Đào tạo sư phạm ồ ạt làm mất cơ hội nghề nghiệp, sinh viên lãng phí thanh xuân

02/11/2019 07:01
NHẬT DUY
(GDVN) - Hàng ngàn sinh viên ra trường nhiều năm vẫn đang phải đi làm công nhân, làm nhân viên bán hàng để chờ cơ hội được đứng trên bục giảng.

Rất tình cờ, chúng tôi vào website của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang thấy Sở thông báo kết quả thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2019 mà thấy chạnh lòng vô cùng. Bởỉ, "tỉ lệ chọi" của các giáo sinh khi đăng ký thi tuyển viên chức năm 2019 rất cao.

Có những trường chỉ tuyển 1 chỉ tiêu mà có tới 14 thí sinh đăng ký dự tuyển.

Thực tế, để được tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bây giờ không chỉ ở An Giang mà gần như địa phương nào cũng cực kỳ khó khăn đối với sinh viên sư phạm khi đã ra trường. Liệu rồi những sinh viên này có cơ hội để được đứng trên bục giảng trong những năm tới đây hay không?

Rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có cơ hội đứng trên bục giảng (Ảnh minh hoạ: giaoducthoidai.vn)

Rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không có cơ hội đứng trên bục giảng

(Ảnh minh hoạ: giaoducthoidai.vn)

Trên website ngày 29/10/2019 của Sở Giáo dục An Giang vừa thông báo kết quả những xét và thi viên chức ngành giáo dục thì số lượng các thí sinh đăng ký thi tuyển vào các trường trung học phổ thông ở địa phương này tương đối nhiều nhưng số lượng tuyển lại rất hạn chế.

Chẳng hạn, trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh tuyển 1 chỉ tiêu môn Toán nhưng có 10 thí sinh đăng ký dự thi; trường Trung học phổ thông Cô Tô cũng tuyển 1 chỉ tiêu môn Toán và cũng có 10 thí sinh dự thi;

Trường Trung học phổ thông Hòa Lạc tuyển 1 chỉ tiêu môn Hóa học có 14 thí sinh dự thi; trường Trung học phổ thông Đức Trí tuyển 1 chỉ tiêu môn Hóa học có 13 thí sinh dự thi;

Trường Trung học phổ thông Mỹ Thạnh Tây tuyển 1 chỉ tiêu môn Ngữ văn có 13 thí sinh dự thi; trường Trung học phổ thông Chu Văn An tuyển 1 chỉ tiêu môn Văn có 9 thí sinh dự thi…

Đối với các chỉ tiêu tuyển còn lại cũng có tỉ lệ chọi rất cao. Đa phần từ 5 thí sinh trở lên mới lấy một người trúng tuyển. Đây thực sự là nỗi khó khăn cho ngành giáo dục và đặc biệt là đối với sinh viên sư phạm đã ra trường.

Trong số những thí sinh dự thi viên chức ngành giáo dục ở An Giang năm nay có em vừa tốt nghiệp nhưng cũng có nhiều em đã tốt nghiệp từ các năm qua. Nhưng, vì chỉ tiêu tuyển hàng năm quá ít nên cứ dồn ứ mãi lại, năm sau lại càng nhiều hơn năm trước.

Đào tạo sư phạm ồ ạt làm mất cơ hội nghề nghiệp, sinh viên lãng phí thanh xuân  ảnh 2Trước thềm năm học mới, nghe giáo viên kể chuyện đau xót hợp đồng

Nhiều giáo viên đang công tác tại ngành giáo dục tỉnh An Giang đều chia sẻ với chúng tôi là địa phương này trong những năm qua làm khá tốt khâu tuyển dụng.

Đối với chỉ tiêu mà có nhiều người dự tuyển đều tổ chức thi minh bạch, công khai, phải là những thí sinh nổi trội hơn cả mới có thể trúng tuyển. Những tiêu cực rất ít xảy ra trong khâu tuyển dụng hàng năm.

Tuy nhiên, thực tế thì sinh viên sư phạm của địa phương trong những năm qua đang thất nghiệp rất nhiều do chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm quá ít.

