sức khỏe nhân dân như Luật Môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân,…

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 122/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. 

Quyết định 122/QĐ-TTg ghi “Căn cứ Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989”.

Mục “căn cứ” không thấy ghi các luật sửa chữa, bổ sung cho “Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Như vậy, bằng vào “căn cứ” ghi trong Quyết định 122/QĐ-TTg, có thể thấy một sự thật là trong vòng 25 năm - từ 1989 cho đến năm 2013 - “Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân” chưa một lần được bổ sung, sửa chữa! 

Chất thải đã chảy lan ra suối rồi vào hồ Đầm Bài, là nơi cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà. Ảnh: QĐ.
Chất thải đã chảy lan ra suối rồi vào hồ Đầm Bài, là nơi cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đà. Ảnh: QĐ.

Năm 2017, sau Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa 12, Trung ương ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới". Tuy nhiên Nghị quyết này chưa được cụ thể hóa bằng các đạo luật. 

Tra cứu thông tin từ nguồn “Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật trung ương” phần Cơ quan ban hành là Quốc hội từ ngày 01/01/2013 đến 20/10/2019 (từ trang 1 đến trang 18) không tìm được thông tin nào cho thấy “Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân” đã được bổ sung, sửa chữa hoặc thay thế. [2]

Ngay từ năm 2004 – nghĩa là 15 năm sau khi “Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân” được ban hành, đã xuất hiện bài báo cho rằng “Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe năm 1989 đã quá lạc hậu, ít khả năng điều chỉnh những vấn đề xảy ra trong thực tế khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe hiện nay…”. [3]

Khí hậu toàn cầu biến đổi nhanh chóng, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, nhiều bệnh tật mới phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân thế nhưng suốt 30 năm “Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân” chưa một lần được bổ sung, sửa chữa?

Phải chăng việc “bảo vệ sức khỏe nhân dân” đã được làm rất tốt nên không cần sửa luật hay “bảo vệ sức khỏe nhân dân” chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan lập pháp và hành pháp?

Người dân ở Khu đô thị Linh Đàm xếp hàng chờ lấy nước sạch, vì không thể sử dụng nước của Công ty Sông Đà bị nhiễm dầu. ảnh: Thế Đại.
Người dân ở Khu đô thị Linh Đàm xếp hàng chờ lấy nước sạch, vì không thể sử dụng nước của Công ty Sông Đà bị nhiễm dầu. ảnh: Thế Đại.

Không nói thì ai cũng biết “sức khỏe nhân dân” ảnh hưởng thế nào đến “sức khỏe” của nền kinh tế, quốc phòng, đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.

Phải chăng chính vì mấy chục năm chưa quan tâm đến sự lạc hậu của “Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân” nên mới xuất hiện tình trạng:  

“Trong hơn 30 năm qua, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm trên 4,5cm thấp hơn chuẩn quốc tế 13cm”? [4]

Phải chăng “sức khỏe nhân dân” chưa phải là nguồn lực quý giá nhất so với dòng tiền đầu tư cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên tạm thời phải ưu tiên cho các nguồn lực khác?

Phải chăng vì thế nên dù báo chí nói rất nhiều đến thực phẩm, hàng tiêu dùng nhiễm chất độc từ Trung Quốc tuồn vào nước ta với số lượng lớn song vẫn không có hàng rào hữu hiệu nào ngăn cản.

Người Việt ngày nay ăn thực phẩm bẩn, thở không khí ô nhiễm, sử dụng nước sinh hoạt có nguy cơ nhiễm độc không còn là dự báo.

Thật kỳ lạ, bán nước bẩn cho dân nhưng vẫn từ chối xin lỗi
Thật kỳ lạ, bán nước bẩn cho dân nhưng vẫn từ chối xin lỗi

Báo Anninhthudo.vn số ra ngày 14/11/2018 trong bài “Ung thư ở Việt Nam: Những con số phải "giật mình" cho biết:

“Tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư cao gấp 9 lần số người chết do tai nạn giao thông.

