Mong các Bộ trưởng trả lời thẳng, nêu được các giải pháp hiệu quả

06/11/2019 06:27
Đỗ Thơm
(GDVN) - Hôm nay, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8. Phiên chất vấn sẽ kéo dài từ ngày 6 – 8/11.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – ông Nguyễn Xuân Cường sẽ là người trả lời chất vấn đầu tiên về nhóm vấn đề: Chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội trước thềm phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, đại biểu Trần Văn Mão – đoàn Nghệ An bày tỏ kỳ vọng các trưởng ngành sẽ đưa ra được các giải pháp tích cực, hiểu quả nhất đề giải quyết các tồn tại thuộc trách nhiệm của ngành.

Theo đó, kỳ họp này Quốc hội sẽ chất vấn 4 nhóm vấn đề.

Các vấn đề còn tồn tại của các lĩnh vực được chất vấn lần này trong báo cáo Chính phủ cũng đã chỉ ra.

Các nội dung chất vấn từ trước rồi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Vì thế, kỳ này, mong các Bộ trưởng đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất.

“Trong đó, tôi quan tâm nhất đến nhóm giải pháp sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực hiệu quả của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian vừa rồi, Quốc hội, chính phủ, các địa phương đã nỗ lực.

Tuy nhiên, theo tôi việc triển khai chưa đồng bộ và chưa mang lại hiệu quả, chưa bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, ổn định để định hình một bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhất”.

Theo báo cáo Bộ Nội vụ gửi Quốc hội, đến nay, có 40.500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp) của các bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

Trong đó, năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; năm 2018: 10.139 người.

Thực hiện Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, từ ngày 15/10/2018, các bộ, ngành và địa phương được phân cấp giải quyết chế độ chính sách tinh giản biên chế và định kỳ báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính 2 lần/năm để kiểm tra theo quy định. Theo đó, số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 113/2018/NĐ-CP 6 tháng đầu năm 2019 là 10.047 người.

Thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Kết luận của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ về bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non đối với 14 tỉnh tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn thiếu 87.696 biên chế giáo viên các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông), Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đây là cách tinh giản biên chế giáo dục nhưng không gây hoang mang cho giáo viên
Đây là cách tinh giản biên chế giáo dục nhưng không gây hoang mang cho giáo viên

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (khối Chính phủ quản lý), tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của bộ, ngành, địa phương, biên chế công chức của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các hội có tính chất đặc thù và biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện được giao năm 2015.

Năm 2019, Bộ Nội vụ đã thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (khối Chính phủ quản lý) của 63 tỉnh, 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 8/8 cơ quan thuộc Chính phủ, tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành giảm 11,85% và địa phương giảm 4,26% so với năm 2015.

Trong báo cáo này cũng đưa ra nhận định, chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao, các biện pháp giải quyết chưa đạt yêu cầu;

Một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn có những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu;

Thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa quyết liệt, có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản nhưng vẫn đưa vào diện tinh giản biên chế. (1)

Tài liệu tham khảo:

(1) https://baotintuc.vn/xa-hoi/thuc-hien-chinh-sach-tinh-gian-bien-che-chua-quyet-liet-20191023093654900.htm

Đỗ Thơm