Bởi, Sở đã và đang thực hiện việc luân chuyển giáo viên ở các trường thừa sang trường thiếu rất triệt để. Đặc biệt, vừa qua Sở đã có công văn hướng dẫn các đơn vị về việc dạy liên trường.

Những giáo viên mà thiếu tiết có thể được điều sang những trường khác để dạy cho đủ số tiết quy định. Chính vì thế, phải là những trường không thể bố trí được nhân sự thì Sở, Phòng Giáo dục mới tuyển mới.

Vì vậy, nhìn vào danh sách của Sở công bố, mới thấy tình trạng trường chỉ tuyển 1 chỉ tiêu mà có tới 13-14 người dự thi thì cơ hội được tuyển dụng là cực thấp và khó vô cùng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước.

Tương lai cho sinh viên sư phạm cũng chẳng có gì khả quan

Hiện cả nước chúng ta đang tồn tại nhiều bất cập trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực ngành giáo dục. Có những cấp học thiếu giáo viên nhưng lại cũng có những cấp thừa giáo viên.

Cấp thiếu là mầm non và tiểu học nhưng cấp thừa là trung học cơ sở và trung học phổ thông. Những môn học ít tiết như Sinh, Lý, Hóa, Sử, Địa, Giáo dục công dân...lại đang dư thừa và việc tuyển mới sẽ rất hiếm bởi những trường loại 2-3 chỉ cần 1-2 giáo viên là đủ cho môn học.

Đào tạo sư phạm ồ ạt làm mất cơ hội nghề nghiệp, sinh viên lãng phí thanh xuân  ảnh 3Ai đảm bảo tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn?

Trong khi, hàng năm thì các trường đại học sư phạm vẫn tuyển sinh, đào tạo và ra trường đều đều. Vì vậy mà sinh viên sư phạm trong những năm qua có nhiều ngành thất nghiệp rất cao.

Đó là chưa kể trong những năm tới đây, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện thì một số môn sẽ bị thay thế bằng 1 môn mới như 3 môn Hóa, Lý, Sinh hiện nay sẽ thay bằng môn Khoa học tự nhiên; 2 môn Lịch sử, Địa lý sẽ thay bằng môn Lịch sử và Địa lý thì tình trạng thừa giáo viên ở các môn học này càng nhiều.

Bởi thực tế bây giờ các môn này cũng đã đang thừa. Khi áp dụng môn học mới chắc chắn việc phân công giảng dạy sẽ dễ hơn thì việc dư giáo viên trong từng trường là điều chắc chắn.

Trong khi đó, ngay từ những ngày đầu năm học này, chúng ta đã thấy rất nhiều giáo viên ở một số địa phương bị cắt hợp đồng dù đã có hàng chục năm giảng dạy.

Hàng ngàn sinh viên ra trường nhiều năm vẫn đang phải đi làm công nhân, làm nhân viên bán hàng để chờ cơ hội được đứng trên bục giảng. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì cơ hội cho các sinh viên đã và đang thất nghiệp ngày càng hẹp dần.

Mỗi năm qua đi, kiến thức sẽ mai một dần nên những sinh viên mới ra trường sẽ có những lợi thế hơn những sinh viên đã thất nghiệp nhiều năm.

Một khi đã đầu tư 4 năm học đại học với biết bao nhiêu công của, hoài bão, ước mơ mà sinh viên ra trường không xin được đúng ngành nghề để đi dạy quả thực là một lãng phí quá lớn.

Bởi, các em đã có 12 năm học phổ thông, 4 năm học đại học, học xong lại quay lại đi làm những việc phổ thông trong các nhà máy hay đi tiếp thị- những công việc chỉ cần trình độ lớp 9, thậm chí thấp hơn cũng có thể làm được.

Xem chừng bài toán nhân lực ngành giáo dục vẫn còn gian nan lắm, nếu cấp vĩ mô không có sự điều chỉnh trong việc tuyển sinh và đạo tạo thì tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm trong những năm tới sẽ ngày càng nhiều hơn.

NHẬT DUY