Tỷ lệ nam giới tử vong do ung thư ở Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu thế giới, với hơn 142 trường hợp tử vong trong số 100.000 người”.

Nếu “Dân là gốc” thì “Sức khỏe của dân” là “rễ”, không có bộ rễ khỏe, bám sâu, tỏa rộng thì chỉ cơn gió nhẹ cây cũng bị bật gốc. 

Vậy mà suốt 30 năm, công cụ pháp lý để chăm sóc cả “gốc” lẫn “rễ” chưa một lần được đưa ra thảo luận bổ sung hoặc sửa chữa, tại sao vậy?

Trở lại vấn đề sức khỏe nhân dân, xin đề cập đến sự bức xúc của hàng vạn người dân thủ đô trước sự nhiễm bẩn (hay độc?) nước sinh hoạt từ nhà máy nước Sông Đà.

Ông Nguyễn Văn Tố - Chánh Văn phòng Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - đơn vị chủ đầu tư dự án từ lúc ban đầu, cho biết: 

“Quy mô xây dựng: nhà máy xây dựng gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 công suất 300.000 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 công suất 300.000 m3/ngày đêm với tuyến ống dẫn nước dài 47,5km; D1500-1800mm.

Tại khu nhà máy xử lý: Cuối hồ Đầm Bài xây dựng trạm bơm nước hồ để đưa nước thô được lấy từ nguồn nước mặt sông Đà lên nhà máy xử lý.

Nhà máy xử lý được xây dựng ở độ cao 93m trên vùng núi đá thuộc xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn và xã Yên Quang, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tại đây, nước thô được xử lý, lọc sạch và khử trùng sau đó nước sạch tự nhiên chảy theo đường ống truyền tải đến bể chứa cách nhà máy 12km rồi được đưa về Hà Nội”. [5]

Đích thị đó là những kẻ bán nước hại dân
Đích thị đó là những kẻ bán nước hại dân

Phát biểu của ông Nguyễn Văn Tố đề cập đến “nước mặt sông Đà”, vì thế cần phải làm rõ thế nào là “nước mặt” và thế nào là “nguồn nước mặt Sông Đà”?

Tài nguyên nước của mỗi quốc gia bao gồm các nguồn nước mưa, nước mặt, nước dưới đất (nước ngầm), nước biển, băng tại các vùng cực hoặc núi cao,…

“Nước mặt” được định nghĩa là nước lưu trữ trong các “Thuỷ vực trên mặt đất” như: sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, đầm lầy, đồng ruộng,…

Với định nghĩa trên, “nước mặt Sông Đà” phải được hiểu là nước lưu trữ trong thủy vực Sông Đà (trong hồ thủy điện Hòa Bình và Sông Đà) chứ không phải nước từ các khe suối chảy vào và lưu trữ tại thủy vực hồ Đầm Bài.

Nước lưu trữ tại hồ Đầm Bài, kể cả khi được bơm từ thủy vực sông Đà nhưng sau đó pha trộn với nước chảy từ khe suối xung quanh thì không còn là “Nước mặt Sông Đà” nữa.

Và như vậy, phải chăng cư dân Hà Nội đang bị lừa bởi cụm từ “Nước sạch Sông Đà”?

Báo cáo ngày 17/10/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, do Phó chủ tịch Bùi Đức Hinh ký đưa ra yêu cầu:

“Viwasupco cần đầu tư tuyến ống dẫn nước thô chạy từ sông Đà đến trạm bơm, thay vì dùng nước suối chảy lộ thiên như hiện nay”. [6]

Ý kiến của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình khẳng định một điều, rằng hiện không tồn tại đường ống kín dẫn nước sông Đà về nhà máy xử lý nước.

Toàn bộ nước được gọi là “nước mặt Sông Đà” thực chất là nước pha trộn giữa nước bơm từ sông với nước khe suối rừng núi xung quanh dồn vào hồ Đầm Bài.

Một bài viết trên Kênh Thông tin Chính phủ - Baotintuc.vn cho biết:

“Công ty Viwasupco thông tin: Nguồn nước được khai thác nguồn nước mặt sông Đà và nhà máy đặt sau hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tại xã Hợp Thành (Kỳ Sơn, Hòa Bình). 

