Văn bằng, chứng chỉ là một kiểu giấy phép con “làm tội” nhà giáo

06/11/2019 06:17
Vũ Ninh
(GDVN) - Hiện nay yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với cả giáo viên vùng cao. Những nơi đó việc giỏi tiếng đồng bào dân tộc còn quan trọng hơn giỏi ngoại ngữ.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khi bàn về tính thực tế và hiệu quả của các loại văn bằng, chứng chỉ minh họa bằng một câu chuyện:

“Hiện nay quy định về văn bằng, chứng chỉ đối với giáo viên là một quy định đại trà, có tính cào bằng.

Sắp tới đây giáo viên sẽ không còn bị hành bởi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
Sắp tới đây giáo viên sẽ không còn bị hành bởi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?

Chẳng hạn đối với giáo viên vùng cao cũng yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Tuy nhiên tôi không dám chắc rằng các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa có chứng chỉ là trình độ ngoại ngữ tốt.

Vì họ thiếu đi môi trường để thực hành.

Ở những vùng như vậy chỉ có đồng bào dân tộc thì các thầy cô biết giao tiếp ngoại ngữ với ai.

Cho nên qua thời gian trình độ ngoại ngữ chắc chắn không được đảm bảo.

Tại những địa phương như vậy việc giáo viên biết ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn quan trọng hơn tiếng Anh hoặc những ngoại ngữ khác”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyết kết luận: Hiện nay các quy định về chứng chỉ dành cho giáo viên còn nặng về tính hình thức chưa đi vào thực tiễn.

Thầy Khuyến nói: “Các quy định về chứng chỉ được đưa ra với mục đích tốt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, viên chức. 

Tuy nhiên khi thực hiện trong thực tế nảy sinh nhiều vấn đề như tình trạng mua bán, chạy vằn bằng, chứng chỉ.

Ta đưa ra quy định về chứng chỉ này, chứng chỉ kia nhưng vẫn rất trùng lặp và không có sự liên thông với nhau. Điều này khiến cho người học phải học đi học lại.

Đây cũng là một trong những hạn chế của các quy định này. Bên cạnh đó cần đưa về một đầu mối quản lý và không nên để như hiện nay”.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến không nên quy định đại trà các loại chứng chỉ như hiện nay (Ảnh:giaoduc.net.vn)
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến không nên quy định đại trà các loại chứng chỉ như hiện nay (Ảnh:giaoduc.net.vn)

Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyết các quy định về văn bằng, chứng chỉ cần thực hiện theo từng điều kiện cụ thể, theo từng cơ quan tuyển dụng và theo từng vùng chứ không nên áp dụng một cách đại trà:

“Theo tôi cần có những tiêu chuẩn và tiêu chí khác nhau về văn bằng chứng chỉ thay vì áp dụng quy định đại trà, cứng ngắc như hiện nay. 

Ví dụ tại địa phương A họ có thể yêu cầu chứng chỉ, văn bằng theo tiêu chuẩn khác với địa phương B.

Việc áp dụng đại trà như hiện nay khiến nhiều người coi chứng chỉ như một loại giấy phép con để làm đẹp, đủ hồ sơ chứ không đánh giá được năng lực của giáo viên”.

Chứng chỉ hiện nay là kẽ hở cho nhiều trường, trung tâm trục lợi (Ảnh:V.N)
Chứng chỉ hiện nay là kẽ hở cho nhiều trường, trung tâm trục lợi (Ảnh:V.N)

Ngoài ra cũng theo thầy Khuyến: Các cơ quan tuyển dụng chỉ nên coi chứng chỉ, văn bằng là điều kiện cần, song hành với đó là những tiêu chí, điều kiện khác:

“Hiện nay chỉ nên coi chứng chỉ, văn bằng như một điều kiện cần chứ không thể dùng đó để đánh giá năng lực của giáo viên. 

Cũng nên trao quyền cho các cơ quan tuyển dụng họ có tiêu chí đánh giá và yêu cầu riêng của họ.

Các tiêu chí đó có thể là vòng phỏng vấn hoặc thử việc. Mỗi cơ quan họ sẽ căn cứ vào quá trình lao động, làm việc của giáo viên để quyết định nhận họ hay không.

Không bắt Giám đốc Sở đạt chuẩn ngoại ngữ sao giáo viên phải có chứng chỉ A2, B1
Không bắt Giám đốc Sở đạt chuẩn ngoại ngữ sao giáo viên phải có chứng chỉ A2, B1

Còn nếu chỉ đánh giá thông qua văn bằng và chứng chỉ như hiện nay thì không thực tiễn”.

Thời gian gần đây, câu chuyện về giấy phép con các loại chứng chỉ lại nóng trong cộng đồng giáo viên. 

Nhiều giáo viên thẳng thắn thừa nhận việc sử dụng chứng chỉ các loại để làm đẹp hồ sơ chứ không có ý nghĩa về mặt chuyên môn.

Cô giáo N.T.C, hiệu trưởng một trường cấp 1 tại huyện Xín Mần (Hà Giang) thừa nhận: 

“Mặc dù chúng tôi chẳng bao giờ cần dùng đến ngoại ngữ vì ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.

Đôi khi mình biết tiếng người Mông, dạy các em tiếng Kinh còn quan trọng hơn nhiều so với tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.

Thế nhưng theo quy định để trở thành công chức, viên chức bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh, tin học, giáo viên chúng tôi phải bỏ tiền ra ôn, học và thi. Sau khi có chứng chỉ rồi cũng chẳng cần dùng gì đến ngoại ngữ”.

Ngoài việc chứng chỉ tin học, tiếng Anh còn chưa đi vào thực tế thì đây cũng là kẽ hở để nảy sinh tiêu cực và gian dối.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng thi bát nháo, thi chống trượt, mua bán chứng chỉ, văn bằng tại một số trung tâm, trường đại học.

Bản thân giáo viên đôi khi cũng phải chấp nhận gian dối để làm đẹp hồ sơ. Đồng thời chứng chỉ tin học, tiếng Anh cũng là một gánh nặng kinh tế với những giáo viên khó khăn.

Siết chặt quản lý thi và cấp chứng chỉ để trả lại sự công bằng, nghiêm minh cho ngành giáo dục (Ảnh:V.N)
Siết chặt quản lý thi và cấp chứng chỉ để trả lại sự công bằng, nghiêm minh cho ngành giáo dục (Ảnh:V.N)

Từ những lý lẽ trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải điều chỉnh các quy định về chứng chỉ sao cho phù hợp hơn, không áp dụng đại trà, cào bằng mà cần có các tiêu chí cụ thể.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ: “Việc yêu cầu chứng chỉ là một bước tiến tới chuẩn công chức, viên chức. 

Tuy nhiên cũng cần xem xét công việc nào, môn học nào cần ngoại ngữ, công việc nào, môn học nào không cần ngoại ngữ.

Cũng cần có những quy định cụ thể cho một số nhóm đối tượng chẳng hạn người trẻ mới ra trường thì cần trình độ nào, người thâm niên cần trình độ nào, giáo viên thành phố yêu cầu chứng chỉ gì, giáo viên vùng cao yêu cầu trình độ gì? 

Bên cạnh đó cũng cần kiểm soát, tổ chức thi chứng chỉ chặt chẽ để tránh trường hợp người ta lợi dụng để đi mua bằng, chạy bằng”.

Vũ Ninh