Bước đầu tiên là kênh dẫn nước sông là kênh tự chảy dài 3,3 km, dẫn nước sông Đà đến trạm bơm nước sông. 

Từ trạm bơm nước sông Đà, nước được bơm từ kênh dẫn nước lên hồ Đầm Bài, trạm có công suất thiết kế 345.600 m3/ngày đêm. 

Nước sau khi bơm lên hồ Đầm Bài sẽ có chức năng sơ lắng và phục vụ tưới cho các xã xung quanh. Từ hồ Đầm Bài, sẽ có trạm bơm từ hồ Đàm Bài lên kênh dẫn dài 500m lên khu xử lý”. [7]

Nếu Viwasupco bơm “nước mặt Sông Đà” vào hồ chứa nước thô thì lượng “nước mặt sông Đà” chiếm bao nhiêu phần trăm tổng lượng nước lưu trữ trong hồ Đầm Bài.

Phải đặt câu hỏi này bởi diện tích mặt hồ Đầm Bài là hơn 16 triệu m2 [7] với lưu vực lên đến 16 km2, nếu mùa mưa nước từ khu vực xung quanh dồn về hồ nhiều thì Viwasupco có tiếp tục bơm thêm để nước tràn khỏi hồ hay họ dừng bơm để sử dụng nước hồ?

Khi đó người Hà Nội dùng “nước mặt sông Đà” hay thực chất là nước hồ Đầm Bài?

Trong trường hợp này, các cơ quan truyền thông có nên thận trọng khi sử dụng cụm từ “Nước sạch sông Đà” để người Hà Nội hiểu đúng bản chất nguồn “nước sạch” đang sử dụng tuy được quảng cáo lấy từ sông Đà nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy.

Cần làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân nếu phát hiện sự lừa đảo “Nước Sông Đà” nhưng lại là nước khe suối với vô số nguồn ô nhiễm như trại lợn hàng nghìn con hiện đang hoạt động ngay ở gần hồ Đầm Bài.

Dù công nghệ xử lý nước có tiên tiến thế nào thì chất lượng nguồn nước thô cũng vô cùng quan trọng.

Nếu toàn bộ nguồn nước thô đưa vào xử lý được lấy từ “nước mặt sông Đà” và hồ chứa cách ly khỏi nước suối quanh vùng thì liệu số dầu bẩn đổ trộm tại đầu nguồn có làm nhiễm độc nước sinh hoạt của người dân Hà Nội? 

Vấn đề tiếp theo là quy trình sản xuất nước sạch, hệ thống cảnh báo an toàn đối với người sử dụng nước sinh hoạt và sự can thiệp cần thiết của nhà nước với cuộc cạnh tranh (nếu có) giữa các doanh nghiệp cung cấp nước sinh hoạt.

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moh.gov.vn/web/guest/che-do-chinh-sach-linh-vuc-y-te/-/asset_publisher/5uVUQOCXQDjt/content/phuong-thuc-quan-ly-nha-nuoc-trong-linh-vuc-y-te

[2] http://vbpl.vn/TW/Pages/vanban.aspx?cqbh=55&dvid=13

[3]https://vnexpress.net/suc-khoe/luat-bao-ve-suc-khoe-nhan-dan-qua-lac-hau-2258015.html

[4]http://dansohcm.gov.vn/tin-tuc/thu-vien-tai-lieu/nang-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-dan-s%E1%BB%91/4095/50-nam-nua-nguoi-viet-moi-co-chieu-cao-bang-nguoi-nhat-hien-nay/

[5]https://vinaconex.com.vn/?id=645

[6] https://vnexpress.net/thoi-su/hoa-binh-kien-nghi-xay-kenh-dan-nuoc-kin-tu-song-da-ve-nha-may-3998576.html

[7]https://baotintuc.vn/xa-hoi/lo-hong-khien-nguon-nuoc-sach-song-da-bi-nhiem-dau-20191021171259276.htm

Xuân Dương